29 thg 12, 2023

Chùa Ô Chum vào hội

Chùa Ô Chum Aram Prếk Chếk (hay gọi chùa Ô Chum) tọa lạc ở ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng có lịch sử hơn 200 năm, là cái nôi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư Khmer với trên 30% dân số của địa phương. Những ngày này, mọi người đang cùng nhau đóng ghe Ngo cũng tập luyện để phục vụ Lễ hội đua ghe Ngo truyền thống hằng năm.


Khám phá nghề làm ghe Ngo của đồng bào Khmer

Chiếc ghe Ngo vốn gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt lâu đời của người dân Khmer vùng sông nước, và nghề đóng ghe Ngo vì thế cũng phát triển đi cùng với nhu cầu sử dụng của người dân. Đặc biệt, vào trước dịp lễ Óoc Om Bóc – Lễ Cúng Trăng, một trong những lễ hội lớn nhất của người Khmer trong năm diễn ra vào rằm tháng 10 (Âm lịch), hoạt động sửa chữa và đóng mới những chiếc ghe Ngo lại trở nên nhộn nhịp.

Những người thợ Khmer lành nghề ở địa phương cùng với các sư của chùa Ô Chum tất bật đóng mới chiếc ghe Ngo cho đội đua ghe Ngo nam và nữ của Chùa. Ghe Ngo có hình thù tựa con rắn Naga, mình thon, thoai thoải về phía trước, đầu uốn cong vót nhọn. Ghe có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang dài 1,2m làm băng để vừa đủ 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song để chèo tay.




Chùa Ô Chum đang làm hai chiếc ghe Ngo, mỗi chiếc ghe dài 33 m, có sức chứa hơn 50 người, vì thế việc cẩn thận trong từng công đoạn lựa chọn gỗ làm ghe, kết các mối nối, chống thấm, tính thẩm mĩ… đều đòi hỏi tay nghề và sự tập trung cao độ của người thợ. Tiếng đục đẽo, cưa, búa, tiếng máy khoan, tiếng người chỉ dẫn nhau nhộn nhịp trước sân Chùa. Đại đức Sơn Phước Lợi, trụ trì chùa Ô Chum cho biết, hiện nay Chùa đã hoàn thành xong chiếc ghe Ngo cho đội tuyển nam, ghe của đội tuyển nữ đang trong quá trình hoàn thành, mọi người đang gấp rút thi công để kịp cho cá đội tuyển tập luyện và tham gia giải đua ghe Ngo truyền thống hằng năm của tỉnh nhân dịp Lễ Óoc Om Bóc.

Người Khmer tin rằng, ghe Ngo là vật thiêng, nên trước khi đưa ghe Ngo mới vào tập luyện và thi đấu, phải làm lễ hạ thuỷ để kêu gọi thần linh trợ giúp đội ghe thắng lợi, buổi lễ có sự tham gia của các sư, các vận động viên trong đội tuyển cùng người dân trong phum sóc.

Hoa văn trang trí đặc trưng trên thân ngoài của ghe Ngo, thường là các biểu tượng và màu sắc rực rỡ, tượng trưng cho sức mạnh, bơi được nhanh, giành chiến thắng.

Tích cực luyện tập cho Lễ hội Óoc Om Bóc

Quang cảnh chùa Ô Chum Aram Prếk Chếk (hay gọi chùa Ô Chum) tọa lạc ở ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng nhìn từ trên cao.

Được biết, chùa Ô Chum là một đơn vị có truyền thống và thành tích trong bộ môn đùa ghe Ngo ở địa phương. Chùa có cả hai đội tuyển, đội ghe Ngo nam được thành lập từ năm 2005, đội nữ vào năm 2017, cả hai đều đều tham gia vào phong trào đua ghe ngo truyền thống hằng năm của Sóc Trăng, cũng như tham gia vào một số giải đua ở các địa phương lân cận tổ chức.

Một điều đặc biệt, đội tuyển đua ghe Ngo nữ chùa Ô Chum đang là đương kim vô địch giải đua ghe Ngo mở rộng tỉnh Sóc Trăng năm 2023, vì thế các vận động viên nữ đang rất tích cực luyện tập, quyết tâm giữ vững danh hiệu đang có. Cứ tầm 14h chiều, các nữ VĐV sẽ tập hợp lại luyện tập tại mé sông phía trước chùa Ô Chum, họ tập luyện với mô hình ghe Ngo trước khi tập đua ghe Ngo thực sự khi đã nhuần nhuyễn. Hình ảnh các cô gái Khmer đội nón lá hăng say luyện tập bất kể nắng mưa, khua đều mái chéo tung bọt nước, làm khuấy động cả một khúc sông đã nhận được rất nhiều tình cảm, sự ủng hộ, động viên và khích lệ của bà con trong vùng.




Đội tuyển nam sẽ tập luyện sau đó lúc 17h, trước đó, họ sẽ có phần khởi động nặng với tạ và các bài tập thể lực ở sân Chùa. Ngoài giờ lao động, làm việc thì họ sẽ cố gắng dành thời gian luyện tập, vì niềm vui và niềm tự hào được đóng góp một phần công sức vào phong trào thể thao của địa phương.

Đội đua ghe Ngo nữ chùa Ô Chum hiện đang là đương kim vô địch nữ tại giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng.

Chùa Ô Chum có tuổi đời 2 thế kỷ, vừa được xây mới và khánh thành ngôi chánh điện vào đầu năm 2023, hiện tại chùa đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phụ, sân chùa, tường rào; các cơ sở hạ tầng khác như đường sá, cầu, kênh ở địa phương ngày một khang trang, vững chắc, đã góp phần vào sự thay đổi bộ mặt nông thôn mới của địa phương.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét