12 thg 11, 2021

Trên núi Cấm - Rảo bước năm non

 Tiếp tục với chuyến du khảo của học giả Nguyễn văn Hầu, sau khi qua đêm ở vồ Bồ Hong thì ông và các bạn đi thăm các vồ khác của núi Cấm. Trong các vồ này thì chắc chắn du khách đi cáp treo lên núi Cấm sẽ đến được một vồ, đó là vồ Ông Bướm. Lý do đơn giản: ga đến cáp treo được xây dựng ngay trên vồ Ông Bướm. Còn các vồ khác thôi thì ta đọc qua lời kể của một khách du hành từ 70 năm trước vậy nhé. Như bài trước, trong bài này ông cũng kể thêm những câu chuyện lịch sử liên quan, và giải thích một số từ ngữ địa phương.


Vồ Ông Bướm là nơi đặt ga đến của tuyến cáp treo Núi Cấm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Nửa tháng trong miền Thất Sơn
Chương VIII: 30 giờ trên núi Cấm (tiếp)

Tờ mờ sáng thì mọi người đều thức dậy. Vị tu sĩ chủ am đã nấu sẵn cháo trắng. Điểm tâm xong, tu sĩ hướng dẫn chúng tôi đi thăm các nơi danh thắng vùng núi Cấm.

Mặt trời to và đỏ lên được một nửa và chiếu tỏa những lần sáng rực như cây quạt xòe, thì chúng tôi cũng bắt đầu hạ san. Chúng tôi qua vồ Ông Bướm, động Thủy Liêm và lần đến vồ Thiên Tuế thì trời đã trưa. Nắng bắt đầu nóng và ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Đây là một nơi bằng phẳng và mênh mông, nhiều cây thiên tuế mọc trên đó. Chúng tôi ngồi lại dưới một bóng mát để ngắm cảnh và đàm đạo.

Vồ Đầu. Ảnh: Báo An Giang online

Anh Khanh hỏi tu sĩ:
  • Vồ là gì vậy, thưa ông?
  • Những chỏm cao nhô lên trong cùng một trái núi thì gọi là vồ. Núi Cấm này có năm vồ, vồ Thiên Tuế, vồ Ông Bướm, vồ Bà, vồ Đầu, vồ Bò Hong. Trong các vồ đó, cao nhất là vồ Bò Hong (716 thước) và thấp nhất là vồ Ông Bướm (480 thước).
  • Người ta đã căn cứ vào điều gì để đặt tên cho các vồ?
  • Cũng cùng một cách với việc đặt tên cho các núi Người ta theo hình thức hoặc sự kiện để gọi. Chẳng hạn, vồ mà chúng ta đang tới đây, vì có nhiều cây thiên tuế nên người ta lấy nó mà đặt tên. Như vồ Ông Bướm thì hồi cuối thế kỷ 19, có hai người Miên tục kêu là Bướm và Vôi đến tu, cho nên người ta gọi theo tên chủ nó.
  • Còn am, cốc, động, điện là gì mà tôi không phân biệt nổi, chắc ở đây lâu, ông có biết rõ?
  • Am và cốc đều là những ngôi nhà cỏ dùng thờ phượng và ở tu, giới hạn cho một vài cá nhân, một vài bàn thờ, không quy mô như chùa; và am thường lớn hơn cốc. Động và điện cũng có tính cách gần như am và cốc. Động là một hốc đá rộng lớn, mưa nắng không lọt vào, người ta chiếm lấy để thờ phượng và ở tu; còn điện thì nhỏ hẹp và chỉ dành để thờ thôi.
Hang Ông Hổ ở phía dười vồ Thiên Tuế. Ảnh: Báo An Giang online
Anh Hà hỏi tu sĩ:

  • Người ta nói vồ Thiên Tuế này có lúc được cụ Cử Đa dùng làm sân dạy võ vì lợi dụng địa thế bằng phẳng, có đúng vậy không ông?
  • Tôi cũng nghe như vậy thôi chớ không hiểu rành về cụ Cử Đa. Nghe đâu cụ đã tu tiên và được thành tiên trên đỉnh Tà Lơn.
Anh Hà quay sang tôi:
  • Anh có nghe biết gì về cụ Cử?
  • Hiểu lờ mờ, vì ít có tài liệu nói tới và những tài liệu đó thường đơn sơ, bất nhất. Một tài liệu Pháp nói cụ Cử là anh cậu Bảy Tài, người Vĩnh Kim (Mỹ Tho), xuất thân trong làng dao búa; vài tài liệu Việt nói cụ người nguyên quán Phù Cát (tỉnh Bình Định), đồng hương với vị anh hùng cờ đào áo vải đất Tây Sơn. Nhưng tài liệu nào cũng chỉ phớt qua, không có bằng chứng nào đủ tin. Đặc biệt có quyển Tà Lơn của cụ Cử viết bằng thể thơ lục bát là có giá trị hơn cả.
Theo đó thì cụ Cử nói mình quê ở Thuộc Nhiêu, chống Tây rồi thất bại đi tu, lấy hiệu Ngọc Thanh.

Hắc y đổi lại cà sa,
Cải tên đặt lại hiệu là Ngọc Thanh.

Có rất nhiều truyền thuyết nói về tài xuất quỷ nhập thần của cụ Cử. Cụ luôn luôn thoạt đây thoạt đó. Nơi xuất hiện nhiều nhất là Thất Sơn và Tà Lơn. Người ta đồn rằng cụ đã đắc đạo và có người trông thấy cụ cỡi hổ mun lui tới miền này. Điều đủ tin và đáng ghi nhớ hơn cả là cụ Cử là người Việt đầu tiên thám hiểm và đặt tên cho từng hang hốc, từng suối, đường trên dãy Tà Lơn.

***
Tảng đá lớn tại điện Cây Quế được người dân cúng bái. Ảnh: Báo An Giang online

Nói xong câu chuyện, chúng tôi đồng đứng dậy lên đường. Đường bây giờ khó đi. Có chỗ hẩm, có chỗ là, có lắm chỗ gồ ghề phải nhọc mệt với những bước cao bước thấp. Trên đường nhiều cây sa nhân, đầu khấu. Lắm thứ cổ thụ gốc hằng chục người ôm. Những lá dầu rụng xuống có lá dài hằng hai bước và có những bụi cây mây, gai mây chìa cả gang tay nhọn hoắt. Đi quanh co một đỗi khá xa thì đến một thảo am. Vị tu sĩ dẫn đường ghé vào đó, trao cho người trong am một bọc gạo đã mang theo từ sáng sớm và nói mấy câu, đoạn trở ra bảo chúng tôi:
  • Phía trên kia là vồ Bà, chúng ta lên đó ngoạn cảnh một lúc rồi trở xuống dùng cơm. Tôi đã nhờ người ở đây nấu cho một bữa ăn.
Chúng tôi theo lời tu sĩ, đi một đỗi nữa thì đến trên vồ. Trời bây giờ gần đứng bóng, cảnh đẹp lạ lùng. Tu sĩ đưa chúng tôi quan sát khắp nơi rồi dẫn vào một bóng mát của một mỏm đá to kể chuyện cho chúng tôi nghe. Nào chuyện Chàng Nam với chiếc thuyền hóa đá, nào chuyện Bà Chúa Xứ bảo vệ các sơn nhân. Chuyện kể tuy mộc mạc và đầy vẻ truyền kỳ, nhưng lý thú và hấp dẫn như những gì đang bộc hiện trước mặt chúng tôi. Thật đúng như lời đồn, đi vào miền Bảy Núi mà còn thiếu đến vồ Bà là một điều đáng tiếc.

Vồ Bà là một chỏm trong nhiều chỏm cao của núi Cấm vùng Thất Sơn. Tuy gọi “Bà” nhưng trên vồ không có được pho tượng bà to lớn và mỹ lệ như tượng Bà Chúa Xứ tại miễu Bà Chúa Xứ núi Sam. Cảnh vật ở đây im lặng và rùng rợn: cây cối mọc tràn lan, chim chóc thưa bóng. Một chiếc lá rơi, một hơi thở mạnh, đủ làm kinh động khách nhàn du.

Một phiến đá vĩ đại giống hình chiếc thuyền chễm chệ nằm trên chót vồ. Muốn lên thượng tầng phiến đá, du khách phải trèo qua một thân cây hoặc chuyển sang một thân cây khác gần đó mới có thể tới được.

Điện Vồ Bà, nằm trên đỉnh vồ Bà. Ảnh cắt từ video clip của Thuandienct trên YouTube.

Vào những chiều tắt nắng, khi mà dưới mặt đất xa mút mắt kia, cơn “gió trốt dật dờ nơi chiến lũy” và xa xa, ngọn “đèn trời leo lét dặm u lâm”, nếu du khách được dịp ngồi nán lại trên vồ để nghe một sơn nhân kể lại sự tích của “chiếc thuyền”, hẳn khách sẽ tự cảm thấy tâm hồn mình, ít nhất trong vài giây, được trở về với những gì xa xôi, bí ẩn nhất.

Vào những sáng thu quang đãng, trời xanh, cây xanh, đồng lúa thanh thanh và con kinh Vĩnh Tế kéo thành một vệt dài xanh biếc từ tận Châu Đốc đến giáp Hà Tiên, nếu du khách đứng trên vồ Bà tất không sao không thấy tâm hồn mình khinh khoái, con người mình sung mãn và hơn lúc nào hết, mình tự thấy mình trơ vơ bé bỏng không cùng.

Thất Sơn huyền bí? Phải! Người ta cho dãy Thất Sơn là một nơi có nhiều sự lạ lùng, nhiều điều bí ẩn! Chuyện đó chưa biết có thật hay không, nhưng cứ nhìn bộ mặt “rừng rú” của Thất Sơn, nghe những truyện tích truyền kỳ về Thất Sơn, người bình dân tự nhiên đã cảm nhận về Thất Sơn rồi!

Trời xế dài thì chúng tôi được vị tu sĩ trẻ tuổi đưa xuống đến chân núi. Tính ra đã mất hơn một ngày một đêm riêng cho cuộc du khảo ở đây.

Nguyễn văn Hầu - 1951

Trên đây là chuyến du khảo núi Cấm của một nhà nghiên cứu nổi tiếng, thực hiện cách đây 70 năm. Ngày nay các bạn có thể tìm đọc, xem các bài viết, video clip của những bạn trẻ mới thực hiện, đăng khá nhiều trên mạng. Tuy nhiên, các bài ấy thường khá dài và tản mạn. Thêm nữa không phải bài nào cũng do người có chuyên môn và trình độ nhất định thực hiện, do vậy bạn có thể hơi mất thời giờ sàng lọc.

Dưới đây, tui xin giới thiệu một loạt bài khá cô đọng trên báo An Giang (là nguồn đáng tin cậy) thực hiện năm 2014 (tức cách đây 7 năm chớ không phải 70 năm!). Các bạn click vào đây để xem nhé:
Phạm Hoài Nhân (sưu tầm và biên tập)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét