13 thg 12, 2021

Người Lô Lô uyển chuyển trong điệu múa truyền thống

Người Lô Lô ở hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc đều có những điệu múa riêng đầy bản sắc.


Người Lô Lô ở Hà Giang có hai nhánh là Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Lô Lô Đen tập trung ở xã Lũng Cú, Lô Lô Hoa đông hơn sống tại các xã Lũng Táo, Sủng Là, huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc. Tuy có tên gọi khác nhưng người Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa chỉ khác nhau về trang phục, còn tiếng nói, phong tục tập quán thì không có gì khác biệt. Thiếu thốn về vật chất nhưng người Lô Lô luôn sống trong không khí âm nhạc vui tươi, bên những cây khèn, nhị, hồ, thanh la và những điệu múa làm say đắm biết bao du khách thập phương gần xa.

Dân tộc Lô Lô là một trong 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang. Trong ảnh, người Lô Lô hoa, sống tại xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc đang chuẩn bị cho Lễ cầu mưa.

Phụ nữ Lô Lô Đen mặc trang phục truyền thống trước buổi Lễ cúng tổ tiên.

Phụ nữ Lô Lô Đen mặc áo cổ vuông chui đầu có mảng hoa văn hình chim vòng quanh thân áo. Tay áo rộng được ghép bằng nhiều vòng vải màu khác nhau, áo kết hợp với váy và mảnh vải hình chữ nhật dài chùm phía sau hông, xà cạp quấn chân... Phụ nữ Lô Lô Hoa lại mặc áo cánh cổ tròn, xẻ ngực. Tay áo được ghép bằng các vòng vải màu khác nhau. Khác với nhóm Lô Lô Đen, phụ nữ Lô Lô Hoa lại mặc quần ống trang trí hoa văn.

Một đứa trẻ người Lô Lô đỏ trong trang phục truyền thống, trang điểm trước khi trình diễn các điệu múa trong Lễ cầu mưa.

Chiếc đàn bầu có tuổi thọ cả đời người phát ra âm thanh đơn sắc, cũng là 'sợi dây' kết nối vòng tay của nam thanh nữ tú, người già, trẻ nhỏ.

Trống đồng thường do người trưởng họ giữ, được treo cẩn thận trong nhà bếp. Người Lô Lô coi trống là vật thiêng nên mỗi tháng, gia chủ giữ trống phải thắp hương cúng khấn ba lần. Khi mang trống ra sử dụng cũng phải thắp hương xin phép tổ tiên rồi mới được hạ trống xuống. Người Lô Lô có tới 36 điệu đánh trống.

Các điệu múa thường diễn ra sau phần Nghi lễ cúng tế, mỗi người là nghệ sĩ biểu diễn từ khi còn rất nhỏ.

Thiếu nữ Lô Lô trong trang phục biểu diễn, Việc cách tân trang phục nhưng không làm mất đi những họa tiết cơ bản mang dấu ấn là những ô vuông, tam giác nhấn nhá nổi bật.

Điệu múa sạp mang tính cộng đồng cao, thường thấy ở nhiều dân tộc như Thái, Mường,...

Điệu múa giao duyên của nam thanh nữ tú người Lô Lô đen ở xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Xã hiện có 114 hộ gia đình người Lô Lô đen sinh sống, ở nhà trình tường. Nhà Văn hóa là điểm sinh hoạt cộng đồng, mỗi khi gia đình trong thôn có việc các gia đình sẽ cùng tham gia giúp đỡ. Đời sống sinh hoạt văn nghệ vẫn duy trì những điệu múa, nhảy trong các dịp lễ, hội. Nhiều năm nay bản làng có thêm nghề làm du lịch công đồng nên các điệu múa thường xuyên được diễn ra do nhu cầu của khách du lịch.

Hiện các thôn mà người Lô Lô sinh sống đều có những đội múa hát văn nghệ, họ sẵn sàng phục vụ du khách theo nhu cầu. Từ các điệu nhảy truyền thống, các lễ hội đặc sắc nhất bất kể ngày đêm.

Văn hóa của người Lô Lô mang đến cho du khách nét riêng, thôi thúc sự khám phá trải nghiệm. Những ai từng tiếp xúc, ghé qua nơi đây luôn thương nhớ và muốn trở lại để được đắm mình trong không gian văn hóa độc đáo cổ xưa.

Ngọc Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét