23 thg 2, 2019

Tinh hoa nghề rèn của đồng bào Mông

Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông - Điện Biên có từ lâu đời, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người thợ đã cho ra lò những sản phẩm tinh xảo mang đậm bản sắc riêng của đồng bào nơi đây.

Kỹ thuật điêu luyện


Nghề rèn thủ công truyền thống của dân tộc Mông đã có từ bao đời nay, việc rèn các nông cụ nhằm phục vụ tập quán canh tác trong lao động sản xuất của đồng bào. Các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn bằng thủ công, từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm… tất cả vẫn làm bằng tay không có sự can thiệp của máy móc.

Đồng bào Mông giới thiệu nghề rèn tại không gian Chợ phiên vùng cao đón chào năm mới 2019 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam . Ảnh: Thanh Hà 


Cũng như nhiều dân tộc khác, thợ rèn người Mông dùng than củi để đốt lò, dùng bễ thụt để thổi lửa, công cụ sản xuất chủ yếu ngoài cái bễ thụt còn có đe, các cỡ búa, kìm và một chậu nước và một thân cây chối để tôi sắt.

Để rèn được một con dao nhanh và đẹp từ hình dáng cũng như sử dụng tốt, thông thường có hai cách rèn chính. Có người rèn dao sẽ được hình thành từ phần chuôi trước, rồi mới đến phần lưỡi. Nhưng có người thì ngược lại, khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý người ta mới trau chuốt đến phần chuôi, đây là cách rèn hay được áp dụng nhiều nhất.

Người Mông quan niệm hình dáng của dao không quan trọng mà quan trọng là ở chất lượng. Hình dáng có thể sửa được nhưng độ sắc ngọt của dao thì chỉ rèn một lần. Để có thể học được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, có cảm nhận thật tinh tế của đôi tai và đôi mắt. Quan trọng phải dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận, đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt. Khi con dao được rèn xong phải có độ rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm, đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện của người thợ rèn.

Trong khi rèn than đốt lò của người Mông cũng rất đặc biệt. Người Mông không dùng than đá mà dùng than củi cây dẻ chua. Khi rèn nhiệt độ lò rèn cũng rất quan trọng, nhiệt nóng đều sẽ cho ra sản phẩm tốt.

Đồng bào Mông dùng than củi để đốt lò, dùng bễ thụt để thổi lửa. Ảnh: Thanh Hà 

Để rèn được một con dao sắc, người Mông có những nguyên tắc cơ bản, rất quan trọng đó là bí quyết chọn vật liệu. Vật liệu được chọn lọc từ những nhíp ô tô đã qua sử dụng chứ không lấy các loại sắt vụn thông thường. Nếu dùng không đúng chất liệu, dao kém chất lượng, không sắc bén, độ bền dẻo không cao, dù có rèn thành sản phẩm thì sử dụng nó cũng không hiệu quả vào các công việc lao động sản xuất.

“Bí quyết” làm nghề truyền thống

Sau khi đã chọn được vật liệu chuẩn người thợ sẽ đem đi cắt sắt thép trước khi đưa vào lò nung để rèn công cụ, một thanh nhíp ô tô thường có khối lớn, không rèn dao ngay được mà phải qua quá trình xử lý. Tùy vào từng loại dao mà cắt kích cỡ cho phù hợp. Để cắt được người thợ sẽ lấy một con dao (thường là dao phát) to, lưỡi dầy đã qua sử dụng, hoặc rèn riêng để cắt sắt, khi đã có được dụng cụ cắt, người ta sẽ nung thanh sắt định cắt đó cho thật đỏ rồi lấy ra cắt, vừa cắt người thợ vừa nhúng lưỡi dao cắt đó vào chậu nước cho đủ độ cứng thì mới cắt được thanh sắt đó thành một miếng nhỏ theo hình dáng ban đầu con dao định rèn.

Sau khi cắt, thép được nung đỏ rất kỹ trước khi quai búa để rèn. Nung càng đỏ thì chất sắt càng mềm dễ đánh mà không tốn nhiều công sức, cũng không được nung quá lâu vì như vậy chất sắt sẽ nung chảy. Đây là công đoạn đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, khả năng quan sát và kinh nghiệm rèn. Theo cách rèn thông thường khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý người ta mới trau chuốt đến phần chuôi.

Để làm ra các sản phẩm nông cụ đồng bào Mông phải trải qua nhiều công đoạn rèn, đúc truyền thống . Ảnh: Thu Lê 

Người Mông có một “bí quyết” riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu sắt để đưa vào tôi. Người Mông có nhiều cách tôi sắt khác nhau, có loại sắt thì tôi bằng nước có bỏ một lượng muối vừa phải; có loại thì tôi bằng thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt. Người Mông cho rằng, phải biết cách xem loại sắt để chọn cách tôi, như thế thì dao mới sắc và bền.

Tôi dao xong người thợ chuyển sang công đoạn mài dao. Đây là công đoạn khá quan trọng, để mài được một lưỡi dao sắc đòi hỏi phải biết cách mài. Trước tiên, người thợ không mài vào lưỡi ngay mà phải mài từ ngoài bằng đá thô vào trong lưỡi, khi lưỡi mỏng người thợ mới mài phần lưỡi bằng đá mịn. Trong lúc mài phải chú ý đổ nước liên tục tránh mài đá khô hay ít nước, vì mài như vậy lưỡi dao sẽ nóng lên sẽ ảnh hưởng đến độ sắc của lưỡi.

Để thuận tiện cho việc mang đi trong lúc lên nương xuống ruộng, người Mông thường làm vỏ dao bao bọc bên ngoài, vừa để tiện vận chuyển, vừa để bảo vệ lưỡi dao tránh va đập vào các vật cứng khác và tránh lưỡi dao gây sát thương tới người.

Khi sử dụng dao muốn lưỡi dao sắc bén lâu dài, không bị vỡ, gỉ… cần có cách sử dụng hợp lý và bảo quản tốt. Không được hơ dao trên lò lửa, hoặc phơi nắng gắt, để tránh cho dao bị mềm. Sau khi dùng, dao rất dễ bị gỉ. Để khắc phục nhược điểm này, bạn có thể bôi lên một ít dầu ăn, ngâm vào trong nước vo gạo, hoặc lấy gừng xoa vào.

Lưỡi dao trong quá trình sử dụng thường gặp những tổn thương như bị mẻ, bị mòn gỉ, biến dạng... nên phải dùng đúng loại dao cho nhu cầu. Những con dao nhỏ, sắc có thể làm công việc tinh tế, trong khi những công việc nặng nhọc nên sử dụng dao lớn, sống dầy.

Với sản phẩm làm ra, nghề rèn của đồng bào Mông không chỉ góp phần thiết thực vào đời sống lao động sản xuất, mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình.

Nguyễn Thế Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét