23 thg 12, 2017

Hàng rong - bản hòa ca bất tận

Gánh hàng rong Hà Nội. 

Việt Nam có một vẻ đẹp đặc biệt, một vẻ đẹp quá đỗi bình thường nhưng bình dị đến thân thương. Không ai biết hàng rong có từ bao giờ, chỉ biết rằng hàng rong đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. 

Trong những cơn gió mùa đông bắc lạnh giá, trên đường phố chúng ta luôn nghe thấy giọng rao đều đều của những người bán hàng rong. Thứ âm thanh của đường phố luôn đi theo ta từ thuở ấu thơ đến khi ta trưởng thành.

Trên những con đường, bên nhà cửa san sát với mái ngói xô nghiêng, tiếng rao của các bà, các chị bán hàng rong vẫn lanh lảnh, thánh thót. Ngay cả khi tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, cả khi có những trung tâm thương mại, có những siêu thị rộng lớn thì vẫn còn nhiều người mua hàng rong như một thói quen, và như vậy hàng rong vẫn tồn tại bất chấp thời gian. 

Món ăn vỉa hè được người Hà Nội yêu thích. Ảnh: TL 

Chúng ta có thể gặp những gánh hàng rong nhiều nhất ở phố cổ Hà Nội. Đây là khu vực có nhiều khách du lịch nên bán hàng rong sẽ khá chạy. Người dân quanh Bờ Hồ đã quá quen với tiếng rao của gánh hàng rong, chạy vội ra khỏi nhà mua hàng trong cái rét run cầm cập, rồi lại cầm gói xôi, củ khoai vào nhà. Đúng là một dịch vụ giao hàng tận nơi đầy tiện lợi!

Hàng rong làm lười thêm những con người thành phố, người bán hàng chịu rét buốt để khách hàng được nằm trong chăn ấm thưởng thức đồ ăn. Hàng rong phù hợp với mọi tầng lớp, từ bà phu nhân sang trọng, bác doanh nhân cho đến anh thợ xây, cô hàng xén. Chỉ cần độ 5000-10.000 đồng là đủ để có một món tạm ấm lòng, để tiếp tục chặng đường về nhà, để lao vào cuộc mưu sinh.

Hầu hết người bán hàng trong trên phố đều là người ở quê ra. Họ không kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống từ việc làm ruộng nên tranh thủ lên phố bán hàng kiếm thêm vào những ngày nông nhàn. Họ phải dậy thật sớm lấy hàng rồi tỏa đi khắp các ngõ ngách, dù trời mưa hay nắng. Họ phải gánh trên vai nặng trĩu cả chục cân. Người bán hàng rong chủ yếu là phụ nữ.

Hàng rong trên phố Hà Nội. Ảnh: PV 

Thưởng thức hàng rong cũng thật thú vị. Mua hàng chẳng cần nhìn, cũng chẳng phải kiểm tra vì đã quá quen rồi. Cứ nghe tiếng rao là gọi với ra mua thôi. Này nhé, đang lim dim ngủ thì : “Khúc ơ, xôi lạc bánh khúc ơ…!”. Nghe thấy tiếng rao thì dù đang cuộn tròn trong chăn vẫn phải bật dậy. Bột lá khúc quyện với đậu xanh ăn rất bùi và thơm, lại thêm miếng thịt mỡ béo ngậy hòa quyện cùng với xôi trắng dẻo, ôi chao, ấm sực cả mùa đông.

Bụng đã lưng lửng thì làm bát tào phớ. Nóng lạnh đều ngon cả. Tào phớ trắng tinh xúc từng thìa tan dịu trong miệng, hương hoa bưởi thoang thoảng làm “thực khách vỉa hè” có cảm giác như đang bước trong một vườn bưởi trĩu quả, trong lành. Ăn một bát lại muốn ăn thêm. Rồi thì bánh cuốn. Bánh nóng tráng từng chiếc mỏng tang, phớt qua một chút hành, mộc nhĩ, ăn kèm với chả quế và rau kinh giới. Chua, ngọt, béo, bùi, cay đủ cả, ăn mãi chưa no.

Bún thì có đủ các loại. Các gánh bún bung, bún thang, bún ốc, bún đậu mắm tôm luôn diễu qua rồi ngồi lại một chỗ vỉa hè nào đó vào sáng hoặc trưa. Mỗi loại bún có một hương vị riêng, rất đặc trưng của Hà Nội, và bún gánh thì lại có thêm… chút bụi bặm của đường phố nữa.

Rồi thì bánh dày, bánh nếp, ngô khoai sắn, lạc luộc. Những thứ đồ vừa để ăn vặt và chống đói lan tỏa trên phố, trong ngõ. Do đã được luộc trước nên khi đến tay khách thì đồ đã bị nguội. Trời đông, dù người bán đã cố ủ ấm nhưng cũng chỉ để giữ cho bớt giá. Thường ăn những đồ này vào trời lạnh thì phải hâm lại cho ấm, nhưng người ta vẫn thích mua hàng rong hơn là gọi ship từ quán ăn. 

Gánh hàng rong như điểm thêm một nét vẽ đẹp cho Hà Nội. Ảnh: TL 

Bây giờ, Hà Nội vẫn nhiều hàng rong, vẫn có những tiếng rao lanh lảnh của các bà, các chị. Một số người bán rong đã đầu tư chiếc loa để đỡ phải khàn giọng vì rao hàng. Hà Nội ngày nay có thêm một nét văn hóa tồn tại nhờ cuộc mưu sinh của những người nghèo. Việc lưu giữ những thói quen xưa cũ, như tiếng rao bất tận của cô hàng rong khiến Hà Nội có thêm một thứ âm thanh đặc biệt, như bản hòa ca trong cuộc sống xô bồ của đô thị. 

Đinh Thành Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét