23 thg 2, 2019

Lên Mèo Vạc xem người Mông “kéo vợ” ngày Xuân

Mèo Vạc (Hà Giang) - vùng đất cực Bắc đa sắc màu văn hóa bước vào ngày đầu Xuân đẹp như một bức tranh thêu. Cả dải biên cương thay “áo mới” bằng những cánh hoa đào, hoa mận bung nở khắp núi rừng. Mùa Xuân cũng là mùa đôi lứa yêu nhau, mùa của những chàng trai Mông đi “kéo vợ” để xây dựng tổ ấm cho riêng mình. 

Nét đẹp - bản sắc văn hóa truyền thống 


“Kéo vợ” - phong tục truyền thống của người Mông ở Mèo Vạc gắn liền với tục “vỗ mông” của đồng bào nơi đây. Phong tục này hình thành từ lâu đời trong đời sống sinh hoạt của người Mông. Tục “kéo vợ” chứa đựng một nét văn hóa rất riêng của người Mông, vừa chất phác, vừa táo bạo nhưng cũng không kém phần ý nhị. 

Vào dịp lễ tết, các chàng trai, cô gái Mông thường cùng nhau múa khèn vui hội. 

Các già làng, trưởng bản kể lại, người Mông thường tổ chức các lễ hội vào dịp đầu Xuân. Bởi đây là thời gian người dân nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình và cúng bái thần linh, cầu mong cho mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp các chàng trai, cô gái Mông diện cho mình bộ trang phục đẹp nhất đi lễ hội. Chàng trai Mông khỏe khoắn, dẻo dai bên chiếc khèn; cô gái Mông xúng xính với chiếc váy rực rỡ sắc màu, khéo léo hòa cùng điệu múa khèn của chàng trai. Vào ngày lễ hội, từ khắp các bản làng, các chàng trai, cô gái Mông không hẹn trước mà nô nức kéo đến các khu đất trống, khoảng sân rộng hay trên các đoạn đường giao thông chạy qua thôn, bản để cùng vui chơi, gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Họ thường đi thành tốp nữ, tốp nam; cùng với những lời thăm hỏi, họ đưa mắt chọn lựa đối tượng cho riêng mình. Khi những ánh mắt đã tìm gặp được nhau, cô gái sẽ e thẹn tách khỏi đám đông chờ đợi chàng trai của mình, khi đó chàng trai lập tức đến bên cô gái và dùng tay vỗ vào mông cô gái, nếu cô gái ưng thuận thì vỗ nhẹ lại vào mông chàng trai. 

Vào ngày đầu Xuân, các chàng trai, cô gái Mông thường tập trung thành từng đám đông đi chơi Xuân. 

Cứ như thế, đôi trai gái vừa đi chơi hội vừa vỗ mông qua lại, trao nhau những lời yêu thương cho đến khi vỗ đủ “9 cặp” thì hai bên chấp thuận nhau. Nếu cả hai thực lòng ưng thuận, thì dù ngày hôm trước chưa vỗ đủ “9 cặp” họ hẹn nhau chờ đến ngày hôm sau tìm gặp nhau để tâm sự và vỗ tiếp cho đủ. Nếu vỗ không đủ “9 cặp” hoặc hôm trước vỗ dở nhưng hôm sau không có cơ duyên gặp lại nhau nữa thì nghĩa là họ không thể thành đôi, mỗi người lại tiếp tục đi tìm người khác hợp duyên với mình. Còn khi hai người quyết định sẽ đến bên nhau trọn đời, trọn kiếp thì cô gái sẽ hẹn chàng trai đến một nơi nhất định để chờ chàng trai kéo tay về nhà ra mắt bố mẹ. Trong 3 ngày ở lại nhà chàng trai, cô gái sẽ được ở một phòng riêng trong nhà, được tiếp đón như một người khách và không được quan hệ vợ chồng trước hôn nhân. Qua 3 ngày ở nhà chàng trai, nếu cô gái không thay đổi ý định thì nhà trai sẽ mang sính lễ đến nhà cô gái chọn ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới cho hai người.

Khát vọng có một gia đình hạnh phúc

Đến với vùng cao nguyên đá những ngày đầu Xuân, không khó để bắt gặp các chàng trai, cô gái Mông cùng đánh Yến, ném Pao, thổi khèn, đứng trò chuyện với nhau. Khi phương tiện đi lại, đường giao thông thuận tiện và công nghệ thông tin phát triển thì dường như tục “kéo vợ” cũng trở nên tế nhị hơn; may mắn mới có thể gặp tại những thôn, bản xa xôi. Trước xu thế phát triển, tục “kéo vợ” đang bị các đối tượng xấu lợi dụng; không ít thanh niên người Mông lôi kéo một cô gái cho dù cô gái không đồng ý hoặc không ít thiếu nữ bị lạm dụng, bị sàm sỡ ngay chỗ đông người. Điều lo ngại nhất đối với các thiếu nữ miền sơn cước chính là nét đẹp của tục “kéo vợ” đang dần trở thành hủ tục “bắt vợ”, gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống, như: Tình trạng hôn nhân cận huyết; ép buộc quan hệ trong tuổi vị thành niên; trẻ em bỏ học vì phải lập gia đình; dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi mua, bán người… 

Chàng trai Mông “kéo vợ” trong ngày lễ hội đầu năm. 

Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Trên địa bàn huyện, đồng bào dân tộc Mông chiếm gần 90% dân số. Hiện nay, hình ảnh “kéo vợ” có tính ép buộc, phản cảm vẫn xảy ra nhưng khó xử lý, bởi đây là phong tục, tập quán riêng của mỗi dân tộc. Nhằm lưu giữ nét đẹp truyền thống “kéo vợ” của dân tộc Mông, tránh bị biến tướng trở thành những hình ảnh xấu, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức; phân biệt rõ giữa nét đẹp truyền thống với hủ tục. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh triển khai, thực hiện các Đề án gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc Mông; khôi phục lại những nét đẹp văn hóa, lễ hội truyền thống đã bị mai một; vận động các nghệ nhân dân gian, người có uy tín truyên truyền tới người dân xây dựng nếp sống văn minh…

Đối với người Mông, “kéo vợ” là một nét đẹp, một bản sắc văn hóa truyền thống được lưu giữ qua nhiều đời đến ngày nay. “Kéo vợ” thể hiện tình yêu mãnh liệt, khát vọng có một gia đình hạnh phúc của chàng trai, cô gái Mông mà không có sự ép buộc. “Nét đẹp truyền thống, nếu chúng ta biết giữ gìn thì sẽ đẹp mãi đến muôn đời, hình ảnh đó sẽ truyền đi xa hơn, nhiều người biết đến hơn. Nhận thức rõ điều đó, huyện đang nỗ lực bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến với địa phương” – Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Cao Cường cho biết thêm.

Kim Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét