19 thg 12, 2023

Từ bông sậy hoang thành sản phẩm làng chổi

Tháng 9 đến tháng 10 âm lịch, bông sậy nở rộ khắp những bãi đất hoang. Ngày xưa, chúng chỉ là đồ chơi của tụi con nít đánh giặc giả, hoặc vài gia đình bó thành chổi quét nhà. Từ loại cỏ dại, bông sậy trở thành “lộc trời” nuôi sống rất nhiều hộ, hình thành làng nghề sung túc bên dòng sông Hậu ở An Giang.




Chỗ nào có nước, đất ẩm, sậy mọc um tùm thành cả đồng lớn. Từng nhánh bông mềm mại, mát rượi lao xao theo gió, trông cũng đẹp lạ.


Ở huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) có cả làng nghề sống nhờ bó chổi bông sậy. Cái tên “Làng bó chổi bông sậy cồn Nhỏ” tồn tại hàng chục năm nay, dù giờ đây đa số các cơ sở, hộ sản xuất chuyển sang bó bông cỏ.




Cây sậy ít dần trong tự nhiên, mặt khác do làng sản xuất quanh năm, lượng bông sậy khai thác chỉ tập trung vào mùa nước nổi có hạn, nên hầu hết các hộ phải mua nguyên liệu bông cỏ từ các tỉnh, thành phố khác trữ quanh năm.




Mỗi cây chổi trị giá cao nhất chỉ vài chục ngàn, mà nhiều đời nay đã đem lại cuộc sống ấm no cho hàng trăm hộ trong làng nghề cồn Nhỏ. Với lao động thường xuyên, 1 ngày có thể kiếm được 200.000 đồng, thợ giỏi kiếm được 400.000 đồng vào mùa cao điểm phục vụ thị trường Tết.



Không chỉ phân bố rộng khắp các tỉnh ĐBSCL, chổi được làm ra ở làng cồn Nhỏ còn “xuất ngoại” đi nhiều nước. Trong số các cơ sở ở đây, không hiếm để được nghe câu chuyện “đổi đời” của những gia đình từ không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định… nhờ gắn bó theo nghề chổi mà nay có cuộc sống ấm no. Nghề bó chổi hiện nay còn được mở lớp dạy bài bản, giao nguyên liệu tại nhà cho lao động các xã lân cận làm thành phẩm.


Trải qua bao thăng trầm, những làng nghề truyền thống nói chung đan xen đủ chuyện vui buồn vì sự cạnh tranh với sản phẩm hiện đại. Người gắn bó với cây chổi bông cỏ, bông sậy – vật dụng mộc mạc trong nhà vẫn còn mừng vì có thể viết tiếp câu chuyện của mình theo hướng lạc quan, giữ lửa cho làng nghề.

MỸ HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét