25 thg 2, 2019

Hát múa ăn mừng dưới cây bông

Lễ hội Hát múa ăn mừng dưới cây bông (Kin Chiêng Bọoc Mạy) với những lời ca, điệu múa của người Thái vang trên quê hương thứ hai, ai nấy đều không khỏi bồi hồi và tự hào. Tất cả đều cùng một quyết tâm kết nối cộng đồng, đoàn kết, chăm chỉ làm ăn để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên vùng đất mới Ia H’Drai.
Khúc ca trên vùng đất mới


“Hỡi trai gái mường trên… hú… hú… hú
Hỡi trai gái mường dưới… hú… hú… hú
Ta cùng về đây trồng cây cho hoa nở thắm
Ta cùng về đây chơi hoa, cho mường trên mường dưới đẹp như bông như hoa… hú…hú…hú…”


Lời của bà một (chủ lễ), đứng ra khấn xin thần linh trong lễ hội – do chị Hà Thị Xuyên (34 tuổi), Thôn trưởng thôn 4, xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai cất lên vang vang, sao thiết tha như gọi mời mọi người - “trai gái mường trên”, “trai gái mường dưới” - đến chung vui Lễ hội Hát múa ăn mừng dưới cây bông với bà con.

Nghe tiếng gọi mời, những ai có mặt tại Bảo tàng tỉnh trong dịp Tuần Văn hóa –Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ IV đều không giấu được sự tò mò...

Xung quanh cây bông lấp lánh sắc màu, bà con người dân tộc Thái tề tựu đông đủ. Ai cũng mặc đẹp. Ai cũng trang điểm xinh. Sau phần nghi lễ do bà một trực tiếp khấn xin thần linh mang đến may mắn, sự bình yên trong cuộc sống, có sức khỏe, sống lâu, ấm no, hạnh phúc và trả ơn cho các đấng thần linh đã phù hộ cho cộng đồng dân làng làm ăn xây dựng cuộc sống trong suốt cả năm…, các nghệ nhân, bà con tay nắm chặt tay hát múa những bài dân ca của người Thái, chơi trò chơi ném còn, trò chơi tó má lẹ, múa điệu múa xòe, múa sạp nhịp nhàng, uyển chuyển…


Lễ hội Hát múa ăn mừng dưới cây bông của người Thái sống trên vùng đất mới Ia H’Drai được tổ chức vào rằm tháng Giêng hằng năm 

Gạt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt khi vừa hoàn thành xong vai trò bà một, chị Hà Thị Xuyên không giấu được sự phấn khởi: Tôi chưa lần nào đảm nhận nghi lễ này cả, nên khi được bà con tín nhiệm giao, cũng lo lắm. Tôi phải tìm hiểu từ những người lớn tuổi ngay trong thôn, gọi điện về quê hỏi thêm những người từng đứng ra làm bà một, rồi chịu khó tập luyện cùng các thành viên nên khi biểu diễn đã đảm bảo được các nghi thức theo Lễ hội truyền thống.

Cùng với học hỏi các nghi lễ cần có, chuẩn bị đầy đủ các lễ vật theo đúng nghi lễ truyền thống: gạo, nếp, gà, vịt, vải thổ cẩm do bà con dệt…, chị Xuyên còn cùng bà con chuẩn bị cây bông – phần việc quan trọng của lễ hội.

“Lễ hội Hát múa ăn mừng dưới cây bông được tổ chức vào rằm tháng Giêng, theo đúng nghi thức kéo dài trong 3 ngày: ngày đầu khấn cầu, ngày thứ hai tiếp tục các phần nghi lễ, ngày thứ ba liên hoan, hát múa dưới cây bông. Trong đó, cây bông là trung tâm của lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người. Lễ hội và các trò chơi diễn ra đều xoay quanh cây bông nhằm mô phỏng toàn bộ những phong tục, tập quán, những phương thức lao động sản xuất phản ánh sự tham gia của các loại hình dân ca, dân vũ độc đáo, riêng biệt của người Thái, cuốn hút những người xung quanh tham gia hòa nhập” – chị Xuyên cho biết.

Vậy là, để làm được cây bông 5 tầng với hàng ngàn bông hoa, bà con phải mất gần 1 tháng đi rừng tìm các loại cây về chế tác. Mỗi người mỗi việc. Người lo đi kiếm một cây tre to, thẳng (có nơi làm bằng cây luồng). Người thì lo đi chặt cành cây dâu, cây mì, cây chục bục, phần để làm các cành cây, phần thì cắt gọt thành các bông hoa.

Ông Hà Văn Trường (50 tuổi) ở thôn 4, xã Ia Dal cho rằng, vì phần lớn người Thái sinh sống trên địa bàn huyện Ia H’Drai đều trẻ, lúc lễ hội ở quê chỉ tham gia các hoạt động múa, hát, vui chơi mà chưa trực tiếp làm các công đoạn của cây bông nên có những khó khăn nhất định. Nhưng, nhờ người lớn bảo ban người nhỏ, cái gì chưa biết thì hỏi thêm người cao tuổi ở quê nhà nên đã hoàn thành được cây bông 5 tầng chắc, đẹp, đặt ở vị trí trang trọng của lễ hội.

“Khi làm cây bông thì công đoạn làm bông hoa phải mất nhiều thời gian hơn. Bông hoa có hình dạng như bông hoa đồng tiền được bà con làm ngay từ khi mới chặt cây trong rừng đem về, sau đó đem đồ chín, phơi khô, nhuộm màu bằng nhựa các loại vỏ cây, xâu hoa bằng sợi các cây rừng. Trên mỗi bông hoa, chúng tôi treo thêm các hình chim, thú, các dụng cụ lao động sản xuất được đan bằng nứa. Mỗi một bông hoa là một người dân, các dụng cụ lao động sản xuất, con vật là đời sống xung quanh con người. Cây bông có ý nghĩa tượng trưng cuộc sống sinh sôi trù phú của thôn làng, sự bảo tồn nòi giống của tự nhiên” – ông Trường nói.

Nhân đôi niềm vui
Với những âm thanh của cồng, của trống rộn vang, với những lời hát mượt mà, với những điệu múa xòe, múa sạp uyển chuyển…, Lễ hội Hát múa ăn mừng dưới cây bông đã thu hút được những ai có mặt.

Phút chốc lạ hóa thành quen. Chẳng ai bảo ai, cũng tự tin bước vào chơi ném còn, cũng múa xòe, múa sạp…

Những lời ca, điệu múa của người Thái vang trên quê hương thứ hai ở vùng đất mới Ia H'Drai 

Ngắm nhìn khung cảnh ấm áp yêu thương ấy, chị Xuyên không khỏi bồi hồi: Nói thật, lần đầu tiên tại Kon Tum, một Lễ hội Hát múa ăn mừng dưới cây bông của người Thái với đầy đủ các nghi lễ được biểu diễn cho đông đảo người xem khiến chúng tôi ai cũng vui, ai cũng tự hào lắm. Vui nữa là sau gần 10 năm đến với vùng đất mới, bà con chúng tôi cơ bản đã có cuộc sống ổn định. Ở thôn 4 có 76 hộ, trong đó khoảng 60% là người Thái. Ngày từ Thanh Hóa vào, ai cũng lo lắng, không biết nơi ăn chốn ở của vùng đất mới thế nào. Vậy mà sau gần 10 năm, đến nay, ai nấy đều phấn khởi. Như gia đình tôi, năm 2010, từ xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa vào Ia H’Drai làm công nhân Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy. Ngoài thời gian làm công nhân, vợ chồng tôi tận dụng bờ lô hợp thủy trồng được ít điều, bơ. Điều năm nay đã thu bói; lương công nhân hàng tháng của hai vợ chồng ổn định, năm 2018 này gia đình được thoát nghèo, đời sống gia đình ấm no, con cái được học hành đàng hoàng.

Chị Vi Thị Quyết (33 tuổi) ở thôn 9, xã Ia Tơi cũng chung niềm vui tương tự. Chị vào Ia H’Drai từ năm 2010, làm công nhân Công ty cao su Duy Tân. Lương công nhân khá ổn định, chị còn tận dụng bờ lô hợp thủy trồng thêm các loại cây. Xã Ia Tơi được Đảng, Nhà nước đầu tư hệ thống điện – đường – trường – trạm đồng bộ. Cuộc sống ngày càng khởi sắc; nay, còn được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc trên vùng đất mới, với chị và bà con không hạnh phúc gì bằng.

“Đất lành chim đậu”, ngay từ những ngày đầu thành lập, huyện Ia H’Drai đã đón nhận một lượng lớn người dân tộc các tỉnh phía Bắc vào sinh cơ lập nghiệp, trong đó người dân tộc Thái chiếm 41,3%. Có người gắn bó với nơi đây cả chục năm, có người chỉ mới vài ba năm… Nhưng, khi lần đầu tiên, Lễ hội Hát múa ăn mừng dưới cây bông với những lời ca, điệu múa của người Thái vang trên quê hương thứ hai, ai nấy đều không khỏi bồi hồi và tự hào. Tất cả đều cùng một quyết tâm kết nối cộng đồng, đoàn kết, chăm chỉ làm ăn để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên vùng đất mới Ia H’Drai.

NGUYÊN PHÚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét