21 thg 12, 2017

Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt: Bài thơ kiến trúc trên cao nguyên

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được coi là một trong những công trình đẹp nhất Đà Lạt, là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi tới nơi đây.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một công trình kiến trúc độc đáo của thành phố ngàn hoa. Cùng với nhà ga xe lửa Đà Lạt, công trình này là hình ảnh biểu tượng của đô thị thủ phủ Tây nguyên. Trường toạ lạc trên một diện tích rộng lớn với nhiều công trình, hài hoà cùng cây xanh và cảnh quan đồi núi cao nguyên
 
Công trình được xây dựng năm 1927, do kiến trúc sư Moncet thiết kế và chỉ đạo thi công. Ban đầu có tên là trường Petit Lycée Dalat - dành cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có. Đến năm 1932, trường được đổi tên thành Grand Lycée de Dalat; và đến năm 1935 được đổi tên thành Lycée Yersin để tưởng niệm Alexandre Yersin - một bác sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ có công khai sinh ra thành phố Đà Lạt. Năm 1976 trường có tên là Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

Tâm điểm của quần thể kiến trúc là khối nhà giảng đuờng chính 4 tầng hình vòng cung với tháp chuông vươn lên đầy kiêu hãnh. Đường cong của dãy nhà được ví như hình ảnh một cuốn sách đang mở ra biểu tượng của tri thức trải rộng, là đường cong khát vọng. Tháp chuông cao nổi bật giữa không gian bao la và màu xanh của ngàn thông tượng trưng cho một khát vọng trí tuệ vươn lên

Mặt ngoài khối nhà được xây gạch trần, mái lợp ngói; trải qua gần một thế kỷ vẫn có màu đỏ tươi. Các loại vật liệu xây dựng công trình chủ yếu đem từ Pháp sang.

Tháp chuông cao tới 54m vút lên nền trời là điểm nhấn tuyệt mỹ. Hầu như ở nơi nào trong thành phố cũng nhìn thấy tháp chuông của công trình. Mái tháp chuông lợp ngói đá màu đen. Rất tiếc hiện nay quả chuông không còn qua những biến thiên của thời cuộc.

Mặt bằng công trình hình vòng cung gợi sự mềm mại và lãng mạn; mặt đứng công trình là những nhịp điệu được tạo bởi những vòm cuốn và hàng trụ đôi hình tròn.

Các tầng đều có những hành lang rộng và thoáng

Những ô vòm mở ra khoảng sân rộng phía trước giảng đường. Các công trình kiến trúc xen lẫn với những hàng thông.

Những viên gạch trần được xây dựng tỉ mỉ với kỹ thuật rất cao

Những ô cửa và chi tiết trang trí ở đầu hồi tháp chuông là chi tiết kiến trúc đắt giá

Kiến trúc hài hoà với không gian thiên nhiên rộng lớn, thoáng đãng tạo ra một khung cảnh bình yên và lãng mạn.

Những phòng học được bố trí trải dài theo mặt bằng hình cung, trên các tầng lầu; kế bên là hành lang

Nội thất các phòng học tràn ngập ánh sáng tự nhiên từ các ô cửa sổ kính ở tường biên

Bên cạnh khối giảng đường chính, trường còn có các công trình hội trường, khối phòng hành chính, phòng học chuyên đề, thư viện, ký túc xá sinh viên…

Các công trình này đều mang phong cách kiến trúc cổ điển Pháp kết hợp với nét kiến trúc bản địa

Các khối kiến trúc trong quần thể công trình được nối với nhau bằng những dãy hành lang độc lập, tạo sự liên hoàn và tiện lợi trong giao thông

Trường CĐSP Đà Lạt được Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo, tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20. Đánh giá công trình kiến trúc này, báo Đông Dương (Indochine) thời bấy giờ đã viết: “Đó là một ngôi nhà lớn mà không ai ở Đà Lạt có thể bỏ qua”

Với không gian thoáng đãng, trong lành cùng kiến trúc hài hòa, độc đáo, ngôi trường này không chỉ là nơi lý tưởng để học tập, nghiên cứu mà còn là nơi thu hút tất cả các khách du lịch. Mọi người thường tới đây chụp ảnh, dạo bộ và các đôi uyên ương thì tìm đến đây để chụp ảnh cưới lãng mạn. Ngày 28/12/2001, Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là Di tích Kiến trúc Quốc gia. 

Hà Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét