30 thg 1, 2024

Chợ phiên rực rỡ sắc màu ở vùng biên Y Tý

Chợ phiên của của các dân tộc Hà Nhì, Mông, Giáy tại xã vùng biên giới huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, rực rỡ sắc màu của các trang phục thổ cẩm truyền thống, nông sản và các món ẩm thực dân dã trong vùng.


Y Tý là xã nằm giáp biên giới Trung Quốc của huyện Bát Xát, cách trung tâm TP Lào Cai khoảng 70 km. Nằm ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, Y Tý nổi tiếng trong mắt du khách với "đặc sản" là những biển mây trắng, dày.

Cũng giống như các xã vùng cao khác, người dân Y Tý họp chợ phiên mỗi tuần một lần vào thứ bảy ở trung tâm xã. Chợ phiên Y Tý là nơi tụ họp của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bát Xát, trong đó dân tộc Hà Nhì chiếm đa số, sau đó là dân tộc Mông, Giáy.


Để đến họp chợ, nhiều nhiều người dân ở xa phải gùi hàng trên lưng, xuất phát từ 2 - 3h sáng dưới trời mưa rét, đi bộ một quãng đường dài qua rừng, lội suối mới đến nơi. Vào mùa lạnh, chợ họp muộn hơn mùa hè và bắt đầu đông đúc vào khoảng 7 - 8h, anh Bạch Hải Hoàng, chủ một homestay trong vùng chia sẻ.


Nguyễn Trần Hiếu, 28 tuổi, TP HCM, đến chợ phiên Y Tý trong chuyến đi phượt Tây Bắc từ ngày 17/1. Với anh, chợ phiên Y Tý không lớn như tại Mèo Vạc, Hà Giang, song có những nét hấp dẫn riêng. Vào cuối năm, người dân đến mua sắm, chuẩn bị cho năm mới, "không khí nhộn nhịp, người bán người mua đều tươi cười, phấn khởi".

Chợ chia làm 4 khu vực bán 4 mặt hàng chính: trang phục truyền thống, ẩm thực, nông sản ở ngoài trời và quần áo ấm, trang phục thường ngày ở trong nhà.


Những chiếc váy, áo, khăn thổ cẩm thủ công rực rỡ được bày trong khu chợ chính là điểm gây ấn tượng với du khách. Trang phục truyền thống không chỉ thể hiện tay nghề khéo léo, tỉ mỉ của người dân mà còn cho thấy sự đa văn hóa các dân tộc.

Anh Hiếu đã mua hai chiếc khăn của người Dao làm kỷ niệm với giá 25.000 đồng một chiếc.


Đi một vòng phiên chợ, du khách có thể thấy được sự đa dạng và khác biệt trong văn hóa của mỗi dân tộc.

Trang phục của người Hà Nhì (ảnh) thường dễ nhận ra với tông màu xanh, đen hay màu chàm, trong khi trang phục của người Mông bắt mắt hơn với những màu sắc nổi bật. Trang sức của người Mông cũng nhiều chi tiết hơn, còn người Dao chủ yếu sử dụng vòng bạc có chạm khắc họa tiết trên bề mặt.


Nơi nổi bật nhất phiên chợ là gian hàng bán vải, quần áo, các phụ kiện, vật dụng truyền thống của đồng bào các dân tộc Hà Nhì, Mông, Giáy tại huyện Bát Xát. Khu vực này thu hút phụ nữ đến mua sắm làm đẹp.


Người dân mang đến chợ bán các nông sản tự nuôi trồng như gà, lợn bản; các loại rau, củ, quả; gia vị nấu ăn; nông cụ; một số loại thảo dược như giảo cổ lam, sâm đất Hoàng Sin Cô.

Nhưng đặc sản của chợ phiên Y Tý phải kể đến những loại rau rừng được người dân hái và mang xuống chợ như đương quy, rau pạ phì, rau dớn và thảo quả tươi.


Bánh rán (ảnh), bánh hoa, thạch phổ biến tại chợ và bán rất chạy. Bánh rán có giá 2.000 đồng một chiếc, còn bún, phở giá 30.000 đồng một bát đầy đặn, đủ cả rau và thịt, anh Hiếu cho biết.


Nằm ở xa trung tâm TP Lào Cai, không nhiều khách du lịch tìm đến chợ phiên Y Tý, đặc biệt khi hiện trời rét và nhiều sương mù, đường đi lầy lội. Mùa cao điểm của du lịch Y Tý rơi vào tháng 9 mùa lúa chín, tháng 10, tháng 11 mùa săn mây và sau Tết, anh Hoàng cho biết thêm.

Ngược lại, anh Hiếu thấy thú vị khi đến chợ phiên Y Tý vào mùa đông. Ngoài tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân qua phiên chợ, du khách có thể cảm nhận được sự khó khăn, vất vả mưu sinh của đồng bào vùng cao nơi đây.


Ngoài mục đích đến mua bán hàng hóa, chợ phiên Y Tý còn là nơi người dân đến giao lưu, thăm thân, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất.


Chợ phiên đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, ăn sâu vào cuộc sống của người dân Y Tý. Trẻ em vùng cao thường theo chân cha mẹ, ông bà đến phiên chợ từ bé.

Quỳnh Mai - Ảnh: Nguyễn Trần Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét