23 thg 2, 2019

Bộ sưu tập chuông độc nhất vô nhị

Hơn 10 năm sưu tầm chuông, ông Bùi Đức Tầm (Tp Hồ Chí Minh) đã sở hữu bộ chuông với hơn 200 loại có xuất xứ từ nhiều quốc gia trên thế giới. Với ông niềm đam mê này không chỉ là để được lắng nghe tiếng chuông mà còn lưu giữ những giá trị thời gian của chúng.

Một lần tình cờ vào tiệm đồ cổ trong dịp đi công tác, ông Tầm được chủ cửa hàng giới thiệu về chiếc chuông có tuổi đời lâu năm và ông đã không bỏ lỡ cơ hội để sở hữu nó. Sau đó, sở thích chơi chuông dần hình thành, mỗi khi đi đâu thấy chuông cũ ông lại mua mang về và những người bạn biết được sở thích này của ông cũng đã đến tặng. Cứ thế, trong khoảng hơn 10 năm đam mê với thú vui chơi chuông, ông đã có rất nhiều loại chuông của Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Tạng…

Ông Tầm chia sẻ: “Có lần tôi ghé chùa và ngồi nói chuyện với sư thầy, tôi mới hiểu được chơi chuông là chơi tiếng, với những người tu thành đắc đạo như sư thầy khi nghe tiếng chuông sẽ biết được công lực của người đánh chuông. Còn người có sở thích chơi thông thường như tôi thường thích mua những chiếc chuông cũ vì tôi nghĩ giá trị của chúng chính là ở thời gian”.

Với đam mê chơi chuông, đến nay ông Bùi Đức Tầm đã sở hữu bộ chuông với 200 loại của nhiều quốc gia trên thế giới.


Từ những chiếc chuông rất nặng...

...cho đến những chiếc chuông rất nhỏ.

Một chiếc chuông hơi thời pháp được ông Tầm sưu tập.

Đối với ông Tầm, sưu tập chuông vừa là thú vui, vừa là văn hóa mà ông luôn đam mê tìm hiểu.

Trong khoảng hơn 10 năm đam mê với thú vui chơi chuông, ông đã có rất nhiều loại chuông
của Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Tạng… 

Có lẽ tuổi thơ của ông Tầm gắn liền với những tiếng chuông của xe đò chạy quanh sông vào lúc rạng sáng để đón những đứa trẻ lên thành phố học theo đường sông, hay tiếng chuông xe đạp của những người chạy trên đường bán kem nên đến giờ ông cũng sẵn sàng bỏ giá số tiền cao để mua chuông cũ của những người bán hàng rong trên đường phố hiện nay. Chi phí bỏ ra không ít, song ông Tầm rất hài lòng với những chiếc chuông được ông mang về treo trong nhà và cho rằng không thể quy ra tiền cụ thể được.

Có lẽ không ít người sẽ ngạc nhiên khi bước chân vào cửa căn phòng nhỏ ở tầng 1, là vô số những chiếc chuông với đủ kích cỡ, hình dáng khác nhau được ông dành treo trên tường hoặc cất cẩn thận trong tủ kính. Những chiếc chuông ông Tầm mang về đều được ghi rõ địa điểm, thời gian mua. Những chiếc chuông ông đang sở hữu có tuổi đời trên nửa thế kỷ cho đến cả nghìn năm. Ví dụ như chuông được ông mua ở Nha Trang có nguồn gốc từ nền văn hóa Champa, hay chiếc chuông nhỏ như lòng bàn tay được ông mua ở Huế. Đặc biệt ông rất thích chiếc chuông của một người lính Mỹ tham chiến tại chiến trường miền Nam năm 1972 mà ông tìm thấy trong một lần qua chợ đồ cổ Sài Gòn.

Điều đáng nói, trong số hơn 200 chiếc chuông ông Tầm đang sở hữu thì số lượng chuông của khu vực Châu Âu chiếm nhiều hơn cả. Bởi mỗi lần có dịp qua Châu Âu du lịch, ông vẫn thường hay đi lang thang trong các cửa hàng đồ cổ và lưu niệm bên đó tìm mua được những chiếc chuông dùng để gọi bồi bàn tính tiền trong cửa hàng ăn, chuông cửa hay chuông đeo cho những con bò, con cừu trên cánh đồng....

Đã có hơn 10 năm sở hữu những chiếc chuông có tuổi đời lâu năm và có xuất xứ từ các quốc gia khác nhau, với kinh nghiệm của mình, ông Tầm cho biết tùy từng loại chuông mà tiếng chuông sẽ phát ra khác nhau, phụ thuộc vào cái mõ để đánh khác nhau. Không phải đánh càng mạnh thì âm thanh chuông nghe càng hay, mà khi đánh chuông người chơi phải có tâm tĩnh để lắng nghe được âm thanh tiếng chuông vọng ra, bởi chuông và âm thanh của nó là nét văn hóa đặc sắc của mỗi nền văn hóa, quốc gia khác nhau.

Một số hình ảnh bộ chuông với 200 loại của nhiều quốc gia trên thế giới do ông Bùi Đức Tầm sưu tầm:

















Bài: Ngân Hà - Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét