3 thg 2, 2019

Du lịch tâm linh: Nhớ về Yên Tử- Nhớ thăm Mai vàng

Trong tâm tưởng nhiều người, mai được khởi nguồn từ xứ sở miền Nam, nơi ấm áp quanh năm, mưa nhuần, gió thuận. Ít ai nghĩ ở núi rừng thiêng Yên Tử thuộc về vùng Đông-Bắc Việt Nam, vào mùa đông, gió bấc tràn về tượng đá cũng rét run, thế mà mai lại mọc thành rừng, nhiều cây đã trở thành cổ thụ, tuổi đời có dễ mấy trăm năm và được tôn danh là “Đại Lão Mai Vàng”.


Mai vàng là một loài hoa được sinh trưởng trên những vách đá dựng đứng ở độ cao gần 1 nghìn mét. Loài hoa cổ thụ này có tuổi đời trên 700 năm, gắn liền với những huyền thoại kỳ bí của thiền phái Trúc Lâm, được người đời tôn kính gọi: “Đại Lão Mai Vàng”. 


Tương truyền rằng, thế kỷ 13, sau khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tu hành, Ngài cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Sau hàng thế kỷ, những cây mai trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn, sinh trưởng mạnh mẽ trên vách đá cheo leo. 


Mai vàng Yên Tử không chỉ là loài hoa biểu tượng cho sự thanh bạch, vẻ đẹp thanh tao, mà còn là biểu tượng của sức sống bền bỉ của người Việt. Chính sức sống nội tại, quá trình nảy mầm, phát triển và đơm hoa trong những điều kiện khắc nghiệt nhất về thời tiết và địa hình cùng với truyền thuyết về nguồn gốc gắn với Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã mang lại cho mai vàng Yên Tử những ý nghĩa và giá trị nhân văn, giá trị lịch sử sâu sắc gắn với tư tưởng triết học của phật giáo Việt Nam và đưa mai vàng Yên Tử lên vị trí cao nhất, độc đáo nhất trong các loài hoa.

Sức sống của Mai vàng Yên Tử

Mỗi độ xuân sang, hoa mai lại nở thắm núi rừng Yên Tử. Từng vạt mai như những đám mây vàng vương trên núi, như áo cà sa của các sơn tăng giăng lên thảm cây rừng. Mai ở lòng thung. Mai bám trên vách núi. Mai nở bên thác Bạc, thác Vàng. Mai rắc vàng lên bậc thềm chùa. Có cây thân dáng thẳng, cành xòe ra như một chiếc lọng vàng. Có cây rủ xuống như thác đổ, cành buông suối tóc điểm đầy hoa. Sắc mai vàng bên khóm lá trúc xanh. Mai núp dưới bóng tùng cổ thụ. 


Khi vừng đông hắt tia nắng đầu tiên xuống núi rừng Yên Tử, muôn hạt sương đêm đính trên những vạt mai phát ra ánh sáng óng ánh như ngọc. Gió từ biển thổi về đánh thức nụ mai bừng tỉnh giấc, nở xòe ra năm cánh điểm nhụy vàng. Hương hoa thoang thoảng, thơm dìu dịu. Hoa mai rừng Yên Tử lâu tàn. Từ lúc nở ra cho đến lúc lìa cành, cánh hoa vẫn tươi rói màu vàng, không bị đổi màu hay héo úa. Cánh hoa theo gió trải khắp vùng. Có những cánh hoa theo suối đổ về xuôi, trôi mãi tới phương trời vô định. Khi những hạt mưa phùn cuối xuân vừa ngớt, gió nồm nam hây hẩy thổi về, trận mưa rào đầu hạ cuốn sạch những cánh mai vương trên đường hành hương trên núi, những lá mai nõn nà ngả sang màu xanh sậm hòa vào màu xanh thẫm của rừng. Khi làn gió heo may báo hiệu mùa thu qua và sương giá đưa mùa đông ập đến, từng lá mai se sắt rời cành. Mai trơ trọi cành khẳng khiu bệch bạc. Chỉ chờ mùa xuân đến, nhựa sống trong mai sẽ căng tràn, những búp lộc, nụ non mới được dịp trổ ra. 


Giống hoa quý của Yên Tử

Từ khi rừng Đại lão mai vàng được phát hiện, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về giống mai này. Qua kết quả nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đánh giá mai vàng Yên Tử là một nguồn gene quý. Giống mai vàng này đã sinh trưởng và phát triển tại Yên Tử từ khoảng hơn 700 năm trước. Tại đây, người ta có thể bắt gặp những cây mai cao đến 15 mét, đường kính thân 60-70cm và có rất nhiều cành. Đối chiếu với sử liệu, thì việc mai vàng được trồng thành rừng tại Yên Tử có nhiều khả năng liên quan đến sự kiện Phật Hoàng Trần Nhân Tông về tu hành tại đây (Vào khoảng những năm 1285-1288). Tại đây, ông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và phát động các tín đồ Phật tử trồng cây mai vàng. 


Mai vàng Yên Tử và mai vàng miền Nam thuộc cùng một loài. Song, mai vàng Yên Tử lại sống trong nền khí hậu điều kiện thời tiết á nhiệt đới của miền Bắc nên cây mai đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái, hoa nở theo chùm, và một cây có rất nhiều chùm. Những cây mai vàng cổ thụ mọc trên núi Yên Tử hoa có 5 cánh, lộc màu xanh, cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng rất dễ chịu, kích thước hoa không lớn, đường kính khoảng 2-3cm. Quả mai vàng Yên Tử bao gồm 7-10 quả đơn, được sắp xếp thành một vòng tròn trên đế quả. Quả khi chưa chín có màu xanh, khi chín có màu đen, vỏ quả bóng, căng và mọng. Mai Yên Tử có sức sống mãnh liệt, rễ len lỏi ở các khe đá vì vậy người dân địa phương còn gọi là Mai ký đá.

Bảo tồn và phát triển Mai vàng Yên Tử

Ngày nay, giống mai vàng đang được nhân giống và trồng trên núi rừng Yên Tử. Từ cuối năm 2012, Dự án phát triển giống hoa mai vàng Yên Tử được triển khai với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm thực hiện. Mai được trồng từ khu vực Chùa Lân-Thiền viện Trúc Lâm lên đến An Kỳ Sinh gần đỉnh núi Yên Tử và các nơi khác thuộc Rừng quốc gia Yên Tử. Cây giống để trồng hoàn toàn được phát triển từ hạt mai vàng Yên Tử. Vườn ươm giống mai tại khu vực Vườn Cây Thuốc Nam Yên Tử. Tại khu vườn này, “Công ty CP phát triển Tùng Lâm đang triển khai thực hiện dự án phát triển giống mai vàng Yên Tử, tất cả đều được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật được chuyển giao, đang sinh trưởng và phát triển tốt”.Hy vọng một ngày không xa, mỗi dịp xuân về, Cõi Thiêng Yên Tử lại tràn ngập sắc mai như Ánh Đạo Vàng Phật giáo Trúc Lâm bừng sáng và lan tỏa. Lễ Hội Mai Vàng sẽ tổ chức ở đây. Những cành mai trong giấc mộng của Phật Hoàng lại hiển hiện trong đời, mang đến mọi nhà sắc nắng vàng tươi ấm no, an lành, hạnh phúc và thịnh vượng!

Tuấn Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét