13 thg 12, 2023

Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên

Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên không hẳn là một điểm tham quan thu hút khách du lịch khi đến Long Xuyên nhưng là một kiến trúc đẹp, lạ dễ thu hút sự chú ý và dễ nhìn thấy từ nhiều địa điểm ở trung tâm thành phố Long Xuyên. Chính vì vậy nên dù bạn không phải tín đồ công giáo, cũng không chủ định chọn nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên là một điểm đến trong chuyến du lịch của mình, bạn vẫn có thể tình cờ đi ngang nhà thờ chánh tòa và muốn dừng lại chụp tấm hình lưu niệm, như tui vậy.

Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên. Ảnh chụp năm 2001

Ngồi xe lôi du ngoạn trước nhà thờ chánh tòa. Ảnh chụp năm 2001, bây giờ Long Xuyên không còn xe lôi nữa.

Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên khánh thành ngày 15/8/1973, đến nay (2023) vừa tròn 50 năm. Nhân dịp này giáo phận Long Xuyên ấn hành tập sách kỷ niệm 50 cung hiến Nhà thờ Chánh tòa.


Trong bài này tui xin trích một phần từ tập sách trên nói về lịch sử hình thành nhà thờ và kiến trúc nhà thờ để giới thiệu cùng mọi người.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
NHÀ THỜ CHÁNH TÒA LONG XUYÊN


1958 - KHỞI CÔNG XÂY CẤT

Năm 1958, khi Long Xuyên còn thuộc Giáo phận Cần Thơ, cha sở Piô Nguyễn Hữu Mỹ đã khởi công xây cất nhà thờ này, để thay thế nhà thờ cũ, quá bé nhỏ. Ngài đã vận dụng mọi cách để có tiền, như quyên góp, ký sổ vàng, mở tombola, vv.. tuy nhiên chỉ xây được một cái nền, rồi phải đình chỉ.


1960 - THIẾT LẬP HÀNG GIÁO PHẨM

Nhà thờ cũ họ Long Xuyên không được Toà Thánh coi nhận là nhà thờ Chánh toà, cho nên trong sắc lệnh “Venerabilium nostrorum” đề ngày 24 tháng 11 năm 1960, thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, khi nói đến Long Xuyên, thì có câu: “Với Nhà Thờ Chánh Toà sắp được xây dựng”. Nhà Thờ Chánh Toà là nơi Đức Giám mục đặt toà của Ngài (cathédra), tượng trưng cho quyền hành cai trị và là nguyên tắc hợp nhất dân Chúa.

1962 - 1963 - 
CỔ ĐỘNG QUYÊN GÓP

Năm 1962-1963, Cha sở và Toà Giám mục lại bắt đầu cổ động quyên góp nơi giáo dân và xin Toà Thánh viện trợ cũng như ân nhân ngoại quốc giúp đỡ, để có thể tiếp tục và hoàn thành ngôi Nhà Thờ Chánh Toà. Việc quyên góp không được bao nhiêu, tính tổng cộng chừng 6 triệu rưỡi. Toà Thánh cho được 3 triệu rưỡi. May mắn là những năm đi họp Công đồng Vatican II (1962-1965). Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ có dịp tiếp xúc với nhiều nơi và đã xin được đủ tiền xây nhà thờ này, mà kinh phí tổng quát là 30 triệu.

1965 - VIỆC XÂY DỰNG BỊ GIÁN ĐOẠN

Vì trong thời chiến tranh, kiến trúc sư ở Sài Gòn không mấy khi lui tới được, vì thiếu an ninh dọc đường, vì trăm lý do khác nữa. Cho nên công việc cũng không được như ý nguyện. Khi làm việc gì ai cũng muốn cho chóng xong. Việc xây cất Nhà Thờ Chánh Toà Long Xuyên cũng chỉ mong mỏi chóng đến ngày cung hiến cho Thiên Chúa, dưới tước hiệu Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Hoà Bình. Nhưng trong thời chiến tranh đã gặp biết bao trở ngại.

1973 - KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ

Với sự cầu nguyện, hy sinh và công lao vất vả của bao nhiêu người, Nhà Thờ Chánh Tòa đã được hoàn thành. Nhà thờ dài 60 m, rộng 18 m (ở tay thánh giá 26 m), cao 20 m, với cây tháp 55 m.

Vì trong thời chiến tranh, lễ khánh thành đã được tổ chức đơn giản, vào dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngày 15.8.1973, với sự hiện diện của 5 vị Giám mục và vô số giáo hữu của Giáo phận đã tuôn về Long Xuyên mừng lễ và nhân tiện lãnh ơn toàn xá của năm thánh.


1975 - HÒA BÌNH ĐÃ ĐẾN

Gần 2 năm sau lễ khánh thành, cụ thể là ngày 30/4/1975, chiến tranh chấm dứt, đất nước được hoà bình và thống nhất. Hơn thế nữa! Đức Mẹ còn ban cho Giáo phận Long Xuyên một Đức Giám mục phó (Gioan Baotixita Bùi Tuần), để giúp Đức Cha Micae coi sóc Giáo phận, với quyền kế vị ngài.

Giáo phận Long xuyên tiếp tục cầu nguyện và hy sinh cho hoà bình, với niềm cậy trông chắc chắn, vì biết Đức Mẹ luôn cầu bầu cho Giáo phận.

2022 - NHÀ THỜ CHÁNH TÒA NGÀY NAY

Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên hiện nay tọa lạc tại số 9 đường Nguyễn Huệ, Phường Mỹ Long, Thành phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang.

Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên tiếp giáp với 3 con đường chính của phường Mỹ Long. Phía trước là đường Nguyễn Huệ rộng rãi với công viên và cũng là phố đi bộ. Bên cạnh là đường Trần Hưng Đạo luôn nhộn nhịp với đủ loại phương tiện lưu thông và đây cũng là con đường huyết mạch đi qua thành phố Long Xuyên. Bên cạnh Nhà Thờ Chánh Tòa là Trung Tâm Mục Vụ - Tiền Chủng Viện Têrêsa - Tòa Giám Mục.

Ngày thường nhà thờ có 02 thánh lễ sáng lúc 4h30' và tối lúc 18h00', Chúa Nhật có 04 thánh lễ: sáng: 5h00' và 7h30' chiều tối: 16h00' và 18h00'.

Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên ngày nay rất đẹp, là điểm nhấn của thành phố với tháp chuông cao vút giữa trời xanh.

Ý NGHĨA KIẾN TRÚC
NHÀ THỜ CHÁNH TÒA LONG XUYÊN

1. Tháp chuông


Nhà thờ là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người. Nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên được xem như “nhà thờ mẹ” của mọi nhà thờ, nhà nguyện trong Giáo phận. Hình thức của nhà thờ thể hiện được ý nghĩa của hoàn cảnh thời chiến, đó là cầu nguyện và hy sinh để mong sớm được hòa bình. Ý niệm đó đã được kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc chuyển tải qua biểu tượng tháp chuông và thánh giá. Tháp cao 55 m với hình dáng hai cánh tay vươn lên, hai bàn tay chắp lại, ôm lấy cây thập giá như muốn nhắn nhủ mọi tín hữu trong Giáo phận, hãy siêng năng cầu nguyện và chuyên cần hy sinh, để xin Chúa ban hòa bình cho dân Việt.

2. Thánh giá và tượng Chúa Giêsu chịu nạn


Thập giá được lặp lại nhiều lần ở các cột hàng hiên và ở trong khung các cửa sổ.

Trên cao gian cung thánh nhà thờ, còn có thánh giá lớn với tượng Chúa chịu đóng đinh cao 8m.

Tượng chịu nạn biểu lộ việc Chúa Kitô bị đóng đinh và mô tả cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta. Người chỉ dâng hiến lễ một lần, thay cho tất cả, và hoàn tất vĩnh viễn. Đúng hơn, Chúa Giêsu đã một lần chết cho chúng ta, một hiến lễ hoàn hảo và trọn vẹn được hiện tại hoá cho chúng ta. Việc sử dụng Tượng Chúa chịu nạn nhắc nhớ chúng ta về điều này.

Dấu chỉ và biểu tượng tình yêu qua thập giá hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta thắp sáng lên cho đời bằng ngọn lửa tình yêu từ cây thập giá.

3. Trái đất


Dưới chân thánh giá Chúa, là trái đất tượng trưng cho nhân loại nói chung và cho giáo dân Long Xuyên nói riêng, mà hằng ngày các vị chủ chăn của Giáo phận vẫn hằng luôn cầu nguyện, dâng mọi tín hữu lên Chúa, với ước mong Người sẽ luôn che chở, giữ gìn và đổ tràn ơn cứu chuộc xuống trên các tín hữu cùng toàn thể nhân loại.

4. Các ô kính màu


Khi mới xây dựng, chung quanh Thánh giá có các ô kính cửa sổ màu xanh tím biểu hiện cho sự buồn sầu. Nhưng Chúa đã sống lại hiển vinh, trở nên nguồn hy vọng và phục sinh cho con người, thế nên các ô kính khác được trang trí bằng màu vàng vương giả, át đi màu tím để thể hiện rằng: Chúa chịu chết nhưng đã phục sinh và hiển trị.

5. Tượng Đức Mẹ Nữ vương Hòa Bình


Tượng Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình cao 8 m, đặt ở tháp chuông, trên cửa chính nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên là tượng họa theo hình ảnh Đức Mẹ hiện ra ở Pontmain ngày 17/1/1871.

Nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên được dâng cho Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình, theo như mệnh lệnh Người đã phán bảo khi hiện ra ở Pontmain, nước Pháp, tối ngày 17/1/1871: “Các con hãy cầu nguyện, Chúa sắp nhận lời, Con Mẹ động lòng thương.”

Phạm Hoài Nhân
Sưu tầm & tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét