23 thg 12, 2017

Có một Trường Sa trong lòng núi

Bản đồ Trường Sa được ghép bằng hạt cà phê. Ảnh: PV 

Mỗi năm, có hàng ngàn du khách chọn Bảo tàng Viện Hải dương học Nha Trang tham quan trong cuộc hành trình du lịch. Họ đã tìm đến khu vực trưng bày xuyên lòng núi phía sau Viện Hải dương học Nha Trang, nơi vẫn thường được gọi là: Trường Sa trong lòng núi. 

Khu bảo tàng độc đáo ấy tính đến năm 2017 là đã trải qua 6 năm hoạt động, mỗi năm lại bổ sung thêm những tư liệu mới.

Tháng 6. 2011, trong sự kiện Festival Biển, Viện Hải dương học Nha Trang đã mở một khu trưng bày mới, nằm trong tổng thể Bảo Tàng Biển của Viện. Đó là khu trưng bày tài nguyên biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa. Bên cạnh đó, Viện cũng liên tục bổ sung các mẫu vật, các hình ảnh… về hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở Biển Đông. Khách bước vào lòng núi ấy và có cảm giác như mình đang hòa cùng những con sóng biển Hoàng Sa - Trường Sa, nhìn tận mắt những con cá, rặng san hô ở biển Tổ quốc.

Khu trưng bày không rộng, tạo cảm giác cho khách bước vào cảm nhận được một vùng biển Tổ quốc với biết bao nhiêu tài nguyên tiềm ẩn, là hình ảnh của những con người đã từng và đang sinh sống ở hai quần đảo này. 

Cá ở Trường Sa. 

Trong những cuộc nghiên cứu và thu thập mẫu vật của đội ngũ những nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang, họ đã lưu giữ lại những gì cần thiết. Chính những mẫu vật ấy tạo sự thích thú cho người ghé đến. Đó là mẫu vật con trai khổng lồ dài gần 1m, nặng 145kg ở biển Trường Sa. Mẫu vật này được thu giữ và bảo quản vào tháng 4.1991.

Những mẫu vật cá đuối, cá nóc lơn cũng được thu giữ trong những đợt nghiên cứu. Đặc biệt, mẫu vật con cá thu nặng 70 ký, dài 2,4 m. Tất cả được trưng bày để cho khách có thể hình dung ra vùng biển Trường Sa - Hoàng Sa có loại cá gì, san hô gì? Việc tái hiện được đặt trong những bồn nuôi cá nước mặn với lời chú thích bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Hướng dẫn viên cho biết, trong vùng biển Trường Sa, nhiều động vật giáp xác sống cạnh các rặng san hô, nhiều nhất là tôm với các loại tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm sen. Hay các loài cua lạ như cua Nhện, cua Mặt Trời, cua Lửa; các loại cua thân mềm sống trong các vỏ ốc rỗng.

Họ cá mú với nhiều loại có kích cỡ lên tới 2,7 m, riêng ở biển Trường Sa có 46 loại, Đặc biệt loại cá khoang cổ Nemo chỉ sống ở vùng biển Trường Sa, có màu sắc rực rỡ, hình dáng mềm mại được chuộng nuôi làm cảnh. Viện Hải Dương đã đem chúng về gây giống trên 10 ngàn con, một phần thả xuống Vịnh Nha Trang, phần khác xuất khẩu.

Loại cá đuôi có gai là loài phổ biến nhất ở Trường Sa với 37 loài trong tổng 72 loài có mặt ở Thái Bình Dương. Ở Trường Sa, động vật thân mềm vô cùng đa dạng, gần như không vắng mặt loại ốc nào: Ốc Đụn, Bàn Tay, Ốc Tù Và, mực, bạch tuột… Tại đây có những con ốc Tù Và dài hơn 40cm, làm đồ mỹ nghệ rất đẹp. Trường Sa cũng có thềm san hô phong phú với hàng trăm loài. 

Và những rặng san hô tuyệt đẹp. 

Tại Phòng trưng bày còn có bản đồ địa hình vùng biển Việt Nam và lân cận, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một số văn bản về quản lý, khảo sát Hoàng Sa như: Lệnh cử người đi Hoàng Sa của quan Bố Án năm 1834; Công dụ thưởng phạt đoàn đo đạc Hoàng Sa của Thủy Sứ Suất đội Phạm Văn Biện, Minh Mạng năm thứ 18 ngày 13.7; Phiên bộ công về việc cung cấp bài gỗ cắm mốc cho đoàn đo đạc Hoàng Sa của đội trưởng Hoàng Hữu Nhật, Minh Mạng năm thứ 17 ngày 12.2; Sắc lệnh ngày 18.8.1941 của Khâm sứ Trung Kỳ cử người ra quản lý đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Vào năm 2011, tại đây đã bổ sung bản đồ Trường Sa ghép từ hạt cà phê (kích thước 3m x 6m), với nhiều họa tiết tiêu biểu của nền văn hóa cổ đại Việt Nam như trống đồng, chim lạc giống như một chiếu thư do Công ty CP Cà phê Mê Trang trao tặng. Đây là tấm bản đồ Trường Sa lớn nhất ghép bằng hạt cà phê Việt Nam, với nhiều người thực hiện nhất (hơn 200 học sinh, sinh viên...). Tháng 6.2013, Công ty CP Cà phê Mê Trang lại tặng sa bàn đảo Trường Sa Lớn được thiết kế sinh động, chân thực, chính xác ở tỉ lệ 1/400.000, mô hình ngọn hải đăng và cột mốc chủ quyền Trường Sa.

Khu trưng bày Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa trong lòng núi ở Viện Hải dương học Nha Trang chắc chắn không chỉ là điểm tham quan của du khách cả nước mà còn là nơi trải lòng cùng biển đảo quê hương.

Lưu Cẩm Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét