31 thg 12, 2021

Linh thiêng đền thờ Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn

Đền thờ Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn (còn gọi là đền Quốc Phụ) nay thuộc khu dân cư Nẻo, phường Chí Minh, TP Chí Linh, nổi tiếng linh thiêng.

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 3, mặt khắc 18 ghi về cuộc đời và sự nghiệp của Huệ vũ đại Vương Trần Quốc Chẩn

Trần Quốc Chẩn (có sách chép là Quốc Chân, Quốc Trấn), sinh năm Tân Tị (1281), mất năm Mậu Thìn (1328).

Ông là nhà quân sự, nhà chính trị và là trụ cột của triều Trần dưới thời trị vì của các vua Anh Tông và Minh Tông. Là một người tài năng nhưng kết cục cuộc đời lại đầy oan khuất. Cái chết của ông liên quan đến vấn đề kế vị, khi lên tiếng phản đối ý định của vua Trần Minh Tông muốn lập con thứ làm Thái tử. Trần Quốc Chẩn bị kết tội phản nghịch và bị bỏ đói đến chết tại chùa Tư Phúc.

Vị tướng tài năng

Theo Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 3, mặt khắc 18, Trần Quốc Chẩn là con trai thứ của vua Trần Nhân Tông, em của Thái tử Trần Thuyên. Sau khi thái tử Trần Thuyên lên ngôi (tức vua Trần Anh Tông), ông được phong là Huệ Vũ đại vương, giữ chức Nhập nội Bình Chương. Năm Nhâm Tý (1312), Huệ Vũ đại vương đem quân đi đánh Chiêm Thành, lập được công trạng giữ yên bờ cõi quốc gia.

Không chỉ là người có tài trong việc cầm quân xung trận, Trần Quốc Chẩn còn là người đức độ, được vua Trần Anh Tông rất mực quý mến, các quan trong triều hết lòng nể phục. Vua Anh Tông muốn gửi gắm con mình là Thái tử Mạnh (tức vua Minh Tông) cho em nên tin Quốc Chẩn hơn cả. Đến khi không được khỏe, vua Minh Tông ngày đêm túc trực bên ngoài nơi Thượng hoàng dưỡng bệnh. Mỗi khi vua vào thăm thì bắt phải đi cùng với Quốc Chẩn cốt để tình nghĩa vua tôi được khăng khít và khỏi sinh lòng hiềm nghi gián khích. Sau đó, Vua Minh Tông lấy con gái của Quốc Chẩn là Huy Thánh công chúa phong làm Lệ Thánh hoàng hậu. Trần Quốc Chẩn được phong chức Nhập nội Quốc Phụ Thượng tể.

Tuy nhiên, vua Trần Minh Tông ở ngôi được 15 năm mà hoàng hậu vẫn chưa sinh được Thái tử. Vua định lập con thứ Trần Vượng nhưng Trần Quốc Chẩn không đồng ý vì mẹ của Trần Vượng không phải họ Trần và muốn đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập. Lúc đó, Văn Hiến Hầu là con của Trần Nhật Duật muốn lật đổ Lệ Thánh Hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu (Trần Phữu), bảo tên này vu cáo Quốc Chẩn âm mưu làm phản. Vua cả tin cho là thật liền ra lệnh bắt Quốc Chẩn giam ở chùa Tư Phúc rồi đem việc đó hỏi ý kiến quan Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung là người cùng quê với mẹ của Hoàng tử Vượng, lại là thầy dạy Vượng liền trả lời: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Từ hôm đó, vua hạ lệnh cấm không cho ăn uống để Quốc Chẩn phải chết. Lệ Thánh Hoàng hậu thương cha nhưng không giúp được đến thăm lấy áo thấm nước, lét lút đưa vào cho Quốc Chẩn vắt lấy nước mà uống, uống xong thì chết. Vụ việc còn liên quan đến hơn 100 người nhưng khi xử án bị can phần nhiều kêu oan.

Đền Quốc Phụ nằm ở khu dân cư Nẻo, phường Chí Minh, TP Chí Linh (ảnh tư liệu)

Vài năm sau, người vợ lẽ của Trần Phẫu ghen nhau với vợ cả, đi tố chuyện nhận hối lộ vàng và vu cáo cho Trần Quốc Chẩn. Bấy giờ triều đình và dân chúng mới hiểu được nỗi oan của bậc trung thần. Ngục quan Lê Duy là người cương trực, xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị kết án lăng trì, còn Văn Hiến Hầu là người trong hoàng tộc nên được miễn tội chết, bị giáng xuống làm dân thường, xóa tên trong sổ hoàng tộc. Vua Minh Tông lấy làm ân hận lắm, nhưng việc đã lỡ rồi, không thể nào cứu vãn được. Để sửa sai, Thượng hoàng Minh Tông đã cho khôi phục chức tước cho Trần Quốc Chẩn và sai lập đền thờ Trần Quốc Chẩn ở núi Kiệt Đặc, huyện Chí Linh.

Di tích thuộc “Chí Linh bát cổ”

Tương truyền, đền thờ của Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn nổi tiếng linh thiêng. Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn viết: “Trần Công nhà ở gần sông Cái, tương truyền ông có thuật lạ, cứ 3 ngày một lần vào triều, tối còn ở nhà, sáng hôm sau đã ở kinh sư rồi. Bởi vì lúc ấy đường thủy sông Thiên Đức thường thông, ông dùng thuyền nhỏ chèo mau, cho nên một đêm có thể đến kinh sư được. Nay cầu đảo vẫn linh ứng. Tương truyền có năm đại hạn, người xã Kiệt Đặc bàn với người xã Quảng Tân ở tổng khác cùng nhau cầu đảo, người xã Quảng Tân lấy cớ rằng ở khác khúc sông nên không nhận lời, sau đó cầu đảo được mưa thì chỉ mưa ở bờ phía bắc sông Cái, còn một dải về phía nam sông vẫn nắng, người ta sợ về linh dị”.

Mộc bản triều Nguyễn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 9, mặt khắc 9 cũng ghi lại chi tiết là vào mùa thu, tháng 8, năm Bính Thân (1356) khi đã lên làm Thái Thượng hoàng, Trần Minh Tông về thăm đền thờ Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn ở núi Kiệt Đặc, lúc trở về trong thuyền ngự, có con ong vàng đốt ở má thượng hoàng, khiến nhà vua lâm bệnh và băng hà sau đó.

Ngày nay, đền Quốc Phụ nơi thờ Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn được nhiều sử sách ghi nhận là một trong 8 di tích thuộc “Chí Linh bát cổ” nổi tiếng ở Hải Dương.

THƠM QUANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét