21 thg 2, 2019

Đến làng Plei Ốp xem người Jrai làm du lịch

Ở trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai nhiều năm nay, Plei Ốp vẫn giữ được vẻ đẹp đặc trưng của một làng Jrai bản địa.

Gần đây, người dân Plei Ốp đã phát huy lợi thế này để phát triển du lịch, giúp tăng thu nhập và giữ gìn, quảng bá văn hoá Jrai. 

Không gian đặc trưng văn hoá Jrai tại nhà hàng Plei Cồng Chiêng, làng Ốp. 

Những ngày xuân này, nụ cười luôn nở trên môi những người dân Plei Ốp. Bởi giờ đây, làng đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hoá, cộng đồng của thành phố Pleiku, với trên dưới chục đoàn khách thăm quan mỗi ngày. Đến đây, du khách được thăm nhà rông truyền thống, nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng của dân làng; Bến nước Ia O, nơi người dân Plei Ốp tắm giặt, trò chuyện với nhau về việc nương rẫy vào mỗi cuối chiều.

Cùng với đó, những bài chiêng trầm hùng, những điệu xoang uyển chuyển của trai gái trong làng thể hiện những nét độc đáo, riêng biệt của văn hoá Jrai. Plei Ốp được bao bọc bởi 2 dòng suối Ia Nin, Ia Nat tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, thanh bình níu chân du khách. 

Kiến trúc nhà sàn Jrai trong nhà hàng Ch'rao, làng Ốp. 

Chị Nguyễn Phương Trâm ở phường Hoa Lư, thành phố Pleiku đến thăm quan làng Ốp dịp cuối năm cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến làng Ốp, tôi thấy rất thích thú. Không gian sạch sẽ, thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên. Còn người dân thì rất thân thiện. Đặc biệt, những món ăn của người dân bản địa như cơm lam, gà nướng rất ngon. Tôi sẽ trở lại làng Ốp khi có lễ hội để cảm nhận nhiều hơn những nét văn hoá đặc sắc của người dân tại đây.”

Nghệ nhân cồng chiêng Rơ Châm Geh, ở làng Ốp cho biết, người dân trong làng vốn chỉ quen với công việc nương rẫy, nay cũng bắt đầu tham gia phát triển du lịch. Thanh niên trai tráng trong làng làm hướng dẫn viên đưa du khách tới các điểm thăm quan. Phụ nữ nấu nướng đồ ăn để phục vụ thực khách. Từ khi phát triển du lịch, cuộc sống của người dân trong làng cũng được cải thiện đáng kể.

“Vào mỗi tối thứ 7, tôi lại được các nhà hàng trong làng mời đến đánh cồng chiêng cho du khách nghe. Rất vui vì sau một ngày lao động mệt nhọc trên rẫy, về làng, tôi lại được đánh cồng chiêng. Ngày xưa cồng chiêng chỉ đánh khi có nghi lễ lớn, quan trọng của dân làng, nhưng giờ đây hàng tuần, hàng ngày chúng tôi đều được biểu diễn. Nhờ vào việc đánh chiêng, tôi còn tăng nguồn thu được 2 triệu đồng mỗi tháng, đời sống đỡ khó khăn hơn trước. 

Chúng tôi muốn du khách tới đây không chỉ thưởng thức thực phẩm sạch, các món ăn đặc trưng của người Jrai như cơm lam gà nướng, heo gác bếp, tép đùm lá chuối, ba chỉ một nắng, lòng gà xào cà đắng, lá mì xào mà còn được hưởng thụ những nét văn hoá truyền thống của người Jrai, chìm đắm trong không gian văn hoá cồng chiêng để cảm nhận được sự chân chất, mộc mạc của người Jrai, đồng thời thấy đời sống tinh thần phong phú, phóng khoáng của người dân Tây Nguyên, mà không bị lẫn với bất kỳ nơi nào trên đất nước Việt Nam”, nghệ nhân cồng chiêng Rơ Châm Geh nói. 

Cây nêu là biểu tượng thường thấy trong các nghi lễ quan trọng của người Jrai tại nhà hàng Ch'rao, làng Ốp. 

Làng Ốp, thuộc phường Hoa Lư, thành phố Pleiku có 105 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu hầu hết là người Jrai. Hiện nay, song song với việc bảo tồn các những nét đẹp văn hoá, nghệ thuật truyền thống, người dân trong làng đang tích cực thay đổi để phát triển du lịch. 20 nghệ nhân cồng chiêng và đội xoang của làng luyện tập đều đặn. Người dân cùng nhau giữ gìn đường làng, xóm ngõ sạch sẽ, thoáng đãng; nhà cửa được sửa sang, quét dọn sạch sẽ, gọn gàng, sẵn sàng trở thành một homestay nhỏ đáp ứng nhu cầu khám phá văn hoá bản địa của du khách.

Ông Huỳnh Hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, theo Chương trình quy hoạch tổng thể phát triển du lịch năm 2019 và những năm tiếp theo của địa phương, Plei Ốp là 1 trong 7 ngôi làng dân tộc thiểu số được tỉnh Gia Lai đầu tư phát triển du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng. Theo đó, việc phát triển du lịch tại đây dựa trên những đặc trưng về không gian văn hoá, nghệ thuật vốn có tại địa phương.

"Du khách đến làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông, nguyên vẹn trong lòng một thành phố như vậy thì thuận lợi vô cùng. Nếu huy động được người dân cùng làm du lịch thì người dân xây sửa nhà lại, để khách tới sẽ cùng ăn, ở, tự nấu ăn. Người dân tự ý thức về đường sá và nhiều thứ. Chính quyền, người dân và các ban ngành cùng làm thì mới có thể thu hút khách”, ông Hội cho biết

Với sự đồng lòng, chung sức của tỉnh và nỗ lực của người dân địa phương, Plei Ốp đang dần trở thành một làng du lịch độc đáo, thú vị tại phố núi Pleiku.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét