17 thg 12, 2017

Viếng Nam Cao, thăm nhà Bá Kiến ở làng Vũ Đại ngày nay

Chúng tôi tìm về thăm làng Vũ Đại, chẳng phải vì tiếng tăm của món cá kho đang nổi tiếng không chỉ trong nước, mà từ mơ ước thuở là học sinh: đến với quê hương Nam Cao và những nhân vật trong tác phẩm của ông. 

Cá kho làng Vũ Đại là đặc sản đi khắp mọi miền đất nước - Ảnh: NGON THẾ 

Từ TP Phủ Lý, tỉnh lỵ của Hà Nam, theo quốc lộ 21 mới rẽ vào quốc lộ 38B về huyện Lý Nhân chưa tới 40 km. Con đường đẹp uốn lượn qua những làng quê thanh bình, mướt mát những màu xanh. Dòng Châu Giang thấp thoáng qua những vườn chuối, vườn dâu... như ùa về đây cả không gian làng Vũ Đại sống động qua Chí Phèo, Lão Hạc, Trăng sáng, Sống mòn... ngày nào.

Viếng Nam Cao, thăm nhà Bá Kiến

Tấm bảng ven đường chỉ rõ lối vào khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Khu tưởng niệm được xây dựng ngay trên mảnh đất quê hương ông: làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân; nay là thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Ông tên thật là Trần Hữu Trí, bút danh Nam Cao do ghép hai chữ đầu của tên tổng và huyện. Dừng chân ở quán nước, chúng tôi hỏi thăm và được biết khu tưởng niệm được giao cho ông Trần Hữu Vịnh là cháu nhà văn ở ngôi nhà ngay bên cạnh coi giữ.

Chúng tôi tìm vào và thật may ông Vịnh có ở nhà. Con đường bê tông đi vào chạy qua hồ nước, hai bên cao vút hàng cau. Chúng tôi đặt lễ, thắp hương trước bàn thờ có bức tượng của ông rồi nghe ông Vịnh thuyết minh rất đầy đủ, rành rọt. Khu tưởng niệm có tổng diện tích 
5.460 m2 bao gồm lăng mộ, nhà tưởng niệm, vườn cây và hồ nước.

Khi về thắp hương trước mộ nhà văn Nam Cao, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm chỉ đạo và cấp kinh phí xây dựng khu tưởng niệm với số tiền 500 triệu đồng và thực tế chi hết 499 triệu. Năm 2001 được khởi công xây dựng, đến năm 2004 thì hoàn thành.

Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mất của nhà văn, các hiện vật trong nhà tưởng niệm được sắp đặt lại theo bốn mảng: Quê hương và gia đình; Cuộc đời và sự nghiệp; Tìm lại Nam Cao và Những hoạt động tưởng niệm, tôn vinh nhà văn Nam Cao.

Trong khói hương vờn lên trước mộ ông, bùi ngùi nhớ tiếc nhà văn đã yên nghỉ giữa làng quê yên ả của mình giờ đây không còn những số kiếp dân nghèo bần cùng, đau thương như trong những trang viết bất hủ của ông nữa.

Như một sự tình cờ sắp đặt, toàn bộ không gian của khu tưởng niệm và ngôi mộ của ông nằm trên phần đất của ông Trùm Ruyện - nguyên mẫu của nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên. Khuôn viên trước mặt khu tưởng niệm rộng rãi, thoáng mát bởi nhiều cây xanh và hồ nước.

Cây đa đã xum xuê, những cây đại xanh ngắt, cây liễu thướt tha rủ bóng xuống những chiếc ghế đá, bụi hoa mẫu đơn đỏ rực góc hồ...Rời khu tưởng niệm, chúng tôi tìm đến khu nhà Bá Kiến cách đó khoảng 1km.

Theo biển chỉ dẫn ở mỗi ngã rẽ, xe theo những con đường làng rợp mát vào đến tận cổng. Cổng vào vườn nhà khóa, dòng chữ khắc trên cổng: “Quý khách đến tham quan xin liên hệ số điện thoại...”. Và chỉ sau vài phút, một phụ nữ đã đến mở cửa.

Có chút hồi hộp khó tả khi đặt chân vào sân của ngôi nhà chứa bao điều kỳ lạ, bí ẩn qua những lời đồn đại. Ngôi nhà không đồ sộ như hình dung, ba gian kiểu thôn quê Bắc Bộ những năm đầu thế kỷ 20, trên khu đất rộng chừng 900 
m2.

Tuy đã được làm cách đây 107 năm, qua bảy đời chủ, hai lần suýt bị triệt hạ và chưa hề tu sửa lại, song 16 cột lim vẫn vững vàng trên các viên đá xanh, mái ngói vẫn phẳng dù đã nhuốm màu thời gian.

Năm 2007, với mục đích lưu giữ ngôi nhà này, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Hà Nam đã mua lại với giá 700 triệu đồng để bảo tồn và phát triển du lịch. 

Mộ Nam Cao - Ảnh: MINH THƯ 

Tour từ những trang sách...
Theo đường làng rợp mát bóng tre, bóng nhãn, chúng tôi đến thăm cơ sở cá kho “Toản Hương”. Làng Vũ Đại ngày nào gợi lại cho chúng tôi những bâng khuâng.

Đây có phải con sông con “nước lặng và trong” mà Nam Cao đã tả với biết bao yêu mến về vẻ đẹp lung linh của những đêm trăng và lao xao tiếng người chèo đò đi chợ sớm bán vải trong buổi sáng sau cơn say của Chí Phèo?

Ruộng dâu nào của nhà anh Hàn để cô Tơ đến hái? Vườn chuối ngự Đại Hoàng nhắc nhớ lại túp lều trong vườn chuối với những tàu “lá chuối nằm ngửa ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước”.

Tiếng thoi dệt vải lách cách và những sào phơi tơ trong sân nhà ai làm nhớ đến cái mơ ước bình dị của Chí: “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”...

Bên những căn nhà bê tông hiện đại vẫn còn những ngôi nhà dáng vẻ cổ xưa với mái ngói ta thâm thấp, ấm áp màu nâu xám, trước cửa là bụi mẫu đơn đỏ hoa.

Câu chuyện đường về rôm rả: cô bạn đang thiết kế cuộc gặp gỡ bạn bè về thăm quê hương Hà Nam thêm làng Vũ Đại vào điểm đến. Bạn là giáo viên dạy văn sẽ đưa học sinh về đây tham quan dã ngoại trong chương trình ngoại khóa năm học.

Và chúng tôi hào hứng bàn luận về một tour du lịch thăm “Làng Vũ Đại ngày nay”: Địa danh - danh nhân - văn học - ẩm thực. Xuất phát từ Hà Nội, ăn sáng ở Phủ Lý với đặc sản bánh cuốn chả hay bún cá rô đồng, chưa đến 100km là đến nơi.

Sẽ thú vị biết bao nếu được nghỉ chân ở quán cà phê “Lò gạch bỏ hoang” hay húp bát cháo hành trên chõng tre trong túp lều tranh “Vườn chuối”. Bọn trẻ sẽ thích thú trong những bộ váy yếm áo quần nâu sồng vá đụp để chụp vài kiểu ảnh Chí Phèo - Thị Nở...

Được biết đã có tour như vậy từ cuối năm 2014 do ý tưởng của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch nhưng ít người biết.

Ngay từ bây giờ, nếu bạn muốn thăm một làng quê Việt Nam xinh đẹp như trong mơ hay các thầy cô dạy môn văn muốn học sinh mình thêm yêu môn học và quê hương đất nước thì còn chờ gì nữa, làng Vũ Đại nồng ấm đón chào...

Phạm thị Minh Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét