21 thg 2, 2022

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Những tên đường gọi yêu thương

Gấp cuốn Leonardo de Vinci hơn 700 trang lại, bà Vũ Phong Thu mỉm cười mãn nguyện: "Đến tuổi này tôi mới có được thời gian cho mình, cho niềm yêu thích nghệ thuật ngày xưa, những tưởng đã bị cuộc đời lấy mất từ lâu".

Tên đường mang giá trị văn minh phổ quát của cả nhân loại - Ảnh TỰ TRUNG

Suốt mùa Tết này, bà Thu đã dành phần lớn thời gian để đọc những cuốn sách về hội họa, âm nhạc bà mới sưu tầm được, tìm trên YouTube những trích đoạn cải lương, vọng cổ của Thanh Nga, Út Trà Ôn vốn còn xa lạ vì gần hết cuộc đời công chức ở Hà Nội, bà chỉ say mê với báo Văn Nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân Đội.
Đường yêu, đường chờ

"Tôi đã có thêm rất nhiều kiến thức mới, cảm xúc mới. Cũng nhờ đến đây sống mà có những cảm hứng này", bà mỉm cười lần nữa, nhìn quanh mình. Khu căn hộ nhìn ra sông Rạch Chiếc, những con đường dưới khu dân cư ngăn nắp, xanh mát tàn cây. "Không phải căn hộ hay khu dân cư ở đây đẹp hơn nơi khác đâu, mà là những cái tên", bà Thu giải thích.

Khu căn hộ The Art Gia Hòa (TP Thủ Đức) bà đang ở không mang tên A1, A2 như thường nghe, mà được đặt tên: Leonardo de Vinci, và các khu bên cạnh dĩ nhiên cũng không phải B, C mà là Picasso, Mozart, Beethoven - những cái tên thiên tài mà chỉ đọc lên người nghe đã cảm được bao nhiêu giá trị tinh thần nhân loại, khát vọng với cái đẹp chân - thiện - mỹ dung chứa trong ấy.

Những con đường nội bộ xuyên khu dân cư phía dưới cũng không đánh số như thường thấy mà là những cái tên gần gũi và nhiều yêu thương với mỗi người Việt: Trịnh Công Sơn, Xuân Quỳnh, Thanh Nga, Út Trà Ôn, Nguyễn Đình Thi, Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền, Huy Cận...

"Thơ Xuân Quỳnh tôi thuộc đã từ lâu. Mỗi chiều đi bộ trên đường Xuân Quỳnh yên bình mát mẻ, tôi lại mong mau có thêm con đường Lưu Quang Vũ kề bên, để Xuân Quỳnh được thỏa nguyện "biết yêu anh cả khi chết đi rồi". Còn tôi, từ khi đến đây tôi đã biết nhiều hơn về Thanh Nga ngoài câu chuyện về vụ án chấn động ngày ấy.

Tôi đã xem lại những tấm ảnh, những vai diễn của cô: công chúa Quỳnh Nga, Điêu Thuyền, Trưng Trắc, cả vài đoạn phim xưa nữa. Quả là một nữ hoàng rực sáng trên sân khấu và cả ngoài đời thường. Cuộc đời qua cách diễn tả của cô thật đau mà thật đẹp…", bà Thu vẫn mơ màng với những mối quan tâm mới mà những cái tên được gắn trên biển tên đường nơi ở mới đã gợi ý cho bà.

Đến lượt người nghe chuyện mỉm cười. Ý tưởng thay những con số thứ tự khô khan bằng tên các văn nghệ sĩ để vinh danh những người mang giá trị nhân văn đến cho con người của chủ đầu tư đã thành công qua cảm nhận của bà, một cư dân mới. Đường Xuân Quỳnh đang chờ thêm Lưu Quang Vũ, đường Huy Cận đang chờ thêm Xuân Diệu, và Thanh Nga hẳn cũng đang chờ thêm Thanh Sang, Lệ Thủy…

Cư dân ở đây không chỉ mình bà Thư mới được những tên đường thúc đẩy để tự làm giàu thêm hành trang văn hóa của mình. Với địa chỉ mới, mối quan tâm đến nghệ thuật của mỗi người ngày càng đậm sâu, hẳn họ cũng đang chờ đợi thêm những sinh hoạt văn hóa trong khu vực.

Đâu phải chỉ anh hùng dân tộc, cái nhìn chính thống của thời đại mới nên đặt tên đường, quan trọng hơn là ý nghĩa, giá trị của cái tên trong cuộc sống, trong xã hội, trong lịch sử, trong chính từng con người khi đối diện bảng tên đường. Ý tưởng này không phải mới, nhưng kể cả những người kỳ cựu và có tiếng nói trong Hội đồng đặt đổi tên đường như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng phải nung nấu bao ngày tháng mà chưa hẳn đã thực hiện được như ý nguyện.

"Quả là có những tên đường chỉ cần đọc lên đã mang bao nhiêu ý vị giáo dục, chưa cần đến công phu sưu tra tiểu sử, công tích danh nhân. Và qua nhiều ngày tháng thì giá trị mà tên đường gọi ra cũng thấm vào người đi đường", ông Lê Văn Chín, một công dân kỳ cựu ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, nói. Những tên đường ông nhắc đến là những cái tên trong khu làng giáo sư Thủ Đức xưa.

Những tên đường khơi gợi vẻ đẹp của tình yêu - Ảnh TỰ TRUNG

Đường bác học, đường văn nhân

Làng giáo sư được quy hoạch từ những năm 1960 là những biệt thự vườn vuông vức rợp bóng cây xanh, đến nay chủ sở hữu hầu như đều đã thay đổi, nhiều khu vườn đã thành những quán cà phê sân vườn, nhưng quy hoạch xưa vẫn ngăn nắp đẹp đẽ, những con đường vẫn đầy ý vị từ cái tên. Đường ngang mang tên những giá trị văn minh nhân loại: Công Lý, Chân Lý, Dân Chủ, Bác Ái, Hòa Bình, Thống Nhất. Đường dọc là tên những bậc thầy kiến tạo nhân văn, văn minh: Tagore, Einstein, Hồng Đức, Khổng Tử, Chu Mạnh Trinh…

Sát bên quốc lộ ngày một nhộn nhịp đông đúc, nhà hàng quán ăn ngày một mọc lên nhiều, nhưng những con đường nhỏ rợp bóng cây vẫn giữ được vẻ bình yên, tĩnh lặng bác học của ngày nào. Trong một căn biệt thự đường Công Lý, gia đình giáo sư Lý Chánh Trung vẫn giữ gìn từng bài viết đấu tranh cho hòa bình, công lý của ông và các con đã được viết ra trong chính căn nhà trên đường Công Lý này.

Phát huy truyền thống này, những con đường mới trong khu làng đại học Thủ Đức đã được mang những cái tên bác học từ Việt Nam đến thế giới: Lê Quí Đôn, Nguyễn Du, Võ Trường Toản, Tạ Quang Bửu, Marie Curie, Thomas Edison, William Shakespeare…

"Tên của các danh nhân không chỉ là cái tên, không chỉ là câu chuyện lịch sử, văn hóa, không chỉ là những bước tiến khoa học, thay đổi thế giới mà họ đã mang lại, không chỉ là tấm gương lao động trong đam mê, mà thực sự khơi lên trong em ước mơ noi theo để được làm một người hữu ích, có tên trong cuộc đời", Cẩm Tú, sinh viên năm 3 ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, nói.

Ngày ngày đi học, đi làm trên đường Nguyễn Du, Hoàng Cầm đã khiến Tú tìm đọc nhiều hơn những gì trong giáo trình, sách tham khảo và hiểu nhiều hơn về những nỗi đau của cuộc đời, của lịch sử. "Thời đại của chúng em đã khác rồi và nhất định phải khác, nhưng lịch sử vẫn cần được biết, được hiểu. Nhiều con người cần được học hỏi, nhiều bài học cần được rút kinh nghiệm…", Tú chiêm nghiệm.

Tên đường quả là không chỉ là tên đường. Sang quận 7, thả bộ dạo quanh hồ bán nguyệt sẽ thấy những con đường dẫn vào hồ mang tên Bertrand Russel, Luther King, Morison, người mang tư tưởng tự do đến thế giới, người đấu tranh cho quyền bình đẳng, không phân biệt, người lại xả thân vì hòa bình của Việt Nam. Thanh bình đẹp đẽ mỗi sớm mỗi chiều cho tất cả người Việt, người Hàn, người Mỹ, Anh, Pháp... dạo quanh hồ bán nguyệt hôm nay có sự góp phần của những người ấy.

Tên đường không chỉ là cái tên, cũng không chỉ là một nhân vật lịch sử - cách mạng là như vậy. Những cái tên mang sẵn những giá trị ngày ngày kiên nhẫn thấm vào tư tưởng, thấm vào hồn người qua lại. Những cái tên mang hương hoa thơm đẹp vĩnh hằng. Những cái tên mang hình ảnh những người đã cống hiến đời mình làm giàu làm đẹp cho nhân loại, cho cuộc đời… Những tên đường gọi người ta thêm yêu thêm gắn bó với thành phố của mình.

Có tên đường để nhắc nhớ, lại cũng có tên đường là để quên. Sang khu "phố hoa" nằm giữa đường Phan Xích Long và rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người đi đường dễ lẫn lộn nhưng lại dễ chịu với những tên đường Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Hồng, Hoa Lan, Hoa Cúc, Hoa Sứ, Hoa Cau…

Ngân tên lên đã thấy đẹp, nghe thơm và chẳng ai còn nhớ đây chính là khu "xóm nước đen" xú uế phức tạp chỉ hơn 20 năm trước. Các con đường nhỏ không có nhiều loài hoa mình mang tên nhưng rợp bóng cây, xôn xao quán hàng, lại cũng đủ tĩnh lặng riêng tư cho những nhà phố, biệt thự xinh xắn hay sang trọng. Xóm nước đen, nơi trú ngụ của bao nhiêu thành phần xã hội phức tạp thuở nào nay đã thành khu phố hoa bạc tỉ.

PHẠM VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét