28 thg 2, 2019

Những "làng Nam Bộ" giữa lòng xứ Quảng

Cây dừa nước thường gắn liền với mảnh đất Nam Bộ lắm sông, nhiều rạch. Ấy thế mà ngay giữa vùng đất Quảng đầy nắng gió, vẫn có nhiều ngôi làng được bao bọc, chở che bởi những rừng dừa nước mọc tiếp nối nhau như thành lũy trên sông.
Dựng nhà dọc theo sông, ngày ngày chèo đò, nương theo những rừng dừa nước xanh bạt ngàn để hái lá dừa, đánh bắt cá tôm... mưu sinh. Cuộc sống gắn bó với sông nước của người dân ở những ngôi làng Khê Thủy B (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) và An Minh (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) cứ yên bình trôi qua như thế, ngót nghét cả trăm năm nay.

“Quẳng gánh lo” nhờ những... tán dừa
Tựa lưng vào núi Sơn, mặt hướng ra sông Dâu, làng An Minh, thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh nằm e ấp bên những rặng dừa nước xanh um tùm, kéo dài hơn 3 cây số từ Bình An Nội xuống đến sông Trà Bồng – đoạn chảy qua xã Bình Dương (Bình Sơn). Xưa nay, người ta vẫn thường gọi làng An Minh bằng cái tên dân dã – làng Dừa.

Người “làng Dừa” khi nói về quê hương, vẫn thường tự hào về dòng sông mang phù sa qua từng mùa mưa lũ, về rừng dừa nước tầng tầng lớp lớp chở che, bao bọc lấy làng. Cũng nhờ vào cây dừa nước mà người làng An Minh có kế sinh nhai, bớt đi phần nào gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Nương theo dừa nước, người dân những làng "Nam Bộ" xứ Quảng đặt rớ trên sông để đánh bắt cá tôm. Ảnh: Ý THU 

“Sinh ra, lớn lên và lấy chồng cùng làng, nên suốt 60 năm qua, tôi đã lớn lên và già đi cùng với khúc sông này, rừng dừa này. Cũng nhờ nó mà mấy mươi năm qua tôi có nguồn thu nhập ổn định từ việc hái lá dừa, đan phên dừa”, bà Nguyễn Thị Lập, người làng An Minh tay thoăn thoắt đan lá dừa, chia sẻ.

Là công việc không đòi hỏi nhiều sức lực, chỉ cần đan, kết từ 5-7 lá dừa là được một tấm phên có giá từ 15 – 20 nghìn đồng, nên nghề đan phên trở thành công việc “hái ra tiền” vào những lúc nhàn rỗi của người làng An Minh. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch lá dừa nước (tầm tháng 2 và tháng 7 âm lịch hằng năm), con đường đi vào làng An Minh lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh người, xe tấp nập tìm về thu mua lá dừa, phên dừa.

Cuộc sống của người dân làng An Minh (Bình Chánh, Bình Sơn) gắn bó với những tán dừa nước ngót nghét trăm năm nay. Ảnh: Ý THU 

Cũng nhờ vào rừng dừa nước, người làng Khê Thủy B (thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) chẳng những phát triển được nghề đan phên dừa nước mà còn nâng tầm, đưa dừa nước của quê hương đi muôn nơi.

“Những năm gần đây, các nhà hàng, quán cà phê, khu du lịch bỗng ưa chuộng loại lá dừa dùng để lợp, nên người làm nghề ở làng tôi ngoài đan phên bán tại chỗ, còn tổ chức thành các nhóm thợ tỏa đi khắp nơi để nhận thi công nhà lợp lá dừa. Từ những nhà hàng nổi, quán cà phê ở Nghĩa An, Nghĩa Phú, đến các homestay ở Lý Sơn, rồi khu du lịch suối nước nóng Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa)... đều tìm về Khê Thủy B để đặt hàng”, nghệ nhân gắn bó với nghề đan dừa nước hơn 30 năm ở làng Khê Thủy B Nguyễn Văn Bé tâm sự.

Giữ rừng bằng hương ước, gia ước
Rừng chở che, bao bọc lấy xóm làng và ban tặng cho người làng sinh kế để mưu sinh. Vì thế, người làng cũng trân quý, thủy chung gìn giữ lấy rừng dừa bằng hương ước, gia ước riêng.

Chỉ tay về những rừng dừa nước trước nhà, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (80 tuổi) ở làng dừa An Minh chia sẻ “gia ước” mà gia đình mình dùng để gìn giữ dừa nước: “Người An Minh chúng tôi chẳng có gì quý báu truyền lại cho con cháu ngoài những rặng dừa nước trên sông. Người nào nhận trách nhiệm thờ cúng tổ tiên sẽ được giao lại rừng dừa nước để quản lý. Tuy nhiên chỉ được bán lá, không được bán rừng, phá rừng”.

Người dân làng Khê Thủy B (Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) có công ăn việc làm ổn định nhờ vào nghề đan phên dừa nước. Ảnh: Ý THU 

Nhờ tuân thủ theo “gia ước”, rừng dừa nước của gia đình nhà bà Tuyến cứ thế sinh sôi. Từ vài rặng dừa do ông cha trồng nên, trải qua hàng trăm năm, giờ gia đình bà đã sở hữu gần 8 mẫu dừa nước dọc sông Dâu. Dưới những tán dừa, cá tôm cứ thế tìm về sinh sống, con cái của bà, nhờ thế mà có thêm thu nhập đáng kể từ nghề thả lưới trên sông.

Không chỉ bảo vệ phần dừa nước của gia đình mình, người dân ở những "làng dừa nước" còn chung tay giữ lấy những rặng dừa chung của cả làng và xem đấy như “của để dành” cho xóm làng mai sau.

Dẫn chúng tôi đi thăm 3 sào dừa nước – phần diện tích thuộc sở hữu chung của cả xóm, ông Nguyễn Duy Niên – Trưởng xóm Gò, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê cười tươi rói: “Ngoài diện tích riêng lẻ của từng nhà, cả xóm có được phần dừa nước chung này đây. Tiền thu được từ 3 sào dừa này sẽ được đóng góp vào công quỹ, phục vụ cho các hoạt động chung của xóm mỗi năm. Tuy không nhiều nhặn gì, nhưng mảnh rừng này là minh chứng cho sự gắn kết của xóm làng với nhau”.


Người “làng Dừa” - An Minh không tính diện tích dừa nước theo sào, theo hécta; mà phân chia sở hữu bằng đơn vị tính đậm chất Nam Bộ là “bức”. Cả rừng dừa nước với tổng diện tích hơn 10ha dọc sông Dâu ở An Minh được người làng chia thành 12 bức: Bức đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ...

Còn làng Khê Thủy B thì có tên dân dã khác là “làng Rớ”. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, cũng bởi làng có rừng dừa nước mọc tầng tầng lớp lớp trên sông Kinh, thu hút cá tôm về nhiều vô kể nên người làng làm rớ, đặt chi chít trên sông bắt cá, tôm. Cái tên dân dã – làng Rớ là từ đó mà ra.

Ý THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét