26 thg 2, 2019

Còn mãi nghề dệt thổ cẩm ở Rờ Kơi

Hiện nay ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong các thôn làng đồng bào DTTS đang có nguy cơ mai một. Thế nhưng, tại thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), vào thời điểm nông nhàn, với bàn tay khéo léo, những người phụ nữ Hà Lăng (Xơ Đăng) ngày ngày vẫn miệt mài bên khung cửi dệt ra những tấm thổ cẩm với sắc màu đẹp tươi...

Một ngày đầu tháng 1/2019 chúng tôi về thôn Rờ Kơi của xã Rờ Kơi để tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm ở nơi đây.

Vào thời điểm này, những cánh đồng lúa nước dọc hai bên đường bê tông phẳng lì dẫn vào thôn vừa được gieo sạ xong. Công việc gieo cấy lúa cho mùa vụ mới đã hoàn thành, những rẫy mì trên nương chưa đến kỳ thu hoạch cũng là lúc phụ nữ Hà Lăng ở thôn Rờ Kơi dành thời gian ngồi bên khung cửi để dệt ra những tấm thổ cẩm dùng làm trang phục cho gia đình trong dịp Tết và cả mùa Xuân - “mùa con ong đi lấy mật”, mùa lễ hội của đồng bào DTTS tại chỗ Kon Tum nói riêng, đồng bào DTTS Tây Nguyên nói chung.

Tuy ngày nay những tấm vải dùng để may trang phục ngoài thị trường với nhiều chủng loại, màu sắc không hề thiếu, nhưng với những người phụ nữ nơi đây thì dệt thổ cẩm đã “ăn vào máu thịt”, thể hiện sự khéo tay của phụ nữ Hà Lăng nên họ giữ gìn và “truyền lửa” cho các thế hệ tiếp nối.

Ngày nay, bên cạnh việc giữ gìn nghề truyền thống của người Hà Lăng, dệt thổ cẩm cũng góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống gia đình của người dân nơi đây. Vì vậy, dạo quanh thôn Rờ Kơi một vòng, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ đến già, đang miệt mài bên khung dệt.

Đang dệt thoăn thoắt phía trước nhà, bà Y Hem năm nay đã gần 60 tuổi chia sẻ: Từ trước đến nay, trong quan niệm truyền thống của người Hà Lăng, gái lớn lên phải biết dệt vải, trai lớn lên phải biết đan gùi. Chính vì thế, từ khi mới chỉ 13 - 14 tuổi, các cô bé đã được các bà, các mẹ dạy cách nhuộm vải, se tơ, thêu thùa, dệt thổ cẩm… Và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái dân tộc Hà Lăng.

"Dệt thổ cẩm có nhiều công đoạn phức tạp, phải những ai khéo léo, cần mẫn và kiên trì thì mới làm được. Từ trước đến nay, người con gái nào trong thôn không biết dệt vải, thêu thùa sẽ bị chê cười, khó bắt được chồng. Chính vì thế, gia đình tôi có 3 đứa con gái khi lên khoảng 14 - 15 tuổi tôi đã dạy chúng nó cách cách nhuộm vải, se tơ, dệt thổ cẩm…" - bà Y Hem cho biết thêm.

Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 80, nhưng bà Y Ríp hàng ngày vẫn ngồi bên khung cửi để dệt nên những tấm vải mình yêu thích.


Bà Y Ríp miệt mài bên khung dệt. Ảnh: B.C 

Bà Y Ríp kể: Hồi mới hơn 10 tuổi, mỗi lần thấy bà và mẹ bày khung cửi là tôi đều chạy đến ngồi bên cạnh để học. Ban đầu học cách xếp khung cửi, bày chỉ, rồi dần học dệt các sản phẩm đơn giản. Khi tự tay có thể dệt được sản phẩm đầu tiên là một tấm vải thì tôi lại càng yêu thích nghề dệt thổ cẩm hơn và cũng từ đó, khi có thời gian rảnh rỗi là ngồi bên khung cửi để dệt. Sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng trong gia đình, nhưng thỉnh thoảng cũng có người đặt mua.

Khi được hỏi về thời gian để hoàn thành một tấm chăn như bà đang dệt, bà Y Ríp cho biết: Để dệt xong một cái chăn đối với hầu hết những người phụ nữ khác ở trong thôn thường phải mất từ 5 đến 7 ngày, nhưng đối với tôi thì chỉ khoảng 3 ngày. Giá bán ra mỗi cái chăn thổ cẩm dệt thủ công như thế này khoảng 600 đến 700 ngàn đồng.

Công cụ dệt và khung dệt thổ cẩm của người Hà Lăng ở Rờ Kơi khá đơn giản. Khung dệt không đặt cố định, được làm bằng những thanh gỗ, tre, khi dệt mới căng ra, còn khi không làm thì xếp gọn lại được. Tùy theo công đoạn, có lúc dệt đứng nhưng cũng có lúc dệt ở tư thế ngồi.

Tôi quan sát thấy, chỉ với một khung dệt đơn giản, dưới bàn tay khéo léo của bà Y Ríp, những cuộn len, sợi chỉ dần trở thành những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu.

Theo bà Y Ríp, công đoạn khó nhất là dệt các hoa văn trang trí sao cho đều và đẹp một cách tinh tế. Hoa văn dệt trên thổ cẩm của người Hà Lăng khá đơn giản, chủ yếu là hình vuông kết nối vào nhau thành những đường viền và tạo nên điểm nhấn cho tấm khăn đẹp, hình khối chắc và mang nét đặc trưng riêng của người Hà Lăng.

Gam màu chủ đạo trên sản phẩm thổ cẩm của người Hà Lăng thường là màu đen, màu đỏ và màu trắng, ngoài ra còn có màu xanh, màu tím để trang trí cho hoa văn.

Đối với người Hà Lăng nơi đây, muốn nhuộm vải màu vàng thì dùng củ nghệ tươi, muốn nhuộm màu đỏ thì dùng quả cà ri, muốn nhuộm màu xanh thì dùng lá rừng, củ rừng, muốn nhuộm màu đen thì dùng vỏ cây bằng lăng trộn với bùn đất...

Các sản phẩm thổ cẩm của người Hà Lăng ở Rờ Kơi nổi tiếng bền đẹp và mang nét đặc trưng riêng của dân tộc. Sản phẩm thổ cẩm của người Hà Lăng nơi đây dày dặn, nhưng mềm mại, thoáng mát và dễ sử dụng... “Bí quyết” để vải dày nhưng lại mềm mại là trước khi đưa vào dệt, người Hà Lăng thường nấu cháo thật nhuyễn, ngâm chỉ trong một thời gian nhất định rồi đem phơi khô.

Ở thôn Rờ Kơi, hầu như trên sàn nhà nào cũng có chiếc khung cửi. Bất cứ khi nào rảnh rỗi hay cần dùng tới món đồ nào đó, những người phụ nữ Hà Lăng nơi đây lại ngồi vào khung cửi.

“Người Hà Lăng mình quan niệm, nhà nào dưới sàn, củi không chất đầy, con gái không biết dệt vải, không biết nấu nướng thì khó bắt được chồng. Người phụ nữ nào chăm chỉ chặt củi để nhà có cái đốt, giữ cho lửa lúc nào cũng đỏ trên bếp, lại khéo léo trong dệt vải thì chồng và gia đình nhà chồng mới yêu quý, tôn trọng. Đứa con gái nào khi lớn rồi mà không biết dệt thì thường bị xem là kém cỏi, lười nhác” - ông A Thum - Trưởng thôn Rờ Kơi cho biết.

"Người Hà Lăng ở Rờ Kơi rất coi trọng việc giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình, dân tộc mình. Đến nay những phụ nữ Hà Lăng ở Rờ Kơi vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống sống mãi với thời gian" - ông A Thum tự hào khẳng định về việc giữ gìn nghề thổ cẩm ở địa phương mình với chúng tôi.

Bảo Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét