Ngôi chùa nổi bật trên đường Hai Bà Trưng (quận Ninh Kiều) bởi dáng dấp của kiến trúc và màu sắc sặc sỡ đặc trưng của người Hoa. Chùa Ông được xây dựng từ năm 1894 trên diện tích 532 mét vuông với tên gốc là Quảng Triệu Hội Quán.
Bước vào cửa chính, bạn sẽ bị hút hồn bởi không gian mờ ảo được tạo nên bởi ánh sáng và hương khói ở Tiền điện và Sân thiên tỉnh (hay còn gọi là giếng trời). Tiếp sau đó là chánh điện và các dãy nhà phụ bao quanh theo hình chữ Quốc vuông góc và khép kín với nhau.
Bên trong chùa có nhiều bức phù điêu trang trí như: chạm trổ trên bao lam, liễn đối, hoành phi, xà ngang… với hình ảnh mai, lan, cúc, trúc hay rồng, phụng, bông lá, cá hoá rồng và các điển tích xưa.
Quan Công là vị thần được thờ chính trong chùa. Người dân kể lại, đây là vị thần tượng trưng cho “nhân nghĩa lễ trí tín”, cho sự dũng cảm, trung thành và lòng danh dự của người Hoa. Chùa còn thờ một số vị thần khác như: Phật Bà Quan Thế Âm, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Ông Bản.
Khác với một số chùa của người gốc Hoa khác, chùa Ông ở Cần Thơ không có bia ghi tên những người khởi công xây dựng, niên đại hình thành. Nhưng trên các mảng chạm khắc gỗ, liễn đối hay lư hương đều có ghi rõ tên thợ xây, người ủng hộ và năm thực hiện.
Chùa có 6 hàng cột gỗ để nâng đỡ mái vòm cùng hệ thống kèo gác phức tạp được chạm trổ công phu.
Trải qua hơn 120 năm, ngôi chùa vẫn giữ được nét kiến trúc xưa.
Đây là nơi viếng thăm thường xuyên của người dân, chủ yếu là người Hoa ở Cần Thơ. Có người đến đây cầu vận may trong công việc, người khác thì mong bình an trong cuộc sống.
Chùa Ông được xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia năm 1993.
Phong Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét