18 thg 12, 2021

Độc đáo lễ mát nhà của người Mường

Đồng bào dân tộc Mường có nhiều nghi lễ đặc sắc. Trong đó có Lễ Mát nhà như là một lễ giải hạn, để hóa giải những điều xấu, cầu cho mọi điều tốt tươi, may mắn.

Thầy mo vẩy nước để làm phép trong lễ Mát nhà.

Theo truyền thống của người Mường, thông thường khi lúa đã thu hoạch, vụ mùa hoàn tất, họ sẽ tiến hành lễ Mát nhà. Tuy nhiên ngày nay, thời gian tổ chức lễ trong nhiều gia đình không còn bị áp đặt như trước. Người ta có thể tổ chức trước hoặc sau mỗi vụ mùa. Ông Đinh Ngọc Lương - một người dân tộc Mường (Hòa Bình) đang sinh sống tại Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: “Có những nhà họ làm trước gặt, cũng có những nhà làm sau gặt. Nếu làm trước mùa gặt thì có nghĩa cầu cho may mắn đến với mùa màng. Còn làm sau mùa gặt thì cầu cho mùa tới nở hoa kết trái”.
Lễ cúng thường được thực hiện bởi thầy mo, người đóng vai trò kết nối giữa thần linh và con người. Lễ vật thường có gà, vịt, cá suối… những lễ vật đều mang những ý nghĩa quan trọng trong đời sống người Mường. Bên cạnh những mâm cỗ dành cho các vị thần, gia chủ cũng chuẩn bị những mâm cỗ cúng tà ma. Một lễ vật không thể thiếu trong lễ Mát nhà của đồng bào dân tộc Mường đó là con vịt, tượng trưng cho phương tiện di chuyển đưa các vị thần từ Mường Trời xuống trần gian.

Trong lễ Mát nhà của người dân tộc Mường đặc biệt phải có cá làm lễ vật. Bởi người Mường quan niệm con cá ở dưới nước, nước tượng trưng cho sự mát mẻ nên trong nghi lễ này cá không thể thiếu.

Lễ Mát nhà được theo đúng ý nguyện, thầy mo mời thần hoàng bản thổ, thổ công bản địa, sau đó mới thỉnh các vị thần nông nghiệp từ Mường Trời về. Nghi lễ có ý nghĩa mở tiệc dâng các ngài, sau đó sẽ giúp đỡ xua đuổi tà ma, bắt đi những điều xấu, phù hộ cho gia chủ làm ăn khấm khá, con cháu khỏe mạnh. Lễ cúng được bắt đầu tại nơi cửa sổ chính, thầy mo sẽ ngồi ở vị trí giành cho những người có chức vụ cao nhất trong nhà. Trên tay thầy mo là chiếc quạt dùng trong nghi lễ có ý nghĩa quạt đi những khí xấu, lấy lại những khí tốt đẹp, khí mát cho gia chủ. Đây là nghi lễ có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi theo quan niệm của người Mường thì quyền năng từ chiếc quạt mà thầy mo sử dụng có sức mạnh tối thượng.

Thầy mo sẽ dùng một bát nước trong đó có mài những vật dụng trong túi khót để vẩy quanh nhà cho gia chủ. Nước tượng trưng cho những điều mát lành, vật dụng trong túi khót là những vật linh thiêng ẩn chứa trong đó sức mạnh. Thầy mo hòa chúng với nhau cùng những lời trú nguyện vẩy quanh nhà để làm mát nhà, mang những điều may mắn trở lại.

Các nghi lễ kết thúc, chủ nhà sẽ chuẩn bị một mâm cơm có đầy đủ rượu, thịt, xôi. Xung quanh mâm cơm sẽ đặt nhiều chiếc áo khác nhau, mỗi một chiếc áo tượng trưng cho những người khác nhau trong gia đình, được đặt theo chiều kim đồng hồ, theo bậc cấp trong gia đình. Thầy mo tiếp tục mài những vật dụng trong túi khót hòa vào bát nước cho mỗi thành viên trong gia đình uống.

Sau khi đồ vật trong nhà đều được làm mát, thầy mo lại tiếp tục thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay, cầu phúc cho gia chủ và mọi người. Với mong muốn giúp cho mọi người luôn gặp may mắn bình an, tai qua nạn khỏi, ấm no hạnh phúc. Sau nghi lễ mát nhà, người Mường quan niệm, họ sẽ bắt đầu gặp may mắn, ấm no, mọi xui xẻo cũng từ đó mà tiêu tan.

G.B.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét