27 thg 1, 2024

Nghề “làm hàng” thuở trước

Quảng Ngãi xưa nổi tiếng là xứ sở mía đường. Để nấu được đường thì đầu tiên phải ép mía lấy nước. Để ép mía người xưa dùng bộ che ba trục tròn có răng truyền động (ba ông che), hay là một “cỗ máy” mang đậm tính chất tiền công nghiệp. Không có che mía thì không thể ép mía nấu đường và không thể có xứ sở mía đường.

Một thứ công nghệ thiết yếu như vậy, nhưng các sách vở ghi về nghề mía đường trước nay chỉ chăm chăm mô tả bộ che, không đả động gì chuyện ai đã làm che, làm như thế nào. Bây giờ tìm ra thợ làm che thì không thể. Tôi đi đến những làng quê giàu truyền thống làm mía đường, gặp những người thợ nấu đường lớn tuổi để hỏi việc làm che.

Ba ông che.

Thật bất ngờ khi biết rằng, dù cùng làm nghề gỗ, nhưng làm che là một nghề riêng, không phải thợ mộc làm tủ bàn hay dựng nhà có thể làm được. Người chuyên làm che gọi là “ông làm hàng”. Sao lại gọi “làm hàng”? Là vì ba ông che đứng sắp thành hàng, có nơi người ta gọi là “tiện ông hàng”. Kết cấu che không quá phức tạp, gồm ba ông che là 3 súc gỗ tròn đứng liên tiếp nhau, bên ngoài có khung chữ nhật giằng giữ, tại mỗi ông che, thì phần trên có hai hàng răng để truyền lực quay, phần dưới nhỏ hơn chừa khe để đưa mía vào ép. Từ che trống ở giữa có cổ cao để bắc “ách cái” - là một cây gỗ chắc ra bên ngoài, mắc ách vào vai con trâu (hoặc bò) để đẩy quay che xoay tròn.

Phác họa bộ che đầy đủ.

Làm một bộ che như vậy là dễ hay khó? Xin thưa: Khó từ ngay khâu nguyên liệu gỗ. Theo những người trực tiếp nấu đường, thì che mía rất “kén” gỗ, nói cụ thể là gỗ phải dẻo dai, cứng chắc để chịu được lực quay rất nặng, đảm bảo không bị sứt răng, không nứt mình che. Người ta có thể dùng gỗ ké, gỗ cam xe để làm che, nhưng cũng chưa thật sự chắc chắn, chỉ có gỗ xoay là tối ưu nhất. Tỉnh Quảng Ngãi xưa rừng đại ngàn vây phủ khắp nơi, cũng có gỗ xoay, nhưng ít, nhất là ngay cả việc dùng gỗ xoay cũng chỉ dùng được phần lõi của nó. Khi tìm được cây, người ta dùng rìu hạ cây, cưa cắt lấy đoạn dùng được, để khô và vận chuyển xuống núi, thường đưa lên bè theo sông chở về xuôi. Do gỗ xoay không dễ tìm, cũng có trường hợp người ta theo ghe bầu vào tìm gỗ ở tỉnh Bình Thuận chở về.

Các cụ già làng Phước Lộc, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) còn kể rằng, xưa kia do thiếu che ép mía, chủ mía thuê khoảng bảy người mang rìu rựa, dây thừng vào rừng ở tỉnh Khánh Hòa tìm gỗ xoay, tìm được xong lại vận chuyển mất mấy tháng trời mới về tới quê để làm che.

Gỗ làm che đương nhiên phải để khô tuyệt đối, trong bộ che thì khó nhất là tạo ra “ba ông che”. “Ba ông che” phải tương thích nhau về kích cỡ, khớp nhau về các hàng răng (bông). Các bộ che có kích cỡ to nhỏ có khác nhau, có khi là “6 tay”, có khi là “8 tay”, “10 tay”, bộ “6 tay” thì nhỏ quá, ép mía chậm, bộ “10 tay” thì to quá, bộ “8 tay” được xem là vừa, phổ dụng nhất. Sau khi có gỗ xoay, “ông làm hàng” trước tiên tính toán sự tương thích của ba súc gỗ, rồi vo tròn ba súc gỗ, phần trên với “bông” (hai hàng răng) to hơn, phần dưới (mình bể) nhỏ hơn.

Không có máy móc, người ta đào một cái hố nhỏ hình chữ nhật, dựng giàn bên trên, đưa súc gỗ gắn trục, nằm lửng trên giàn, rồi một người tỳ vào giàn dùng chân đạp cho quay súc gỗ, một người ngồi tỳ giữ công cụ tiện gỗ, cứ thế, người ta vo tròn từ phần làm “bông” đến phần “mình bể”, rồi đến “cổ che” (trục quay). Sau khi vo tròn xong, người ta vần súc gỗ đến nơi đục đẽo làm “bông”, theo kích cỡ đã vẽ trên súc gỗ. Có ba ông che rồi thì bộ khung ngoài tương đối đơn giản, miễn sao có gỗ cứng và tương thích với ba ông che. Bên trên là miếng gỗ dày (gọi là cái khẩu) có đục ba lỗ tròn để đưa “cổ che” vào, bên dưới (gọi là cái bồn) thì có đục mương để dẫn nước mía chảy khi ép, hai “trụ cái” hai bên có chân dài để chôn vào đất, có chốt liên kết với “cái khẩu” (ở trên) và “cái bồn” (ở dưới). Ngoài ra còn phải tạo một số bộ phận khác.

Mỗi bộ che dùng được khoảng 10 - 20 năm thì hỏng, phải sắm mới. Bộ che mới sau vài năm sử dụng thì cứ mỗi mùa ép mía, che mòn, người ta phải nhờ “ông chạy hàng” (chuyên chỉnh sửa che) để chỉnh lại. Theo quan chức Pháp G. Bauman trong tài liệu Cây mía ở Quảng Ngãi (La Canne à Sugre au Quang Ngai - Bulletin Économique l’Indochine, Annee 1942 - Faceicule IV), thì thời điểm 1942 Quảng Ngãi có đến 2.000 lò đường. Mỗi lò đường có một bộ che mía, như vậy phải có đến ít nhất 2.000 bộ che mía. Cũng có nghĩa các “ông làm hàng”, “ông chạy hàng” cũng không ít. Nhưng rồi chiến tranh, thời gian, với sự ra đời của các nhà máy đường công nghiệp, khiến nghề này rơi vào dĩ vãng.

Bài, ảnh: CAO CHƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét