20 thg 12, 2017

Về Phja Thắp học làm hương

Những người Nùng sinh sống bao đời nay ở làng Phja Thắp (xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) không nhớ nghề làm hương truyền thống của quê mình có từ bao giờ. Họ bền bỉ kế tục từ đời cha ông, giữ nghề và tiếp tục truyền dạy con cháu.

Kết tinh của thiên nhiên

Làng Phja Thắp nằm trong thung lũng rộng lớn, một bên là núi cao, một bên là đường lớn để đi lên biên giới Cao Bằng. Vừa tỉ mỉ chuốt từng cây hương, anh Hoàng Văn Lập, trưởng thôn Phja Thắp vừa nhận xét, “để làm ra một thẻ hương nhiều công đoạn lắm”. Đầu tiên là chuẩn bị bột làm hương, mọi người phải lên rừng hái lá bơ hắt, mọc tự nhiên bên những vách đá về, phơi khô rồi tán bột mịn như bột gạo. Hoàn toàn không dùng hóa chất, lá bơ hắt đóng vai trò như chất keo kết dính tự nhiên giữa các loại bột với que hương. Sau đó bột trộn thêm vỏ cây nghiến đỏ, mùn cưa, cây thung, cây mạy khảo… để tạo mùi. 

Phụ nữ làng Phja Thắp làm hương . Ảnh: Bảo Lâm 

Làm hương là một nghề vất vả, đòi hỏi cả sức vóc của nam giới lên rừng tìm lá, chặt tre, vừa phải đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của phụ nữ. Từ đầu năm, những người đàn ông trong làng đã đi tìm những cây mai già, cứng chắc, dóng dài, thẳng để chẻ que làm chân hương. Que thường có hai kích cỡ, cỡ lớn là 40 cm, cỡ nhỏ là 30 cm. Dù hiện nay đã có máy chuốt que, nhưng người làng Phja Thắp vẫn chọn cách làm thủ công, bởi như vậy họ có thể ước lượng chính xác độ cứng của que, không mỏng quá không dầy quá. 

Khi làm, người làng chuẩn bị sẵn một mẹt lớn đổ bột khô. Bên cạnh là một xô nước sạch. Que mai đã chẻ được nhúng vào nước, sau đó lăn qua hỗn hợp bột trộn sẵn. Lăn đều tay, không nhanh không chậm để bột kết dính đều, tạo thành một lớp màu vàng phủ quanh que mai. Lặp lại 4 lần các công đoạn đó, tay thoăn thoắt làm để bột không bám dày quá hay mỏng quá, ảnh hưởng đến chất lượng hương. Khi ra lò, que hương nào cũng tròn đều tăm tắp, để khô khoảng 15 phút là có thể mang hương đi phơi. 

Tán bột là công việc đòi hỏi sự khéo léo của phụ nữ . Ảnh: Bảo Lâm 

Nghề làm hương phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nắng đẹp thì phơi một ngày là khô. Còn nếu trời âm u thì có thể 3 ngày. Vào mùa đông, gió hanh hao cũng giúp cho hương khô nhanh hơn. Ở đây, bà con không dùng lò sấy để làm khô hương bởi tác động của nhiệt độ cao sẽ làm rụng bột hương. Bình thường, bà con tận dụng khoảng sân, bờ bê tông cạnh đường để phơi hương. Từng que hương thành phẩm được tỷ mẩn cắm trên các ống đá hình tròn, mỗi ống có từ 7 đến 10 que. Cây hương tỏa đều ra bốn phía để đảm bảo nhanh khô. Sau đó, người làm sẽ nhuộm chân hương màu đỏ - thứ màu làm từ những nguyên liệu thiên nhiên rồi phơi tiếp cho khô hoàn toàn rồi mới mang về nhà, chia thành bó nhỏ chuẩn bị đem bán.

Trăn trở giữ nghề

Khi cuối thu đầu đông, hết vụ lúa, bà con dọn sạch gốc rạ, phơi hương ra ruộng. Đây cũng là vụ lớn nhất trong năm để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán. Mỗi người trong nhà đều tự nguyện đảm nhiệm công việc của mình, trẻ nhỏ đã biết giúp bố mẹ phơi hương, bó hương, người già ngồi lăn bột, chuốt que. Phụ nữ, thanh niên mang hương tới chợ bán. Những phiên chợ trong vùng đều có những người làng Phja Thắp tới bán hương.

Đợi khi nắng lên để phơi hương . Ảnh: Bảo Lâm 

Vì đây là cầu nối để kết nối với thế giới tâm linh, dành mọi sự thành kính để dâng lên thần linh, tổ tiên nên người làm hương cũng rất cẩn thận, chú trọng từ việc lựa chọn nguyên liệu, chọn không gian sạch sẽ để làm và phơi hương. Bởi thế, những nén hương của làng Phja Thắp an toàn, bén lửa tốt, mùi thơm nồng tự nhiên nhưng dễ chịu, hương cháy lâu và bảo quản được trong thời gian dài.

Xoa đôi bàn tay chai sạn bởi lao động, ông Hoàng Văn Tăng, người làng Phja Thắp trầm tư, dù là nghề phụ, nhưng người làm hương cũng bận rộn quanh năm. Tranh thủ trời nắng là thanh niên lên rừng tìm lá, phụ nữ ở nhà phơi hương. Người dân trong làng giờ làm đủ thứ nghề, từ làm ruộng, lên rừng tìm lâm sản, đan lát, đi chợ, làm thuê, buôn bán. Nhưng 51 hộ gia đình trong làng vẫn giữ nghề làm hương truyền thống, không vì vất vả khó khăn mà bỏ nghề. Thế nhưng trăn trở giữ nghề vẫn canh cánh trong lòng những người lớn tuổi trong làng. Với họ, làm hương không chỉ mang lại nguồn thu, mà còn để giữ gìn những giá trị truyền thống của người Nùng cho hậu thế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Những năm trở lại đây, làng Phja Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương về nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống của làng. Trải nghiệm làm hương là một trong những chương trình hấp dẫn du khách. Đây cũng là cách để tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho bà con, cũng là điểm nhấn khi tới mảnh đất Cao Bằng.


Bảo Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét