6 thg 12, 2023

Rực rỡ Kiến An Cung

Kiến An Cung (còn có tên gọi khác là chùa Ông Quách) là ngôi chùa có tuổi đời trăm năm, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp). Đây là một trong những điểm du lịch, tham quan nổi tiếng ở thành phố này. Ngôi chùa vừa cổ kính vừa ghi dấu án kiến trúc tiêu biểu của văn hoá Trung Hoa đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1990.

Kiến An Cung (còn có tên chùa Ông Quách) có niên đại gần trăm năm tuổi tọa lạc ngay trung tâm thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp với kiến trúc cổ kính đậm dấu ấn Trung Hoa.

Theo tìm hiểu, Kiến An Cung do một nhóm nguời Hoa ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) di dân và định cư tại Sa Đéc xây dựng nên vào năm 1927 để thờ cúng tổ tiên và cũng là để liên kết cộng đồng người Hoa trong vùng. Chùa có hướng nhìn thẳng rạch Cái Sơn, được xây theo kiểu chữ “Công” uy nghi, bề thế. Mặt tiền của chùa được thiết kế hài hòa với ba gian chính, mái ngói âm dương được lợp theo kiểu dợn sóng rồng trải nền cho ba ngọn sóng cong vút lên cao mà sáu đầu ngọn sóng ấy là sáu cung điện nguy nga được tạo hình thu nhỏ, được xem là biểu trưng cho tinh thần vượt khó và thành đạt.







Nét độc đáo của ngôi chùa là lối kiến trúc vừa bề thế, lộng lẫy với những tông màu rực rỡ trang trí bên trong, và trang trọng với những gian thờ được phân chia rõ ràng, vừa mang nét cổ kinh với tường gạch mái ngói đã nhuốm màu của thời gian. Trên nóc mái chùa có đặt bốn tháp nhỏ nằm ngang, trong tháp đó có tượng các vị tiên, phật, thánh thần, giữa nóc mái có hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên lối vô cửa chính có hai con kỳ lân bằng đá xanh to lớn, hai bên tả hữu có hình vẽ hai ông thần (ông Thiện – Ác) đứng giữ cửa. Bên trong chánh điện là thiên tỉnh (giếng trời), là nơi lấy ánh sáng và thông gió giúp chùa lúc nào cũng sáng sủa và thoáng mát. Đặc biệt, cái hay của thiên tỉnh là giúp chùa giải bớt khói nhang mù mịt một cách nhanh chóng trong những ngày lễ lớn, khi khách thập phương viếng chùa đông. Trong chùa có những hàng cột lớn đen bóng đồ sộ, có rất nhiều hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng, liễn, chấn… tất cả được chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng rực rỡ. Trên vách tường có rất nhiều những bức tranh theo lối thủy mạc, những hình ảnh về truyện xưa tích cũ mang ý nghĩa giáo dục, mang ẩn ý sâu xa.





Ngay giữa chánh điện là bàn thờ ông Quách (tức Quảng Trạch Tôn Vương), được người Hoa tôn sùng như một vị thánh với những điển tích về công đức của ông đóng góp cho người dân và đất nước Trung Hoa. Phía trước thì có thờ tượng Quan Thánh Đế Quân, có sắp hai hàng binh khí sáng ngời, hai bên trái - phải cạnh có khu vực gọi là Đông lang và Tây lang để làm nơi tiếp khách khi có người đến cúng bái. Hằng năm, chùa có hai lễ tế: Ngày 22 tháng 02 (âm lịch) là ngày sinh của ông Quách và ngày 22 tháng 08 (âm lịch) là ngày ông thành đạo; chùa có thiết lễ cúng tế rất trang nghiêm, đông đảo người đến dự và cầu nguyện.

Với vị trí rất gần nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, vườn Hoa Sa Đéc hay những di tích cổ kính khác như chùa Bà Thiên Hậu, chùa Hương thù Kiến An Cung đã góp phần vẽ nên một bức tranh về một thành phố Sa Đéc hiền hòa, cổ kính nằm bên dòng sông Tiền thơ mộng, cũng là một địa chỉ du lịch mà hầu như du khách gần xa đều muốn đến tham quan, chiêm bái mỗi khi đến thăm Sa Đéc.

Du khách nước ngoài đến viếng thăm Kiến An Cung.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét