18 thg 1, 2024

Thác có Gành Đá Đĩa úp ngược

Những trụ đá hình lục giác được tạo hóa xếp san sát, chồng lên nhau, hướng xuống đất ở thác Dơi khiến nhiều người liên tưởng đến Gành Đá Đĩa úp ngược.


Nằm ở độ cao 800 m so với mực nước biển, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh có khí hậu ôn đới và được xem như xứ "Đà Lạt của Bình Định". Những năm gần đây, khu vực này thu hút nhiều du khách với những thắng cảnh nổi tiếng như suối Tà Má, vườn hoa anh đào, cẩm tú cầu tại làng K3, theo trang web Cục Du lịch Quốc gia.

Nằm trong khu rừng già cạnh làng Kon Blò, xã Vĩnh Sơn có một con thác độc đáo, ít người biết tên là thác Dơi. Thác Dơi cũng có hàm ếch sau thác giống con thác K50 huyền thoại của Tây Nguyên. Đồng thời, thác Dơi cũng gợi liên tưởng đến khu vực gành Đá Đĩa, một địa danh nổi tiếng của Phú Yên với những những cột đá hình lục giác.


Khánh Chương, sống tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, yêu thích thiên nhiên và thích khám phá những nơi còn hoang sơ, đến thác Dơi vào ngày 11/1 và cho biết đường từ trung tâm xã vào rừng dài gần 3 km, có thể di chuyển bằng xe máy. Tuy nhiên sau đó, anh phải trekking qua một đoạn đường đất nhỏ và dốc để đến chân thác.


Mất hơn hai tiếng để xuyên rừng đến thác Dơi, trước mắt anh Chương là một con thác nhỏ. Thác cao khoảng 30 m và dòng chảy không lớn, "mềm mại như dải lụa trắng nhưng ẩn chứa những bí mật kỳ lạ", anh nói.


Xung quanh vòm thác là các cột đá hình lục giác giống như ở Gành Đá Đĩa, thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Phú Yên. Những cột đá này kích thước tương đồng, xếp thành nhiều tầng hướng thẳng xuống dưới như một sản phẩm được tạo nên từ bàn tay con người.


Những vách đá cạnh thác được cấp ẩm quanh năm, bề mặt mọc nhiều rong rêu và những cây dây leo. Khung cảnh đậm chất ôn đới kết hợp với những tảng đá đen hình lục giác xếp xen kẽ như tổ ong, tạo nên vẻ đẹp độc lạ ít nơi có.


Dòng thác chảy xuống tạo thành một hồ nước. Trên mặt hồ có những thân cây cổ thụ to hơn thân người vắt ngang như cây cầu khá chắc chắn. Du khách có thể leo lên ngồi ngắm cảnh, nghỉ ngơi trước và sau khi tắm thác.


Nước thác trong, sạch và mát. Du khách có thể sử dụng cần câu hoặc lưới để bắt những con cá đang luồn lách trong các khe đá hay dưới lòng hồ.


Là địa điểm tự nhiên, hoang sơ, chưa có dịch vụ du lịch, du khách có thể mang theo lều, trại đếm cắm trại qua đêm và thưởng thức món cá nướng tại chỗ cùng một số loại rau rừng.

Vào ban đêm, nhiệt độ giảm xuống khoảng 15 - 18 độ C, nên mang theo đồ giữ ấm, anh Chương lưu ý.


Thời điểm thích hợp nhất để tham quan thác là sau mùa mưa, khoảng từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Lúc này dòng chảy nhỏ, đảm bảo an toàn cho việc tắm thác và cắm trại. Nhiệt độ dao động 18 - 22 độ C, không khí dịu mát vào buổi trưa và lạnh dần về đêm đến rạng sáng.

Nếu đi gần dịp Tết âm lịch, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng các vườn hoa anh đào Nhật Bản, mai anh đào Đà Lạt, đào Nhật Tân, phượng tím, cẩm tú cầu dọc đường bờ hồ thủy điện Vĩnh Sơn, anh Chương cho biết.


Sau khi trải nghiệm thác Dơi, du khách có thể ghé đến làng Kon Blò ở xã Vĩnh Sơn để trải nghiệm tục uống rượu cần và đốt lửa trại của đồng bào dân tộc Ba Na.


Trên đường đến thác Dơi, du khách có thể ghé tham quan Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử Thành Tà Kơn nằm cách thác khoảng 4 km. Tại đây cũng có những trụ đá hình lục giác xếp chồng lên nhau theo một hàng thẳng đứng, kéo dài hơn trăm mét, dốc theo triền núi tạo thành bức tường thành cao hơn 20 m bằng đá khổng lồ giữa rừng già, anh Chương cho biết.

Thành Tà Kơn đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào ngày 25/12/2013, theo trang web Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Định.


Đường đi bộ xuống thác là những bậc thang đá. Tuy có rào chắn bằng cột gỗ và dây thừng nhưng ẩm ướt, trơn trượt do nằm sâu trong rừng, ít người qua lại, lá cây rụng nhiều. Những ngày mưa, đường đi xuất hiện nhiều vắt. Anh Chương khuyên du khách nên sử dụng các loại giày có đế bám dính, trang phục kín, gọn gàng và mang ít đồ cá nhân để thuận tiện di chuyển.

Quỳnh Mai - Ảnh: X-Athletic

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét