8 thg 1, 2024

Công quả Cao Đài


Có một điều khá lạ với du khách từ phương xa đến viếng thăm Toà thánh Cao Đài, là các công trình bên trong lúc nào cũng như mới. Từ ngôi Khách đình, nơi tiễn đưa người quá cố xây từ năm 1927, hay ngôi Đền thánh, được khởi công từ năm 1933, đến năm 1947 mới hoàn thành. Vậy mà sau bảy tám mươi, hoặc gần cả trăm năm, ngôi nào cũng óng ánh màu ngói đỏ tươi, tường, cột, vách sáng trưng những màu sơn tươi mới.

Người Tây Ninh thì chẳng lạ gì, bởi đã biết Toà thánh có một đội ngũ làm công không lương luôn có mặt. Là những người làm công quả, tức là ăn cơm nhà, tự nguyện vào làm mọi việc không công cho Toà thánh. Dân gian gọi họ là “công quả Cao Đài". Họ có mặt mọi lúc mọi nơi, làm ngay những việc cần thiết để Toà thánh luôn được chỉnh trang sạch đẹp.

Xây lại tường bao

Đấy! Như cuối tháng 11, có chiếc xe con gây tai nạn, tông sập một đoạn tường bao gần cửa số 12. Chỉ vài ngày sau, tường được xây lại ngay. Và sau 2 tuần, dấu vết về tai nạn ấy đã hoàn toàn biến mất.

Đang là tháng 12, một năm mới gần kề, nên các “công quả” cũng tất bật cho bao công trình trong nội ô Toà thánh. Ngay từ tháng 8, các công trình lớn như cổng Chính môn được trùng tu. Từ tháng 11, đã thấy họ nắn nót sơn vẽ lại từng đường nét ở pho tượng Thái tử Tất Đạt Đa cưỡi ngựa và các ngôi bửu tháp. Hai ngôi khán đài trên sân Đại Đồng xã cũng bắt đầu được trùng tu. Hàng chục thợ xây tất bật bên các công trình xây dựng. Trên những con đường nội ô, dưới trải thảm bê tông nhựa gắn 10 năm trước cũng được chăm chút mỗi ngày.


Sơn sửa các công trình trên sân Đại Đồng


Phát hiện ra nơi đâu có dấu hiệu sụt lún hay nứt là được khắc phục ngay. Trong khuôn viên Bá Huê viên - vườn hoa kiểng quý cũng vậy, công quả chăm sóc, cắt tỉa mỗi ngày, khiến cây kiểng ở đây luôn tràn ngập sắc độ xanh tươi cùng muôn loài hoa thắm....


Chẳng làm sao mà kể hết công việc của công quả Cao Đài. Có người công quả toàn phần, tận hiến mọi thời gian, công sức cho Hội thánh. Phần đông là những người dành một số thời gian đến làm công quả. Xã hội có bao nhiêu nghề thì đội ngũ người làm công quả trong Toà thánh cũng đủ các nghề nghiệp ấy. Có thợ hồ, thợ chuyên tưới cây xanh hè đường bằng xe bồn, thợ điện chuyên chăm lo ánh sáng hoặc thiết kế điện đèn cho đám rước rồng nhang, các đầu bếp và chuyên gia về món ăn chay.... Thậm chí là cả thợ làm tóc, trang điểm cứ đến rằm tháng 8 lại vào trang điểm cho tượng Đức Diêu Trì và Cửu vị Tiên nương.

Đông nhất và thường gặp nhất là những người chăm lo cho Toà thánh sạch đẹp mỗi ngày. Đấy là những người quét rác, hay chăm sóc cỏ trên sân Đại Đồng. Thường thì họ đạp xe, buộc chổi kèm theo, đến rất sớm có thể là từ 3 giờ sáng; 
hoặc cũng có thể là bất cứ thời gian nào khác trong ngày. Hễ cứ nơi nào có lá rụng hay du khách vô tình vứt rác, là đã có họ để quét dọn sạch ngay. Do vậy mà các con đường nội ô Toà thánh, vào bất cứ thời điểm nào trong năm cũng luôn sạch sẽ.


Xe bồn tưới cây

Chăm sóc hoa kiếng Bá Huê viên

Sửa đường

Người công quả đông vui nhất chính là vào các dịp Đại lễ: Hội yến Diêu Trì cung rằm tháng 8 hay Vía Đức chí tôn mùng 9 tháng Giêng. Suốt cả tuần trước và sau lễ, có hàng trăm công quả tập trung tại bếp Trai đường, mỗi ngày phục vụ hàng ngàn suất ăn chay miễn phí. Ai cũng lao động hết mình, mà trên mặt luôn tươi cười rạng rỡ. Có lẽ chính các công quả Cao Đài đã làm cho Toà thánh trở thành điểm du lịch không thể không đến, trong mọi tour, tuyến đưa du khách về với Tây Ninh.


Bài, ảnh: NGUYỄN QUỐC VIỆT - Thiết kế: TƯỜNG VI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét