3 thg 12, 2021

Về với lễ hội Lúa non của người Xơ Đăng

Được anh bạn mời dự lễ hội Lúa non ở thôn Tê Pen, xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô), tôi như “mở cờ trong bụng”. Cùng anh tham dự lễ hội Lúa non, giúp cho tôi có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về phong tục, tập quán hay của người Xơ Đăng ở địa phương.

Từ cổng chào của thôn đi vào khoảng 100m, chúng tôi đến nhà già A Chong để tìm hiểu về ý nghĩa và nét đẹp của lễ hội Lúa non trong văn hóa người Xơ Đăng. Chăm chú vào con chuột rừng vừa bẫy được, già A Chong không hay khách đến thăm. Chỉ đến khi chúng tôi cất lời chào, già mới thoáng giật mình ngoái lại. Nở nụ cười thân thiện, già lấy cho chúng tôi mỗi người 1 chiếc đòn để ngồi.

Chiều lòng khách về tham dự và tìm hiểu lễ hội, già A Chong kể chuyện: “Lễ hội Lúa non đã gắn liền với người Xơ Đăng chúng tôi qua bao thế hệ. Không chỉ có thôn Tê Pen, nhiều thôn khác trong xã cũng tổ chức lễ hội này. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội ở các thôn không có ngày cố định. Ở thôn Tê Phen, lễ hội này được dân làng tổ chức vào khoảng tháng 9 – 10 hàng năm. Bởi, đây là thời điểm cây lúa còn non, đang làm đòng. Thời điểm này, mỗi gia đình sẽ lấy một ít đọt lúa non đem về hấp vào nồi cơm. Món này, người trụ cột trong gia đình sẽ được ăn đầu tiên, để hiểu về giá trị của cây lúa, cố gắng canh tác, trồng trọt, nhằm tạo ra những hạt gạo thơm ngon”.

Già A Chong “khoe” ghè rượu mới nấu mừng lễ hội Lúa non. Ảnh: T.T

Theo già A Chong, khoảng 2 tuần trước ngày diễn ra lễ hội, bà con trong thôn lên kế hoạch chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Cụ thể, các gia đình sẽ lên rừng đào măng để chuẩn bị món ăn cho ngày hội. Măng đào đem về phải tươi, lớp vỏ bọc măng không vàng, không có đốm, mỏng và không bị héo,thân măng không cong. Vào ngày diễn ra lễ hội, măng hái về được để nguyên cả vỏ mà nướng. Đến khi măng chín thì bà con chỉ việc bóc vỏ, xé ra ăn.

Một món ăn không thể thiếu trong lễ hội Lúa non chính là con sùng đất. Cận ngày diễn lễ hội Lúa non, bà con rủ nhau vác cuốc, xẻng lên rừng để đào đất. Từng nhát cuốc được đưa xuống, đất tơi cứ thế xới lên, kèm theo đó là những con vật giống như đuông dừa, có màu trắng ngà, to khoảng ngón tay người. Đó là con sùng đất, một loài ấu trùng bọ rầy. Chúng sống sâu dưới lớp đất, ăn dinh dưỡng từ rễ cây. Với một số người không quen mắt, thì chúng có vẻ ngoài “khá dị”, tuy nhiên với bà con người Xơ Đăng nơi đây, sùng đất là món ăn ngon, đặc sản của vùng đất này.

Già A Chong cười hiền: Một trong những phần việc quan trọng, diễn ra trong lễ hội Lúa non chính là tu sửa, dọn dẹp lại thôn làng. Công việc này sẽ do già làng của thôn chọn ngày, đồng thời đôn đốc, vận động bà con thực hiện. Theo truyền thống, tất cả các hộ gia đình trong thôn đều phải tham gia, đảm nhận các phần việc. Hoạt động này không chỉ thể hiện trách nhiệm của mỗi người đối với thôn của mình, mà còn thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng, cùng nhau xây dựng cuộc sống văn minh, phát triển.

“Mới ngày hôm trước thôi, mọi người trong thôn đã tu sửa, san lấp tuyến đường đi vào khu sản xuất. Bà con hăng hái lắm, ai nấy đều rất nhiệt tình làm việc. Bà con còn khơi thông kênh mương nội đồng, phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh dọc các tuyến đường nội thôn khác.”- già A Chong chỉ tay ra hướng đường đi khu sản xuất mới được người dân trong thôn sửa lại, hào hứng kể.

Một trong những nghi thức độc đáo trong lễ hội Lúa non, chính là “đánh dấu” các đám ruộng, rẫy bằng vỏ cây rớm (một loại cây thân gỗ). Theo chân anh A Chinh - con trai của già A Chong, chúng tôi men theo con đường đất cạnh nhà hướng đến thửa ruộng của gia đình ông. A Chinh dùng chiếc rựa của mình, chặt một cành tre nhỏ rồi chẻ đôi một đầu, đầu còn lại cắm chắc xuống mặt đất. Sau đó cẩn thận lấy vỏ của cây rớm đã chuẩn bị sẵn ở nhà, kẹp vào đầu thân tre.

Nghi thức “đánh dấu” các đám ruộng, rẫy bằng vỏ cây rớm của người Xơ Đăng. Ảnh: TT

Nhận thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, anh A Chinh giải thích: Vì vỏ cây rớm rất ngứa, nên người Xơ Đăng chúng tôi quan niệm, nó sẽ giúp đuổi các loại côn trùng gây hại như sâu, bọ, con sùng, châu chấu… để chúng không phá mùa màng, ruộng lúa của bà con. Theo đó, nhà nào có bao nhiêu thửa ruộng, rẫy thì sẽ “đánh dấu” hết bấy nhiêu thửa ruộng, rẫy.

Trong lễ hội Lúa non của người Xơ Đăng, không thể thiếu rượu cần. Theo phong tục, mỗi gia đình sẽ tự nấu một ghè rượu để đóng góp vào cuộc vui trong ngày hội. Dù không phải là cuộc thi, nhưng dường như đã là “luật bất thành văn”, mọi người đều coi đây là dịp để “thi” rượu ghè của nhà ai uống ngon hơn. Bởi vậy, trong quá trình làm rượu, ai cũng phải hết sức chăm chút, áp dụng những kinh nghiệm, bí quyết riêng với mong muốn tạo ra được ghè rượu thơm ngon nhất, nhận được nhiều lời khen của mọi người trong thôn.

Người bắt đầu phát lệnh lễ hội Lúa non luôn phải là già làng. Đó là thời điểm già làng đánh kẻng, cũng là lúc lễ hội Lúa non của bà con chính thức bắt đầu. Tại nhà rông của thôn, từng ghè rượu cần được đặt nối đuôi nhau thành hai hàng dài. Khi rượu chuẩn bị xong, già làng sẽ là người đầu tiên nếm thử tất cả ghè rượu của các gia đình trong thôn. Bởi đối với người Xơ Đăng cũng như nhiều DTTS khác, già làng luôn nắm giữ vai trò đặc biệt quan trọng và nhận được sự kính trọng của tất cả mọi người.

Khi già làng trở về vị trí, cũng là lúc các gia đình ổn định chỗ ngồi để bắt đầu bữa tiệc. Mọi người cùng ăn uống, chung vui với nhau. Đồng thời, gia đình nào có lúa mọc cao nhất, tươi tốt nhất sẽ được mọi người chọn ra để chia sẻ kinh nghiệm cho các gia đình khác học tập. Xuyên suốt buổi tiệc, câu chuyện của mọi người đều xoay quanh chủ đề về cây lúa, với mong muốn tìm ra cách canh tác, trồng trọt phù hợp để vụ mùa năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước.

Trong câu chuyện, già A Chong tiếc nuối: Những năm trước, lễ hội Lúa non đều rất đông vui, đầy ắp tiếng cười nói của tất cả mọi người, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, thôn đành phải chia ra thành từng nhóm nhỏ để tổ chức, nhằm đảm bảo đúng quy định trong phòng, chống dịch. Dù vẫn biết là sẽ ít vui hơn, nhưng mọi người trong thôn đều thống nhất cao. Bởi tất cả đều hiểu và tích cực tham gia đẩy lùi dịch bệnh Covid – 19.

Tuy khoảng thời gian gặp mặt với người dân diễn ra lễ hội lúa non không dài, nhưng được trò chuyện cùng bà con người Xơ Đăng, thưởng thức những món ăn độc đáo, cùng hương rượu ghè thơm nồng, với tôi, đây thật sự là những trải nghiệm đầy mới mẻ. Lễ hội Lúa non của người Xơ Đăng ở thôn Tê Pen là phong tục đẹp và đầy màu sắc, đọng lại trong lòng tôi những kỷ niệm khó quên.

Tất Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét