11 thg 2, 2022

Kinh Môn từng có Văn miếu

Ở khu nghĩa trang của dòng họ Mạc tại thôn Trần Xá, xã Lạc Long (Kinh Môn) vẫn còn hai tấm bia ghi chép việc trùng tu văn miếu phủ Kinh Môn. Đây là hai di vật quý hiếm về chấn hưng đạo học ở Hải Dương.


"Mò kim đáy bể" tìm tư liệu

Ông Đặng Văn Lộc, người có nhiều năm nghiên cứu Hán Nôm kể khi ông tham gia hội nghị thông báo Hán Nôm học năm 2011, tiến sĩ Nguyễn Hữu Mùi, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tặng ông sách “Truyền thống hiếu học và hệ thống văn miếu, văn từ, văn chỉ ở Vĩnh Phúc” do Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc xuất bản.

Trong sách có thông tin cả nước chỉ còn số lượng ít văn miếu cấp phủ tại các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Hải Dương. Tỉnh ta có văn miếu phủ Kinh Môn. Sau đó, ông đã xuống xã Lạc Long để tìm kiếm dấu tích về văn miếu này. Cán bộ thôn đưa ông đến nhà một số hộ ở gần chùa làng, được một phụ nữ chia sẻ gia đình chuyển ra khu vực này ở từ những năm 80 của thế kỷ trước, nghe các cụ kể lại đây từng là đình huyện, có rất nhiều bia đá, chiếu đá nhưng đến nay hầu hết đã bị đập đi nung vôi. Cạnh nhà người này là nghĩa trang của dòng họ Mạc ở thôn Trần Xá, trong đó còn hai bia đá chỉ có thể đọc được một số chữ Hán ở phía ngoài do các bia này nằm giữa tường bao và mộ của những người họ Mạc.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm, nhà báo Đặng Văn Lộc tra cứu tư liệu lịch sử của văn bia ghi chép về văn miếu phủ Kinh Môn

Sau chuyến đi, ông nhiều lần đến và nhờ bạn đồng môn đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm tìm thác bản (loại hình văn bản bằng giấy được in rập văn khắc Hán Nôm từ các bia đá, chuông đồng…) của văn bia này được lưu trữ tại viện. Quá trình tìm kiếm như mò kim đáy bể vì ở đây lưu trữ hàng chục nghìn thác bản. Sau nhiều lần đi lại, cuối cùng ông cũng được bạn gửi cho thác bản của hai văn bia này. Có tài liệu quý trong tay, ông so sánh với những ảnh chụp tại văn bia ở thôn Trần Xá và xác định đó là thác bản của hai bia đá tại khu nghĩa trang họ Mạc ở Trần Xá. Sau đó ông tự phiên âm, dịch nghĩa, viết bài công bố nghiên cứu đăng báo Hải Dương, tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch, viết tham luận gửi Hội thảo khoa học “Tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học và du lịch tại các di tích Nho học Việt Nam” do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức năm 2013…

Niềm tự hào

Những phát hiện của ông Đặng Văn Lộc đã khẳng định giá trị lịch sử của những văn bia này. Hai tấm bia ghi chép về văn miếu phủ Kinh Môn được dựng vào năm Bảo Thái 9 (1728) và Cảnh Hưng thứ 12 (1751), đều ghi việc trùng tu, tôn tạo văn miếu, bao gồm chủ trương trùng tu, người soạn bài ký, người viết đại tự, tiểu tự, những hạng mục công trình, danh sách người góp tiền của.

Văn bia được dựng năm Bảo Thái 9 tại thánh miếu (văn miếu) ở xã Trần Xá, tổng Hà Tràng, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Trần Xá, xã Lạc Long, Kinh Môn). Thân bia hình vuông với kích thước 0,56 x 0,56 m, độ dày 0,26 m, với nội dung ghi văn miếu phủ Kinh Môn đã nhiều lần được sửa chữa. Lần này người 7 huyện của phủ cùng góp tiền tu sửa và mua sắm thêm trang thiết bị thờ cúng. Cuối văn bia khắc in bài ca ngợi văn miếu. Tác giả văn bia là Mậu lâm tá lang Tri phủ Nguyễn Hưng Khiêm. Người viết chữ bài ký là Cẩn sự lang Đồng Tri phủ Hào Lộc Nguyễn Đăng Tương. Theo bài ký, văn miếu trước khi trùng tu gồm nhà tiền bái, hậu cung, nhà tả, hữu đều 3 gian. Lần trùng tu này trang bị đồ thờ cho nhà tiền bái, hậu cung, nâng cấp hai nhà dải vũ từ 3 gian lên 5 gian, làm nhà nghi môn 1 gian. Những người góp tiền được ghi theo ba nhóm: Quan Tri phủ, Phó Tri phủ (Đồng Tri phủ); Tri huyện; Huyện thừa của 7 huyện thuộc phủ Kinh Môn.

Thác bản lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm của tấm bia ghi việc trùng tu văn miếu phủ Kinh Môn, niên đại Cảnh Hưng 12 năm 1751

Văn bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 12 do Hoàng giáp Nguyễn Tông Khuê soạn năm 1751. Nội dung trong văn bia xác nhận trước kia văn miếu phủ Kinh Môn được dựng tại tổng Hà Tràng. Sau này văn bia bị “giặc cỏ” phá chỉ còn tượng thờ, hoang tàn. Năm Kỷ Tỵ 1749, Thái bảo Hải Quận công Phạm Đình Trọng duyệt quân qua Trần Xá, thấy đây từng là nơi tôn nghiêm, đông đúc mà nay hoang phế, liền ra lệnh nhanh chóng tu bổ, tôn tạo. 4 người gồm Tri phủ Phạm Cửu Địch, Tri huyện Dương Quế, Nghĩa Lĩnh bá Nguyễn Đình Hoán và Nguyễn Trọng Diễn cùng nhau làm 2 tòa nhà, mỗi tòa 5 gian, lợp ngói bích, xây tường bao, bố trí ban thờ, đồ thờ uy nghi, lộng lẫy. Công trình khởi công vào tháng 3 năm Canh Ngọ 1750, hoàn thành tháng 8.1751, với kinh phí 1.000 quan, do 4 người phụng sự, không nhờ người thân, bạn bè, không thu của dân. Văn bia khẳng định những văn miếu ở trấn lộ bị thiêu phá sau 10 năm đã trở lại vị thế tôn nghiêm nhờ những người mang lòng thành với ước nguyện tu bổ, đặc biệt là tiến sĩ Phạm Đình Trọng. Đóng góp của ông để chấn hưng đạo học là tư liệu lịch sử chưa thấy công bố.

Văn miếu phủ Kinh Môn được hai vị đại khoa, trọng quan của triều đình là Phạm Đình Trọng, Nguyễn Tông Khuê quan tâm, 4 người là trưởng quan và thuộc hạ bỏ khoản tiền riêng không hề nhỏ, không huy động sức dân để khôi phục văn miếu từ xuống cấp nghiêm trọng trở nên hoành tráng.

Ông Nguyễn Xuân Điệu (sinh năm 1956), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lạc Long cho biết theo các cụ kể lại, địa phương trước đây có một di tích được nhân dân gọi là đình Thánh với rất nhiều bia đá, phỗng đá, chiếu đá. Đây là ngôi đình lớn nhất trong khu vực nhưng sau này đã bị phá hủy, chỉ còn 2 bia đá ở nghĩa trang họ Mạc, 2 ông phỗng đá được đặt ở mộ thành hoàng làng Trần Khắc Chung do nhân dân tôn tạo, tu bổ lại.

Văn miếu phủ Kinh Môn là niềm tự hào của người dân xứ Đông về đạo học và lòng tôn sư trọng đạo.

VIỆT QUỲNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét