18 thg 11, 2021

Mì Quảng “ngon nhứt” Bình Phước

Có lần biết tôi là dân Quảng Nam nên bạn tôi cắc cớ hỏi: Ủa, mì Quảng là đặc sản ở Quảng Nam, phải làm từ bột mì sao làm từ bột gạo? Mì Quảng là món ăn đặc trưng của người Quảng Nam mà sao người dân Quảng Ngãi cũng nấu ngon vậy? Tôi chột dạ, bởi mình dân Quảng Nam chính gốc mà cũng “không rành” mấy chuyện này. Tôi bèn đem những thắc mắc này đến hỏi bà Lư Thị Phu, chủ quán mì Quảng Hương Quê (đường Hùng Vương, TP. Đồng Xoài), địa chỉ được cho là bán mì Quảng “ngon nhứt” Bình Phước hiện nay.

“Cái xứ ni bán mì quảng ngon nè”

Bà Lư Thị Phu (SN 1958), quê ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 20 tuổi, từ một lần chỉ dạy của người chị “mê ăn mì Quảng”, bà Phu bén duyên với nghề nấu ăn. Lúc bắt đầu “lấy nghề nấu mì Quảng làm nghiệp”, nồi nước lèo của bà chỉ vỏn vẹn vài lát thịt heo, vài con tôm bạc nhưng rất được lòng khách hàng. “Lúc đó chưa có trứng cút, gia vị chưa đủ đầy như bây giờ, hơn nữa giá chỉ 5.000 đồng/tô nên phù hợp túi tiền, khách thích, ăn cảm thấy ngon” - bà Phu kể.

Bà Lư Thị Phu, chủ quán Hương Quê (đường Hùng Vương, TP. Đồng Xoài) phục vụ khách ăn mì Quảng

Năm 2009, sau trận bão lũ kinh hoàng cuốn phăng cả gia nghiệp khiến gia đình bà trắng tay. Vốn không còn, chỉ còn nghề nấu mì Quảng “thấm vô máu” nên bà luôn trăn trở làm thế nào để có thể nuôi sống cả gia đình. Và trong một lần vào Bình Phước hỏi vợ cho con trai đầu, bà phát hiện ở Đồng Xoài có nhiều yếu tố rất thích hợp để phát triển kinh tế. Bà Phu chia sẻ: Thời điểm đó (vào đầu tháng 10 âm lịch), tiết trời ấm áp khác hẳn với những cơn gió lạnh, mưa phùn ngoài quê, tôi buột miệng nói với chồng “cái xứ ni bán mì Quảng ngon nè” rồi quyết định đưa cả gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Thời gian đầu, bà Phu chỉ bán mì Quảng ở vỉa hè đường Hùng Vương vào buổi chiều. Dần dần lượng khách tăng lên, gia đình bà quyết định thuê mặt bằng mở quán ăn Hương Quê cho tới bây giờ.

“Cứ 1kg mì Quảng thì bán được 6-7 tô, mỗi tô giá 35.000 ngàn đồng, tô đặc biệt 45.000 đồng và mỗi ngày trung bình quán Hương Quê bán từ 150-200kg mì Quảng. 10 năm bán mì Quảng, “múc nước lèo đến mỏi tay” đã mang lại cho gia đình tôi kinh tế vững tại Bình Phước. Số tiền tích góp từ bán mì Quảng, vợ chồng tôi mua đất làm nhà trị giá 5 tỷ đồng ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, xây dựng 2 căn nhà để thờ phụng ông và sống ở quê trị giá khoảng 2 tỷ đồng. 3 người con của tôi đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng chỉ 1 người đi làm trong cơ quan nhà nước, còn lại con trai, con gái và con rể đều được vợ chồng tôi vận động nối nghiệp nấu mì Quảng” - bà Phu chia sẻ.

“Ngon nhứt” Bình Phước

Mì Quảng là món ăn đặc trưng của người Quảng Nam nhưng bà Phu là dân Quảng Ngãi, lại bán mì Quảng cho người miền Nam. Vậy mà quán Hương Quê rất đông khách, buổi sáng chỉ đón khách đến 10 giờ, buổi chiều đến tối từ 14-20 giờ. Thấy mì Quảng được nhiều người ưa chuộng, cũng đã nhiều người mở quán bán nhưng bền vững như Hương Quê thì rất hiếm. Bà Phu cho biết: Nấu mì Quảng đơn giản nhưng phải kỹ lưỡng, ngon hay không là do cách “phối và ướp” nguyên liệu. Một tô mì Quảng gồm rất nhiều thực phẩm phù hợp cấu thành lại và đặc biệt phải thay đổi theo khẩu vị của cuộc sống.

Hương Quê không có bí quyết gì ngoài việc đó. Nguyên liệu của tô mì được bà Phu chọn người Quảng Nam làm, hợp đồng rõ ràng về loại gạo và tạo màu bắt buộc phải là nước nghệ tươi. Đậu phộng được mua từ ngoài quê đem vào, là loại làm giống, hạt to, chắc và mẩy. Rau sống gồm 5 loại là diếp cá, bắp chuối, giá đỗ, rau quế và xà lách trộn lẫn. Ớt chọn loại ớt hiểm, còn xanh và tỏi Lý Sơn chính hiệu. Chả lụa được bà hợp đồng với một cơ sở chế biến, sản phẩm chỉ gồm thịt heo ngon, tiêu, gia vị. Các loại này đều được mua với giá mắc hơn thị trường, như giá mì Quảng 130 ngàn đồng/kg (giá thị trường 80 ngàn), bánh tráng 5.000 đồng/cái (giá thị trường 3.000 đồng), chả lụa 160-180 ngàn đồng/kg (giá thị trường 120 ngàn)...

Nhưng cái cốt của tô mì Quảng vẫn là nước lèo. Anh Vũ Tươi Sáng, thực khách cho biết: Tô mì Quảng tại quán Hương Quê dù ăn nhiều nước vẫn rất đậm đà, nhất là các loại sườn non, tôm, chả lụa thấm đều gia vị; ăn miếng thịt, tôm thấy mềm và cảm nhận được mùi thơm. Có được nồi nước lèo “đặc biệt” này, bà Phu phải tuyển chọn từng cọng sườn non, chặt khúc rửa nước muối nhiều lần, để thật ráo rồi ướp từng phần một (khoảng 5kg/lần) gồm các gia vị sả, tỏi, tiêu, bột ngọt, đường... Tôm sống được cắt đầu, chân, đuôi, rửa sạch, để ráo nước rồi đem xào với gia vị. Cách ướp của bà không khác mấy những người nấu mì Quảng khác, nhưng đặc biệt ở chỗ bà ước lượng được số thịt, tôm vừa với tỷ lệ nước theo nguyên tắc “ướp nhiều thì nêm ít” và ngược lại.

Hồn quê nơi đất khách

Trước đây, đến xã Bình Dương, huyện Bình Sơn hỏi, hầu như ai cũng biết gia đình bà Lư Thị Phu và ông Nguyễn Nhuận bởi đó là hộ nghèo nhất xã. Mà nghèo cũng phải, hồi đó buôn bán được nhưng mỗi tô mì Quảng chỉ bán giá 5.000 đồng, nuôi 3 đứa con ăn học mà thời tiết lúc nắng, lúc mưa, “ưa thì cho cơn bão hoặc lụt thì khó giàu lắm”. Bà Phu nói thêm: Chỉ đến khi vào Bình Phước lập nghiệp, món mì Quảng được nhiều người ưa chuộng thì kinh tế gia đình mới khấm khá dần lên. Không chỉ vậy, Hương Quê bán mì Quảng “ngon nhứt” Bình Phước còn giúp nhiều người dân Quảng Nam dù xa quê nhưng vẫn “sống ổn với nghề mì Quảng” ở quê hương thứ hai.

Bà Hồ Thị Trúc (hay còn gọi là Tám Quảng) ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, người chuyên làm mì Quảng bỏ mối cho quán Hương Quê, cho biết: Vợ chồng tôi quê ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Gia đình vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1985. Lúc đó, tôi nổi tiếng nhờ bán mì Quảng tô ở chợ Đồng Xoài. Buổi sáng tôi gánh mì ra chợ, bán 50-70kg mì tới trưa là hết, nuôi 10 đứa con. Giờ già rồi, tôi chỉ ở nhà tráng mì bỏ mối cho quán Hương Quê, mỗi ngày thu nhập khoảng 500 ngàn đồng. Con gái bà Tám Quảng là chị Võ Thị Tuyến hiện là phụ quán đắc lực cho bà Phu, lương mỗi tháng 9 triệu đồng. Bà Tám Quảng cho rằng, dù lớn tuổi nhưng vì thấy mì Quảng ngày càng được nhiều người ưa thích nên vợ chồng bà cố gắng nổi lửa mỗi ngày để kiếm sống, đỡ nhớ quê và giữ nghề, truyền nghề cho con. “Cực lắm cô ơi, tôi truyền nghề cho con mà chưa đứa nào chịu nối nghiệp nên hiện tụi nó chỉ phụ giúp thôi. Làm nghề tráng mì Quảng mỗi ngày thức dậy từ 12 giờ đêm, tráng bánh, làm mì cho tới 9 giờ sáng. Muốn mì Quảng ngon không phải chỉ chọn được gạo đạt chất lượng mà bột phải xay mịn, ngâm gạo đúng thời gian để khi xay bột không chua. Khi tráng phải ước được lượng bột nước sao cho bánh đều, không dày, không mỏng” - bà Tám Quảng chia sẻ.

Gần nhà bà Tám Quảng còn có vài gia đình cũng làm nghề bánh tráng bỏ mối cho các quán ăn trên địa bàn TP. Đồng Xoài, trong đó có quán Hương Quê. Chị Trần Thị Tuyết, quê ở Quảng Ngãi, vào Bình Phước lập nghiệp năm 2001, từng làm nhiều nghề để kiếm sống nhưng 5 năm trở lại đây, vợ chồng chị “trụ” được nhờ nghề bán bánh tráng. Chị Tuyết cho biết: Trung bình mỗi ngày, vợ chồng tôi tráng và nướng khoảng 400-500 cái bánh tráng bỏ mối, thu nhập hằng tháng từ 14-15 triệu đồng.

“1 tô mì Quảng Hương Quê hoàn chỉnh bao gồm: dĩa rau sống, ớt trái xanh, tỏi củ, mì sợi, nước lèo gồm sườn non, tôm rim, trứng cút và bánh tráng. Thực khách cầm đũa gắp một ít rau sống, trộn đều thêm miếng bánh tráng được bẻ kêu răng rắc vào tô và thưởng thức rất ngon lành. Bà Phu kể: Hồi xưa, dân Quảng Nam thấy người Hoa gọi thực phẩm có sợi là mì, rồi gọi theo là mì Quảng, chứ mì Quảng làm hoàn toàn từ bột gạo xay nhuyễn, loại gạo ngon nhứt là gạo xiệc cũ. Bây giờ không còn giống lúa đó nữa nên người làm mì Quảng phải biết chọn loại gạo phù hợp. Thêm vào đó, mì Quảng bây giờ không chỉ là đặc sản riêng của dân Quảng Nam mà còn của quốc gia, thậm chí thế giới. Vì vậy, không quan trọng người vùng nào nấu, miễn ngon và hợp khẩu vị, nâng tầm giá trị món ăn lên thành ẩm thực mới là nghệ nhân!”.

Bà Lư Thị Phu, chủ quán Hương Quê (Đồng Xoài)


Phương Dung

1 nhận xét: