23 thg 2, 2022

Ngôi nhà hơn 300 năm tuổi của người Nùng ở Xín Mần

Ngôi nhà cổ to lớn, bề thế, tuổi đời hơn 300 năm tại xã Nàn Ma có vóc dáng khác lạ so với căn nhà nhỏ, giản dị thường thấy của người Nùng ở Xín Mần (Hà Giang). Hơn thế, nhịp sống đậm chất văn hóa truyền thống ở nơi đây đem đến rất nhiều cảm xúc cho những người đến được nơi này.

Nằm cách trung tâm xã Nàn Ma khoảng 3km, ngôi nhà cổ bề thế này được xây theo kiểu nhà “pháo đài”. Lưng dựa vào núi, mặt ngôi nhà hướng về phía Nam nhìn ra thung lũng nơi có những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Nhà có vàng sẫm là màu thời gian của những bức tường trình đất lâu đời. Nét đẹp nguyên sơ, mộc mạc từ vật liệu xây dựng truyền thống của bà con dân tộc ở vùng cao tô điểm cho ngôi nhà thêm phần ấn tượng.

Toàn cảnh ngôi nhà nhìn từ trên cao.

Sân giếng trời ngôi nhà cổ thường là nơi vui chơi của những đứa trẻ họ Lý.

Những bông lúa của lễ cầu mùa gác trên khung cửa phòng khách.

Hiện tại đây là nơi ở của 2 gia đình anh em họ Lý, theo họ căn nhà đã có tuổi đời hơn 300 năm. Quy mô to lớn, hoành tráng của ngôi nhà “pháo đài” là minh chứng về thời xa xưa, ông cha họ là những người quyền thế, giầu có. Nhìn từ trên cao, nhà có 3 dãy nhà lớn. Cùng một bức tường trình đất dày nửa mét xây chắn trước mặt, tất cả tạo nên một “pháo đài” vuông vức, vững chắc có diện tích lên đến mấy trăm mét vuông. Trên những bức tường trình đất quay quanh vẫn còn dấu vết của những lỗ châu mai phòng thủ. Người Nùng xưa ở vùng sơn cước xây kiểu nhà này là để phòng giặc giã, chống trộm cướp.

Dấu vết thời gian trên một cây cột ở hiên ngôi nhà cổ.

Nhà được lợp ngói âm dương.

Phòng khách nơi người Nùng mở tiệc và ngân nga điệu hát Sli.

Nền nhà làm từ những tảng đá xanh được đục đẽo bằng khẳng, xếp khít tạo bệ đỡ chắc chắn cho khung nhà, cột, kèo gỗ lim. Tường nhà là tường trình đất sét dày hơn 50 cm. Khi trình, người ta dùng chày vồ đập, nện, nén đất tạo nên những bức tường kiên cố. Dù được xây dựng cách đây hơn 300 năm, nhưng ngôi nhà là nơi sinh sống tiếp nối của nhiều đời dòng họ Lý nên được giữ gìn rất cẩn thận. Các bức tường, cột, kèo, vách ngăn bằng gỗ trong ngôi nhà vẫn chắc chắn. Nhiều nét hoa văn chạm, khắc trang trí trên gỗ, trên đá vẫn còn rõ nét…Hiện tại các căn phòng đã được thay đổi chức năng sử dụng khác so với ban đầu nhưng ngôi nhà “pháo đài” độc đáo này còn giữ được tổng thể khá nguyên vẹn.

Những thế hệ gia đình họ Lý trong trang phục truyền thống do phụ nữ sinh sống ở đây tự may.

Những người phụ nữ trong gia đình này vẫn hàng ngày dệt lanh, nhuộm vải.

Những nét chạm khắc còn rất rõ nét tại cửa sổ phòng khách của căn nhà cổ.

Hơn thế, khi đến thăm ngôi nhà cổ ta sẽ được bước vào không gian sống đặc sắc của một gia đình người Nùng giầu truyền thống. Hậu duệ của chủ nhân ngôi nhà xưa hiện vẫn gìn giữ nếp nhà tại chính khu đất ông cha họ chọn ở khi xưa. Ngay trên khung cửa gỗ của phòng khách giờ đen sậm, săn chắc như đá theo thời gian giờ là những nhánh lúa được gác trên cao suốt cả năm. Đây là những nhánh lúa thiêng trong lễ Lễ cầu mùa – lễ quan trọng nhất của người Nùng. Ở gian phòng cạnh bếp ta sẽ nhìn thấy những dụng cụ dệt lanh, nhuộm vải. Những người phụ nữ trong gia đình này hàng ngày vẫn trồng lanh, dệt, nhuộm, may những bộ trang phục truyền thống màu chàm nền nã nhưng bắt mắt…

Và may mắn hơn, nếu đến thăm ngôi nhà đúng vào một ngày lễ, bạn sẽ những người chủ nhà vô cùng thân thiện mời dự bữa tiệc của gia đình. Và chắc chắn ta sẽ được đắm mình vào trong những khúc hát Sli dài bất tận. Những câu hát đối đáp trong khúc dân ca của người Nùng giản dị nhưng vô cùng quyến rũ sẽ níu chân bạn ở lại trong không gian sống đầy ắp lịch sử.

Thực hiện: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét