Về thôn Trịnh Điện, xã Định Hải (Yên Định) hôm nay, chúng tôi được ông Trịnh Văn Thảo, trưởng thôn dẫn đi thăm từng con ngõ vừa được mở rộng khang trang, nhờ quá trình XDNTM kiểu mẫu. “Nếu không có sự đồng lòng của bà con Nhân dân, thôn sẽ không thể vừa phát triển về kinh tế, vừa giữ gìn được các giá trị truyền thống” - ông Thảo xúc động nói.
Thôn Trịnh Điện, xưa vốn còn có tên là làng Chiềng, Điện thôn, được hình thành khá sớm, khoảng thế kỷ XV-XVI. Chiềng theo nghĩa tiếng Thái là vị trí trung tâm. Ngoại vi của “chiềng” còn có “dền” là cửa ngõ. Bởi thế, phía Tây của làng có dền Thượng (Duyên Thượng); phía Nam có dền Lụa (Duyên Hy); phía Đông có dền Lộc (Duyên Lộc).
Sau này, làng Trịnh Điện nằm trong quần thể Sóc Sơn - Biện Thượng, nơi phát tích của họ Trịnh, để lại dấu ấn từ giữa thế kỷ XVI đến gần cuối thế kỷ XVIII. Ngôi làng đã từng là đại bản doanh của tướng quân Trịnh Kiểm, hiện vẫn còn lưu lại những tên đường, tên ngõ: ngõ Trên, ngõ Sỹ, ngõ Hội, ngõ Hàng, ngõ Cấm chỉ. Ban đầu chỉ có 3 dòng họ đến đây cư trú là Trịnh, Nguyễn, Đồng. Nếu dòng họ Trịnh ở đây là hậu duệ của ngài Dương lễ công Trịnh Đỗ, con thứ 3 của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm; thì gia phả họ Đồng cũng có chép chuyện bà Đồng Thị Ngọc (quê ở Nghệ An). Bà là chính phi của Sùng Nghĩa vương Trịnh Kiều. Khi chúa Trịnh băng hà, bà cùng người em trai là Đồng Hữu Tòng về làng Trịnh Điện sinh sống. Từ đó, các đời kế tiếp phát triển và mở mang về số lượng người.
Phần đa diện tích của đất làng Chiềng là dành cho nông nghiệp. Bởi vậy, ở đây, có các xứ đồng: cồn Vả, đồng Quan, cửa Già, cồn cũ, đồng Ngộn trong, đồng Ngộn ngoài, cồn Múc... Những cái tên ấy ngày nay vẫn được bà con sử dụng để chỉ đường đi lối lại trong làng.
Ngoài ra, làng Trịnh Điện còn có một số công trình kiến trúc nổi bật. Phía Nam làng có núi Nga Mi (còn gọi là núi Chè) do đây là khu vực được người dân trồng chè diện tích lớn. Chè ở trên núi hợp thổ nhưỡng nên lá giòn, ngon và thơm. Bên cạnh đó, trong làng từng tồn tại một số quần thể các công trình văn hóa như: đền thờ thần Độc Cước, khu lăng mộ của Dương lễ công Trịnh Đỗ, khu lăng mộ của chúa Trịnh Doanh, chùa Nga Mi... Theo thời gian, các công trình này đã bị phá hủy và hư hại nhiều.
Để minh chứng cho điều này, ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hải giới thiệu cho chúng tôi một số tài liệu khẳng định: Kể từ khi trở thành trung tâm quân sự, hành chính triều Lê - Trịnh cho tới năm 1945, làng Trịnh Điện đã có nhiều công trình kiến trúc nổi bật, bao gồm: đình, văn chỉ, chùa, phủ, đền, nghè và 7 nhà thờ họ. Trong đó, phải nhắc tới nhà thờ họ Trịnh được xây dựng năm Ất Dậu 1865, thờ cụ khởi tổ Trịnh Phúc Chân, người được nhà vua giao cho việc chiêu dân, lập ấp. Ông Trịnh Văn Thảo, trưởng thôn cho biết: Ngôi nhà thờ là dấu ấn thiêng liêng, có kiến trúc cổ kính, hiếm hoi còn được giữ lại. Việc gìn giữ một công trình tâm linh, kiến trúc cổ, để con cháu đi về chiêm bái, thắp hương tổ tiên là nỗ lực đáng trân trọng.
Bên cạnh đó còn có đình làng Trịnh Điện thờ bà Hoàng Thị Ngọc Dốc - thân mẫu của Trịnh Kiểm. Đình làng đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Ngoài ra, cũng trên đất làng, đền Chân Tiên thờ Phù Đổng thiên vương linh thiêng và kỳ bí. Truyền thuyết ở làng Chiềng kể rằng: "Sau khi vươn vai đứng dậy trở thành dũng sĩ, chàng Gióng đã xông pha ra trận, ngựa phi đến đâu giặc bị diệt đến đó. Lưỡi gươm của Thánh Gióng vung lên như ánh chớp, ngựa sắt phun lửa đỏ rực thiêu rụi kẻ thù... Nơi ngựa sắt phun lửa về sau người ta gọi là làng Cháy (có ở các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành; nơi vết chân ngựa phi qua là hệ thống ao hồ dày đặc ở các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh An (Vĩnh Lộc). Rồi cả loại tre đằng ngà có màu vàng óng đặc trưng còn lưu giữ cũng là dấu vết do ngựa sắt phun lửa mà thành”... Người dân làng Chiềng tin rằng, sau khi đánh tan giặc xâm lược, từ đồi Sóc Sơn bên kia sông, vị thần nhà trời đã cưỡi ngựa sắt bay sang bên này sông Mã (xã Định Hải), ở núi Chân Tiên. Người và ngựa cùng lên đỉnh núi bay về trời, để lại dưới núi Chân Tiên dấu vết “4 bàn chân ngựa, 2 bàn chân người in xuống nền đá khối” đến ngày nay.
Câu chuyện này cũng đã được sách Đại Nam nhất thống chí, chép: Đền Đổng Thiên Vương thần ở làng Chiềng, nay là Trịnh Điện, xã Định Hải (Yên Định). Đền được xây dựng bên bờ sông Mã, đối diện di tích đồi Sóc bên kia sông...
Gắn liền với di tích đền Chân Tiên và đình làng Trịnh Điện là hệ thống các nghi lễ, lễ hội tâm linh độc đáo. Hàng năm, vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch), các làng trong vùng (hai bên bờ sông) tập trung “góp lễ” dâng lên thần. Độc đáo hơn cả là lễ hội cầu vũ diễn ra vào ngày 9 tháng 3 (âm lịch). Ngày này, người dân các làng trong vùng lại nô nức nối chân nhau về đền Chân Tiên dâng hương, rước kiệu, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau lễ cầu vũ, mưa thường xuất hiện, được người dân địa phương xem như sự linh ứng của vị thần nhà trời. Nối tiếp lễ hội cầu vũ, lễ hội kỳ phúc (10 tháng 3, âm lịch) là lời gửi gắm, cầu mong phù trợ của Nhân dân đến đấng thần linh.
Làng Trịnh Điện xưa kia cũng là nơi tổ chức kỳ thi hương, thi hội cho cả nước. Sách sử thời Lê - Trịnh có ghi lại: Một danh nhân thời bấy giờ là Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan đã từng thi hương, thi hội ở trường thi Đa Lộc - Trịnh Điện. Nơi từng tổ chức thi bây giờ là ngõ Hội - làng Trịnh Điện, ngõ cuối làng có các hàng quán phục vụ cho kỳ thi nay gọi là ngõ Hàng.
Ở làng có 2 danh nhân đỗ đạt cao dưới thời Lê - Trịnh, đó là ông Trịnh Vĩnh Đồng đỗ ông nghè, được vua ban thưởng 5 mẫu đất và một ông đỗ Hương cống (cử nhân).
“Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, nhiều công trình, nhiều nét sinh hoạt văn hóa đã biến mất hoặc mai một. Tuy nhiên, nối tiếp truyền thống, chỉ tính riêng trong dòng họ Trịnh, ngày nay, không ít người đã đỗ tiến sĩ, thạc sĩ... trong đó có ông Trịnh Tự, nhiều năm là trưởng ban liên lạc họ Trịnh ở Hà Nội; ông Trịnh Xuân Tiến - tác giả của nhiều cuốn sách quan trọng về nhà Trịnh như: Chúa Trịnh qua những áng thơ văn, Chàng trai làng Sóc...”, ông Trịnh Văn Thể, năm nay đã 93 tuổi và có 60 năm tuổi Đảng tự hào nói với chúng tôi.
Thôn Trịnh Điện hôm nay đang hào hứng XDNTM kiểu mẫu, nhưng vẫn giữ lại những cái tên ngõ Sỹ, ngõ Trên, ngõ Hội đã gắn liền từ thuở sinh cơ lập nghiệp của tiền nhân. Trong sự phát triển của thôn, làng, các nét đẹp truyền thống không chỉ là giá trị hữu hình mà còn là động lực để mỗi người dân phấn đấu. “Tự hào với tên làng Trịnh Điện, năm nay tôi 100 tuổi và đang chờ nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Được sống, chứng kiến sự phát triển về kinh tế văn hóa, đó là hạnh phúc của mọi người dân, trong đó có tôi”, ông Đồng Hữu Tuất cho biết.
(Bài viết có sử dụng tư liệu sách Lịch sử truyền thống cách mạng xã Định Hải (1948-2013), NXB Văn hóa Thông tin).
Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét