18 thg 12, 2017

Thông Tây Hội - Ngôi đình cổ nhất phương Nam

Từ thuở những người dân đầu tiên đến vùng Sài Gòn - Gia Định mở đất hơn 3 thế kỷ qua, ngôi đình cổ Thông Tây Hội đã hình thành và đến hôm nay, đây vẫn là nơi duy trì nhiều giá trị văn hóa - tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc bên cạnh những giá trị nghệ thuật kiến trúc truyền thống độc đáo. 

Đình thần Thông Tây Hội (phường 11, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh) từ lâu đã nổi tiếng là ngôi đình lâu đời nhất không chỉ ở Sài thành mà cả vùng đất phương Nam. Ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng Ban Quản lý Di tích Đình thần Thông Tây Hội cho biết, ngôi đình được những người di dân có quê gốc Nghệ An dựng lên từ năm 1679. Ban đầu chỉ dựng bằng tre, vách lá, đến năm 1883, Đình thần Thông Tây Hội mới xây dựng theo kiến trúc như hiện nay. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, ngôi đình vẫn tồn tại sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa và chính thức được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật, văn hóa lịch sử Quốc gia năm 1998.

Đình thần Thông Tây Hội là nơi thờ Thành Hoàng, người bảo vệ cư dân khỏi thiên tai, địch họa, tránh thú dữ…, cụ thể ở đây là thờ hai vị thần Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ (974-1028). Nhờ hai vị thần này mà đời đời cư dân trên vùng đất mới khẩn hoang được sống trong an yên, mùa màng tươi tốt, con cháu được hưởng phước lành. Do vậy, việc duy trì thờ cúng diễn ra quanh năm, lễ vật cúng thường cũng đơn giản, mùa nào thức nấy, theo sản vật địa phương, chủ yếu bởi tấm lòng thành, thật thà chất phác đúng như bản chất lương thiện của những người dân Nam Bộ. 

Đình thần Thông Tây Hội ở phường 11, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh từ lâu đã nổi tiếng là ngôi đình lâu đời nhất không chỉ ở Sài thành mà cả vùng đất phương Nam.

Chánh điện Đình thần Thông Tây Hội thờ hai vị thần Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ.

Nhà Hội sở - Đình thần Thông Tây Hội, là văn phòng ban trị sự, nơi tiếp khách và chuẩn bị tế lễ.

Chiếc mõ lớn được sơn đỏ đặt trong Chánh điện là đồ dùng để thông báo đến người dân các công việc trong làng thời xưa.

Chiếc chiêng cổ trong Chánh điện.

Hình tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh, đúng theo kiểu truyền thống ở các ngôi đình, chùa Nam Bộ.

Các vì, kèo bên trong có kiến trúc truyền thống đặc trưng.

Phù điêu Bát tiên trong miếu Bà Chúa Xứ, thành phần phụ của Đình thần Thông Tây Hội.

Người dân trong vùng cúng lễ Chúa Xứ nương nương. 

Theo ông Nguyễn Văn Tý, Đình thần Thông Tây Hội có kiến trúc hoàn toàn đúng với phong cách truyền thống của đình cổ ở miền Nam thế kỷ 19. Hiện đình vẫn gìn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng như xưa. Đình có 3 thành phần chính là Võ ca, Chánh điện và Hội sở. Võ ca là nơi xây chầu, hát bội chỉ có mái, cột gỗ và không có tường bao xung quanh. Nhà Hội sở là văn phòng ban trị sự, nơi tiếp khách và chuẩn bị tế lễ. Điểm nhấn cũng là phần đặc sắc nhất của Đình thần Thông Tây Hội chính là Chánh điện, nơi thờ phụng các vị thần, được tạo nên bởi hai nếp nhà ghép trùng nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh, phần chạm khắc, trang trí trong Chánh điện cũng có những đặc trưng Nam Bộ như các đầu kèo, đường xà đều được chạm khắc đầu rồng và cành mai; các bao lam chạm theo đề tài lân - ly - quy - phụng, hoặc đề tài mẫu đơn - trĩ. Đặc biệt các đồ thờ cúng trong Chánh điện đều vẫn giữ nguyên được nước sơn son thếp vàng cổ… Ngoài ra, Đình thần Thông Tây Hội còn có thêm các thành phần kiến trúc phụ, bao gồm: Bia Ông Hổ, bàn thờ Thần Nông, miếu Bà Chúa Xứ.

Lễ Kỳ Yên là lễ hội quan trọng nhất được tổ chức tại Đình thần Thông Tây Hội, diễn ra vào rằm tháng Tám (15/8 âm lịch) hàng năm. Dịp này, các đoàn đại biểu là ban trị sự các đình trong vùng và các tỉnh lân cận cùng đông đảo bà con thập phương gần xa nô nức về Đình thần Thông Tây Hội cúng tế, thăm viếng. Đây thực sự là dịp sinh hoạt văn hóa tâm linh giàu ý nghĩa, góp phần phát huy những giá trị truyền thống độc đáo của dân tộc trên một vùng đất mà ở đó, ngôi đình thần cổ kính Thông Tây Hội trở thành một chủ thể văn hóa đã và luôn được người dân trân trọng và gìn giữ.

Đình thần Thông Tây Hội tọa lạc trên một khu đất rộng 5.188m2 quay về hướng Đông, cổng đình xây theo kiểu tam quan. Sân đình rộng, có một số cây cao khoảng 10m. Mặt bằng kiến trúc của đình tạo thành hai trục song song với nhau: Trục dài là trục chính gồm Võ ca, Chánh điện; Trục ngắn - trục phụ là nhà Hội sở. Kiểu mặt bằng kiến trúc này rất phổ biến đối với công trình kiến trúc tôn giáo ở miền Nam thế kỷ 18-19. Toàn bộ ngôi đình lợp ngói âm dương, bộ vì kèo chịu lực bằng gỗ, nền lát gạch tàu.

Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét