27 thg 12, 2017

Ghi từ đám cưới người Dao đỏ ở Khuổi Đăm

Mỗi một dân tộc đều có phong tục tập quán khác nhau và nghi lễ cưới hỏi cũng vậy. Trong một dịp được tham dự đám cưới của người Dao đỏ ở thôn Khuổi Đăm (xã Quảng Bạch - huyện Chợ Đồn) đã cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc về những phong tục đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa.

Theo lời đã hẹn trước với chủ nhà, chúng tôi đến từ sáng sớm. Từ xa đã thấy rạp cưới được đăng phông xanh đỏ rực rỡ, tiếng nhạc vang khắp một vùng, người giúp việc là anh em, hàng xóm tấp nập ra vào. Cũng như bao làng quê khác, ở đây nhà nào có việc là cả xóm cùng nhau hộ từ việc dọn dẹp, bếp núc cho đến công đoạn tiếp khách, đón dâu, tính ra từ khâu chuẩn bị đến sau khi xong xuôi mọi việc đám cưới có khi kéo dài đến 3 ngày. Đây cũng là dịp để tăng thêm tình làng nghĩa xóm nên tất cả đều nhiệt tình như chính công việc của nhà mình vậy.


Cô dâu được đón vào nhà trai 


Bánh kẹo, rượu mừng đã bày ra ở bàn tiếp khách, đâu đó thơm lên mùi thức ăn được chế biến cầu kỳ từ sáng tinh mơ. Từ hôm qua mọi người đã hộ nhau thịt lợn, làm sẵn đồ tươi sống để chế biến theo danh sách món ăn đã lên từ trước. Nhà cửa được trang trí cầu kỳ với sắc đỏ đặc trưng, bàn thờ cũng được lau dọn, dán giấy nhiều màu để trang trí lại. Đối với người Dao đỏ, trang phục dân tộc là nét văn hóa thiêng liêng và không thể thiếu trong những dịp đặc biệt; chính vì vậy, ngay từ sớm, những đại diện nhà trai đã mặc sẵn quần áo, chuẩn bị đồ đạc theo đúng phong tục đón dâu.

Giờ lành đã đến, nhà trai đi đón dâu, để ý một chút chúng tôi nhận thấy trong đoàn không xuất hiện chú rể, được biết đây là một phong tục từ xưa của đồng bào Dao đỏ ở đây. Theo chân các em nhỏ cùng tiếng hò reo “cô dâu đến rồi, đang chùm khăn ở ngoài kia…” chúng tôi cũng hào hứng chạy ra. Nhà gái bước xuống từ xe đón dâu, cô gái đang tuổi đôi mươi ngại ngùng rạng rỡ trong bộ trang phục cưới đặc trưng của dân tộc mình. Quả thật, bộ trang phục cô dâu của người Dao đỏ rất đẹp, dù không có màu trắng tinh khôi, không bồng bềnh như những chiếc váy cưới hiện đại bây giờ nhưng lại mang một sự thu hút kỳ lạ. Đó là trang phục với sắc đỏ rực rỡ tượng trưng cho no ấm, đủ đầy, là những điểm nhấn trang trí cầu kỳ, là những chi tiết tinh tế từ đằng trước ra đằng sau, từ chiếc khăn đội đầu đến chiếc thắt lưng, tất cả đã tạo thành một tổng thể hoàn hảo. Đặc biệt, không chỉ có cô dâu và phù dâu mặc trang phục dân tộc mà những người đưa dâu cũng mang trên mình quần áo dân tộc Dao nhưng đơn giản hơn, chỉ có áo ngoài, quần, khăn vấn và thắt lưng. Thế nhưng cũng đã tạo nên một không khí rất khác, ghi dấu ấn rõ rệt về đám cưới người Dao đỏ ở đây.

Trong lúc cùng chúng tôi đứng ngắm cô dâu chỉnh lại trang phục, vấn tóc và đội thêm chiếc mũ cao có khăn phủ lên trên. Thấy chúng tôi ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi, chị Triệu Thị Hồng cười tươi cho biết: Đám cưới bây giờ tiện và đơn giản hơn ngày xưa nhiều lắm. Giờ có ô tô đi đón dâu, không phải đi bộ, thế nên cũng chủ động hơn không lo bị muộn mất giờ đẹp. Bộ trang phục cô dâu kia là chuẩn bị rất lâu, trông vậy thôi mà cô dâu cùng cả bà và mẹ còn hộ nhau làm từng chút một, có khi mấy năm mới xong. Ban đầu chỉ là vải tràm đen, những chi tiết trang trí kia là thêu tay hết, mỗi mũi thêu là bao nhiêu tình cảm, niềm hi vọng gửi gắm trong ấy. Đời người con gái Dao đỏ có hai lần bắt buộc mặc trang phục này là khi về nhà chồng và khi kết thúc cuộc sống…

Nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới của người Dao đỏ. 

Công tác chuẩn bị đã xong, nhà trai cử ra hai người, một người phụ nữ có gia đình để dắt vào cổng và một cô gái chưa chồng che ô cho cô dâu, theo sau là đoàn nhà gái. Vào đến cổng, có sẵn một người phụ nữ lớn tuổi có gia đình đủ đầy, hạnh phúc cầm khăn đứng đợi sẵn, cô dâu nắm lấy chiếc khăn được dắt vào nhà chồng. Đúng giờ đẹp, cô dâu bước chân qua bậc cửa, một cô gái chưa chồng nhanh chóng trải chiếu trước bàn thờ, đặt chiếc chăn lên phía trước. Khi cô dâu đã đứng ngay ngắn, chú rể mới xuất hiện, lúc này nghi lễ quan trọng nhất trong lễ cưới bắt đầu.

Trước bàn thờ tổ tiên, Thầy cúng (Say) bắt đầu làm lễ. Theo hướng dẫn của thầy, cô dâu và chú rể lạy tổ tiên, cùng thầy cầu khẩn và thông báo với tổ tiên, xin tên mới để được là người lớn (phạ búa), bắt đầu một cuộc sống gia đình. Việc lạy của cô dâu, chú rể cũng rất riêng, chú rể thì cúi lưng còn cô dâu thì nhún chân, mỗi khi lạy đều có người đỡ sau lưng. Nếu như theo phong tục ngày xưa, thì cô dâu và chú rể ngoài lạy ông bà tổ tiên, thì còn phải lạy bố mẹ, anh em họ hàng nội ngoại người họ hàng, bề trên nên có lúc diễn ra đến hết đêm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển văn minh của đời sống, phần lễ trong đám cưới người Dao ở Khuổi Đăm cũng đã được đổi mới theo hướng tích cực, rút gọn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, phần lễ cũng chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, sau khi thầy xin được sự đồng ý của ông bà, tổ tiên thì lễ sẽ kết thúc, chú rể dắt cô dâu vào buồng cưới. Bên ngoài, khách cũng tản ra các mâm để cùng nhau ăn uống mừng cho gia đình.

Phần lễ diễn ra thuận lợi, nhà trai và nhà gái cùng ngồi lại nói chuyện, dặn dò, gửi gắm con cái của mình cho nhà thông gia. Bữa cơm chiều đã đến, làng xóm, họ hàng hai bên cùng nâng chén rượu chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ, ai ai cũng vui mừng phấn khởi. Hôm nay, ngày lành tháng tốt, thêm một gia đình bắt đầu cuộc sống mới, rồi chàng trai, cô gái ấy sẽ thật hạnh phúc, chăm chỉ làm ăn và sinh ra những đứa trẻ để tiếp tục giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc …

Bích Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét