22 thg 2, 2022

Cuộc sống trong bản H'Mông ở Sìn Hồ

Phi Long chuyển hẳn lên ở huyện Sìn Hồ từ tháng 12/2021 để khám phá nhịp sống cũng như giúp người dân làm kinh tế.

Võ Văn Phi Long (trái), 32 tuổi, bỏ công việc ở quê hương Quảng Nam để "cắm bản" làm kinh tế ở Can Tỷ 1, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ từ giữa tháng 12/2021.

Chàng trai người Điện Bàn chia sẻ mình từng làm việc cho một tổ chức xã hội phi lợi nhuận nên được đi khá nhiều nơi ở Việt Nam. Phi Long trải nghiệm bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc sản ẩm thực của nhiều vùng miền, đặc biệt là trên các bản làng vùng cao. Năm nay ăn Tết xa gia đình nhưng anh vẫn cảm nhận được sự ấm cúng vì được người dân tặng cành đào, bánh dày và cả thịt lợn.

Góc nhà gỗ nơi Phi Long "cắm bản" vẫn còn không khí Tết với cành hoa đào phai khoe sắc, hôm 14/2.

Cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1.500 m, có khí hậu mát mẻ, nhiều mây mù, được xem như "Sa Pa thứ hai" của khu vực Tây Bắc, với điểm nhấn là những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi. Trên hình là cảnh mây trôi ở bản Nà Kế, xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ vào ngày 7/2.

“Cách đây 4 năm, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Sìn Hồ. Điều làm tôi ấn tượng là quang cảnh hoang sơ và đẹp, con người thân thiện và mến khách. Đôi chân lúc nào cũng muốn xê dịch và giúp bà con nhiều hơn là lý do năm nay tôi quay trở lại Sìn Hồ, ăn Tết cùng người dân”, anh nói.

Nhà người H'Mông điểm xuyết hoa mận ở bản Pa Chao Ô, xã Hồng Thu. Huyện Sìn Hồ trồng khá nhiều đào, mận, lê nên mỗi dịp xuân về các loại hoa đua nhau khoe sắc. Dân tộc ở Sìn Hồ chiếm số đông là Thái và H'Mông, còn lại là các dân tộc Kinh, Dao, Lự, Kháng và Khơ Mú...

Cuộc sống người dân còn khó khăn. Với kinh nghiệm của mình, Phi Long ở lại bản dịp Tết này, cùng người dân làm kinh tế, chia sẻ các tài liệu về trồng trọt, chăn nuôi... Anh hỗ trợ bà con tiêu thụ các loại nông sản như mận tam hoa, lê nâu, đào, mật ong, nấm ngọc cẩu hay sâm đương quy. Chàng trai Quảng Nam đang giúp một số người dân bản Cán Tỷ 1 phát triển trồng cây ăn trái và dược liệu. "Tôi thật sự hạnh phúc khi làm điều có ý nghĩa như thế này", Phi Long cho biết.

Những đứa trẻ H'Mông chơi Tết trên lưng chừng đồi ngập tràn mây ở bản Pa Chao Ô.

Trẻ em người Dao chăn trâu trên ruộng bậc thang, xen lẫn lối đi là hoa ngũ vị (hay cây cỏ hôi) ở bản Nậm Mạ Dạo, xã Ma Quai. Người dân Sìn Hồ chỉ làm một vụ lúa, mùa nước đổ trên ruộng bậc thang rơi vào tháng 3 và mùa gặt vào tháng 9.

Trẻ em H'Mông ở bản Can Tỷ 1, xã Ma Quai chơi đánh cù (tù lu) ngày Tết. Ngoài chơi kéo co, ném pao, ném còn, thanh niên và trẻ em ở đây còn thích chơi đánh cù. Quả cù của mỗi dân tộc thường khác nhau về kích thước, hình dáng cũng như cách chơi, quy định thắng thua. Chiếc cù của người H'Mông được làm từ loại gỗ cứng, đẽo tròn, đầu dưới thu nhỏ dần thành nhọn, phần dây cuốn con quay (cù) có cán cầm.

Phụ nữ H'Mông ở bản Pa Chao Ô, xã Hồng Thu đang thêu vải để làm trang phục truyền thống.

Ba mẹ con người Mông ở bản Pa Chao Ô bên bếp lửa hồng. Nhịp sống mùa xuân ở Sìn Hồ rất rộn ràng, người dân trang hoàng nhà cửa, sắm sửa đồ đạc trong nhà, mặc quần áo mới và vui chơi thể thao. Họ quan niệm rằng một năm vất vả làm ăn nên Tết đến phải sắm cho đủ đầy.

Thịt lợn gác bếp của người Mông ở bản Can Tỷ 1, xã Ma Quai. Theo tục lệ của người H'Mông, đến 13/1 Âm lịch mới hết Tết. Vào dịp này, gia đình nào có điều kiện thì sẽ mổ một con lợn, sau đó mang đi ướp muối và treo trên bếp để ăn dần.

Khu chợ ở bản Seo Lèng, xã Phìn Hồ bán đa dạng các mặt hàng rau củ. Du khách đến Sìn Hồ mùa xuân sẽ tìm thấy những đặc sản địa phương như mận tam hoa, lê nâu, đào, mật ong, nấm ngọc cẩu, sâm đương quy... trong chợ.

Huỳnh Phương - Ảnh: Võ Văn Phi Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét