28 thg 2, 2019

Chuyện về đình Thi Phổ

Đình Thi Phổ ở thôn 4, xã Đức Tân (Mộ Đức) là một trong những ngôi đình nổi tiếng ở Quảng Ngãi thời xa xưa. Không chỉ gắn với lịch sử khai phá, lập làng tại vùng đất mới của người Việt, đình Thi Phổ còn là điểm đến tâm linh của người dân từ bao đời nay.

Theo lời kể của người dân ở địa phương, đình Thi Phổ rất linh thiêng, bởi vậy nhiều người vẫn thường đến đây để nguyện cầu những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thường thì đình làng tọa lạc ở những nơi vắng vẻ, yên tịnh, nhưng đình Thi Phổ lại được bao bọc bởi nhà dân. Dẫu vậy, sự linh thiêng vẫn bao trùm khắp cả ngôi đình.

Đình Thi Phổ. 

Anh Võ Minh Tuấn, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết: Dựa vào những tư liệu sắc phong còn lưu giữ tại đình Thi Phổ và thông qua hệ thống kiến trúc của ngôi đình thì đình Thi Phổ được xây dựng vào thời nhà Nguyễn, đầu thế kỷ XIX, nơi đây gắn liền với lịch sử khai phá, lập làng của một số họ tộc tiền hiền như họ Trần, Phạm, Nguyễn, Lê, Võ.

Qua nghiên cứu tài liệu gia phả, thị tỉ, sắc phong của tộc Trần ở Đức Thạnh vào thời vua Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng thứ 20 năm 1597 đã phong sắc cho Trần Cẩm của tộc họ Trần là Phụ Quốc Thượng Tướng Quân được toàn quyền coi quản công việc theo các sắc chỉ như việc chuyển vận quan thuế, lấy các hạng dân binh thuộc bản xứ trấn giữ dinh quận công.
Hiện nay, nhiều hạng mục ở đình Thi Phổ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương trùng tu, sửa chữa di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thi Phổ, với tổng kinh phí không quá 990 triệu đồng từ nguồn ngân sách của huyện Mộ Đức, xã Đức Tân và các nguồn huy động khác.

Năm 1598, Trần Cẩm đã đưa những lưu dân xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh đến khai hoang một vùng đất huyện Mộ Hoa, phủ Tư Nghĩa kéo dài từ bờ nam sông Vệ, xã Đức Chánh đến Thạch Trụ, xã Đức Lân hiện nay. Vì vùng đất này còn rất hoang sơ bởi sơn lam chướng khí, ông đã cùng những lưu dân đến đây để khai hoang lập nên làng Địa Thi, bây giờ gọi là làng Thi Phổ.

Trong quá trình khai hoang lập làng, các dòng họ tiền hiền và một số dòng họ khác đến làng Địa Thi sau này đã đóng góp xây dựng đình làng Thi Phổ để thờ những vị tiền hiền đã có công mở đất, khai phá lập làng và thờ những vị thần linh được quan niệm là đã có công giúp nước, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân trên vùng đất mới.

Anh Võ Minh Tuấn cho biết thêm, về sau các vua chúa triều Nguyễn đã truy phong rất nhiều sắc phong cho các vị tiền hiền đã có công giúp nước, bảo vệ nhân dân, giúp dân an cư lạc nghiệp, như sắc phong cho Trần Cẩm vào năm Khải Định thứ 10 (1925) là tiền hiền đã có công khai hoang lập làng Địa Thi, công đức sáng rõ với tước phong là Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, chánh khám lý, quảng nham hầu, dực bảo trung hưng linh phò tôn thần và sắc phong cho ông Phạm Công Hiều với tước phong là Dực bảo trung hưng nhị tướng chi thần. Các sắc phong này trước kia được thờ tại đình Thi Phổ, nhưng đến nay đã được con cháu tộc Trần và tộc Phạm rước về nhà thờ tiền hiền thờ tự.

Đình Thi Phổ có kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh, gồm có nhà tiền tế và hậu cung. Nội thất bên trong đình được chạm khắc rất tinh xảo, ghi dấu kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người xưa. Hằng năm, vào ngày 20 tháng 3 âm lịch, nay đổi lại vào ngày 14 tháng 8 âm lịch, người dân trong làng tập trung về đình Thi Phổ tổ chức lễ cầu an, bày tỏ lòng tri ân đối với các vị tiền hiền và cầu mong thần linh phù hộ cho cuộc sống được ấm no, an bình.

“Đình Thi Phổ là công trình tín ngưỡng mang tính cố kết cộng đồng, gắn liền với lịch sử khai phá lập làng của các bậc tiền hiền, hậu hiền ở vùng đất huyện Mộ Đức. Di tích còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, sắc phong của triều Nguyễn và nhiều hoành phi, liễn đối chữ Hán có giá trị. Chính vì vậy, đình Thi Phổ cần được bảo tồn và phát huy những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật để phục vụ nhân dân địa phương cũng như khách tham quan du lịch”, anh Võ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét