1 thg 10, 2022

Một ngày về đồng muối

Bạn đã bao giờ tò mò, rằng hạt muối mình nêm canh, ướp thịt, xát cá… mỗi ngày đến từ đâu? Từ biển khơi mênh mang kia, hay từ trên những cánh đồng mặn mòi cơ cực? Một ngày về đồng muối, để thấu hiểu đời muối với bao nỗi nhọc nhằn, thêm trân quý hơn những hạt lân tinh lấp loá mồ hôi và nước mắt, thêm mến thương những con người phơi lưng trong nắng để đổi lấy màu trắng tinh khôi…

Cánh đồng muối thôn Đức Long (xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu). Ảnh: Phước Anh

Nghề truyền đời

“Dự báo trời chiều ni có giông đó!” - ông Phạm Minh Tuân cất tiếng sang sảng thay cho lời chào. 4h sáng, gần như già trẻ gái trai cả thôn Đức Long (xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu) đã lục tục thức dậy, vác theo trang, thêu, hướng ra cánh đồng, bóng đổ liêu xiêu trong chập choạng ánh sáng buổi sương mơ.

Đồng bãi cữ này gió thổi mát rượi, hàng trăm con người quen tay hay việc cặm cụi cúi xuống vi đất, rải nước, phơi nước khắt… Trên cánh đồng, có người già tuổi 60, 70, có cả những đứa trẻ 7 tuổi, 10 tuổi mắt hẵng còn nhập nhèm ngái ngủ, nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt miệt mài. Đều đặn thế cho đến 7,8h sáng, cả thôn lục tục về soạn sửa cơm nước, việc nhà; chờ tới chính ngọ, khi ánh nắng mặt trời gắt nhất, người làm muối lại khoác áo, choàng khăn, đội mũ ra đồng, làm đến 18,19 h tối mới nghỉ.

Những đứa trẻ miệt mài lao động trên đồng muối là hình ảnh quen thuộc nơi đây. Ảnh: Phước Anh

Trẻ con nơi đây từ 3, 4 tuổi đã quen với nghề làm muối; thậm chí sớm hơn, khi chỉ mới chập chững những bước chân đầu đời, chúng đã được mẹ bế ra đồng. Chả còn cách nào khác, bởi đến mùa nắng, người lớn trong nhà phải tập trung bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nếu để con trẻ ở nhà thì chẳng thể yên tâm. Vậy là bồng bế, dắt díu đi hết, tuỳ sức mà làm, trẻ lớn thì rải nước, vi đất, vun rãnh, trẻ nhỏ thì cào muối, bé hơn nữa thì được ủ trong tấm chăn, mẹ đặt nép bên vách tường kho muối rồi ngủ một giấc ngon lành.

Sinh ra bên đồng muối, lớn lên trên đồng muối, bởi thế mà khi được hỏi về truyền thống của nghề, ai cũng cười bảo đã có từ lâu lắm rồi, từ đời ông đời cha nối tiếp nhau, xưa đến nỗi chẳng ai nhớ có tự bao giờ.

“Ở Quỳnh Thuận, thôn nào cũng làm muối, mỗi thôn lại lưu truyền một câu chuyện khác nhau về gốc tích của nghề. Chỉ biết chắc chắn rằng nghề muối ở Quỳnh Thuận đã có từ trước thế kỷ XIV, bởi vì khi quân Minh xâm lược nước ta, sử sách còn ghi rõ rằng chúng đã cho quân kéo về đây để vơ vét muối của dân, đồng thời áp đặt nhiều luật lệ nhằm áp chế người dân làm muối…” - ông Phạm Minh Tuân nói.

Diêm dân thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận rải nước trên đồng muối. Ảnh Phước Anh

Ông Tuân hiện là trưởng thôn Đức Long, từng là cán bộ xã, về hưu, ông trở lại với cánh đồng mặn mòi quen thuộc của mình. Trong những lời chuyện trò, ông không giấu niềm tự hào về nghề muối truyền đời, rằng “vào Nam ra Bắc, cứ nói gốc gác muối Đức Long là người ta không cần thử chất lượng mà nhận hàng ngay. Muối ở đây không chát, không khắt, đủ độ mặn mà khi nêm nếm vẫn có dư vị ngọt hậu!”

Làm nên vị muối đặc trưng ấy, theo ông Tuân là nhờ bí quyết làm muối truyền thống của người Quỳnh Thuận. Trên mảnh đất bằng phẳng, diêm dân dùng cày xới lên, sau đó phơi cho khô hẳn rồi lại dùng bừa, dùng trục để đất nhỏ tơi, mịn như bột. Đất ấy được cho vào giát (dùng để lọc nước khắt) rồi nện chặt, lúc ấy mới múc nước mặn đổ vào. Nước mặn chảy qua giát thành nước khắt, được đưa vào trữ trong các giếng để phơi dần. Ô nại phơi muối dùng vôi, cát trộn nhuyễn, dàn đều, nện chặt, rồi sau đó láng lên một lớp vữa hàu. Ngoài ra, để cho ô nại hấp thụ được nhiều nhiệt, bốc hơi nhanh, người ta còn quét lên một lớp bồ hóng than. Những chỗ nứt, thủng thì dùng lá bời lời giã nhỏ trộn với vôi và bồ hóng nhào mật mía để trét vá... Công đoạn làm muối hoàn toàn thủ công, cho ra hạt muối trắng tinh, kết tủa muôn vàn mồ hôi nước mắt của người làm nghề cần mẫn.

Xúc muối lên xe cút kít để đẩy vào kho. Ảnh: Phước Anh

Mặn hơn muối

Trần đời, dường như hiếm có nghề nào cực nhọc hơn nghề muối. Đi từ mờ sáng, về khi sao khuya, nắng cũng lo mà mưa thì buồn nẫu ruột. Được nắng được mùa là câu cửa miệng của người làm muối, nghĩa là phải nắng to dài ngày mới thuận, chứ nếu nắng vài ba ngày lại dính một cơn mưa thì mất nhiều hơn được. Mà trời đâu chiều lòng người, thời tiết ngày càng bất thuận, diêm dân vừa làm vừa thấp thỏm lo. Ngay như năm nay, cũng chỉ độ vài tuần nữa là kết thúc mùa muối, bởi thời tiết sang thu là đã vào cữ mưa nắng thất thường.

Với diêm dân thôn Đức Long nói riêng và Quỳnh Thuận nói chung, hạt muối mang lại cho họ sinh kế, niềm vui, nhưng cũng không ít nỗi buồn. Một thời, muối được xem là “vàng trắng”, ấy nhưng nhiều năm lại đây, trên cánh đồng muối đã vợi đi nhiều ô nại trắng tinh.

“Thôn có 261 hộ, làm 365 giát thì nay đã bỏ hoang khoảng 100 giát” - thôn trưởng Phạm Minh Tuân trầm ngâm nói. Nghề muối cực nhọc vô vàn, cả ngày bấm chân trần trên nước mặn rát bỏng, tấm lưng đỏ bầm vì nắng, song thu nhập chẳng được là bao. Năm thấp nhất, giá muối kéo xuống chỉ còn 120.000 - 130.000 đồng/tạ; còn như năm nay xem như được giá thì tầm 250.000 đồng/tạ. “Một tạ muối khéo chưa đổi được một yến gạo!” - diêm dân thôn Đức Long ngậm ngùi.

Mỗi ngày cao điểm cũng chỉ làm được khoảng 1 tạ muối. Muối sau khi thu hoạch được cất vào kho tạm, chờ tư thương thu mua. Ảnh: Phước Anh

Lam lũ đầu tắt mặt tối, huy động nhân công cả nhà nhưng mỗi ngày cao nhất cũng chỉ 200.000 - 300.000 đồng, có thời điểm chỉ 100.000 - 150.000 đồng, chưa kể chi phí đầu tư ô nại đầu mùa. Cơ cực hơn là nghề muối đang đối mặt với thách thức đầu ra. Hiện không có đơn vị, doanh nghiệp nào bao tiêu sản phẩm cho diêm dân, hạt muối làm ra hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương thu mua, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định.

Cuộc sống ngày càng chật vật, người làng muối đành đoạn dứt nghề, kiếm kế sinh nhai khác. Công nhật phụ hồ cao hơn một ngày làm muối, thậm chí chạy chợ, xe ôm cũng cho thu nhập khá khẩm hơn. Dẫu nuối tiếc nghề truyền thống, dẫu nhớ lắm quen thân lắm những sáng tối bấm chân lên ô nại mặn mòi, người làng muối cũng đành phải ly hương…

Những hạt muối trắng tinh, kết tủa muôn vàn mồ hôi nước mắt của người làm nghề cần mẫn. Ảnh: Phước Anh

Mặn hơn muối là những giọt mồ hôi, nước mắt của diêm dân. Mặn hơn muối là khi những già trẻ gái trai ấy còng lưng đẩy xe cút kít, chở muôn triệu hạt kết tinh từ lam lũ sớm khuya, mà nghe giá thị trường cứ thấp xuống từng ngày. Mặn hơn muối, là khi bạn và tôi, trong một ban trưa chập chờn thức - ngủ, nghe tiếng rao “Muối đơi!” mà choàng tỉnh giấc, ngó nhìn qua khung cửa, thấy dáng ai gò mình trên chiếc xe đạp cũ, chở đôi thúng vun lên ụ muối trắng tinh. Trọn đời muối là muôn nỗi nhọc nhằn cơ cực, nhưng vẫn ngập ngời hy vọng vào ngày mai…

Phước Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét