23 thg 2, 2019

Tết đông của người Hà Nhì

Năm nào cũng vậy, khi những mảnh nương, những tràn ruộng bậc thang cuối cùng đã được thu hoạch xong; thóc đã phơi khô chất đầy bồ, những cành đào núi bên hiên nhà trình tường đất bắt đầu những nụ hoa hàm tiếu, lác đác vài bông đỗ quyên trên đỉnh Ky Quan San đã bắt đầu khoe sắc thì cũng là lúc người Hà Nhì ở miền biên cương Bát Xát (Lào Cai) nơi “phên giậu” của Tổ quốc náo nức chuẩn bị Tết truyền thống của đồng bào mình.

Nghi lễ độc đáo


Tết theo tiếng Hà Nhì gọi là Tết Ga tho tho – còn gọi là Tết đông của người Hà Nhì. Đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Bát Xát thường tổ chức đón Tết Ga tho tho vào tháng 11 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những Tết to và quan trọng nhất của họ nhằm mục đích tổng kết hoạt động lao động sản xuất, mừng cho vụ mùa. Đồng thời đây cũng là dịp để các thành viên trong cộng đồng gặp gỡ, trao đổi tổ chức các hoạt động dân ca, dân vũ để mừng cho mùa màng tươi tốt.

Hát dân ca mừng đón Tết. 

Thời gian ngày Tết diễn ra liên tục trong ba ngày, bắt đầu từ ngày Tỵ và kết thúc vào ngày Mùi. Nhà nào nhà nấy mổ lợn để làm lễ vật dâng cúng tổ tiên và ăn Tết. Đặc biệt, ngày Tết không thể thiếu bánh dày, ở mỗi làng người Hà Nhì có chung một chiếc cối giã bánh của cộng đồng. Theo quy định của làng, mỗi năm lựa chọn một người cao tuổi có phẩm hạnh, gia đình yên ấm hạnh phúc được mở hội giã bánh dày, sau đó lần lượt đến các hộ gia đình khác, họ giã làm bánh dày hai màu trắng và tím để dâng cúng tổ tiên. Bánh dày tượng trưng cho sự no đủ.

Hát múa đón trăng Ba sa ma. 

Ngày lễ đầu tiên, ông chủ dâng lễ vật mời tổ tiên vào buổi sáng, trưa, chiều tại bàn thờ. Trên bàn thờ có để chiếc đèn dầu với ý nghĩa soi sáng trong mâm, tượng trưng cho sức mạnh. Lễ vật dâng cúng gồm có 5 bát, một đôi đũa, một bát nước gừng, một bát rượu, một bát thịt, 3 chiếc bánh dày để trên miệng bát cơm và đặc biệt phải có ống rượu ủ. Giữa các dòng họ, số bánh dày dâng cúng có khác nhau, dòng họ Tráng bày 3 chiếc, họ Phu bày 4 chiếc. Điểm độc đáo khi thực hành nghi lễ cúng tổ tiên, người Hà Nhì không khấn thành lời mà thực hành bằng các động tác cúi đầu, quỳ lạy tỏ lòng thành kính tổ tiên. Tất cả các thành viên trong gia đình, dòng họ đều thực hiện động tác đó. Kết thúc nghi lễ, ông chủ nhà thực hiện nghi lễ chia lộc cho các thành viên trong gia đình, dòng họ để cầu cho sức khoẻ dồi dào, may mắn…

Niềm tin về cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đoàn kết
Trong ngày Tết Ga tho tho, các con cháu thể hiện văn hóa ứng xử nhân văn với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “kính trên nhường dưới”, họ chuẩn bị lễ vật biếu tặng cho ông bà, người cao tuổi với ý nghĩa chúc phúc cho người già, tài lộc cho gia đình. Sau đó, các thành viên cùng ngồi mâm ăn uống, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất.

Trò múa sư tử của người Hà Nhì. 

Đến ngày Ngọ, các gia đình có con gái “Già Mí Già” hoặc cháu gái được cha mẹ xiên lỗ tai để làm đẹp, lớn lên mong muốn con gái, cháu gái của mình có cuộc sống giàu có, ấm no và hạnh phúc. 

Chơi nhảy cây của thanh thiếu niên Hà Nhì. 

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong ngày Tết Ga tho tho diễn ra trong không khí vui vẻ, thu hút được đông đảo lớp thanh niên, trung niên tham gia với nội dung các bài hát “A đù lu”; hát đối đáp giao duyên và các trò diễn dân gian được dịp thể hiện như trò múa sư tử, nhảy cây, đi cà kheo, múa đón trăng “ba sa ma’, thổi sáo, kéo nhị… Ngày Tết, người Hà Nhì vui mừng cho mùa vụ bội thi, đồng thời gửi gắm vào đó những niềm tin về cuộc sống ấm no và hạnh phúc và đoàn kết.

Ngọc Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét