11 thg 11, 2021

Ngôi chùa mang tên vị Bồ Tát

Tọa lạc ngay mặt đường Trần Phú (Bãi Dâu, TP. Vũng Tàu), chùa Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát có địa thế tuyệt đẹp: lưng tựa Núi Lớn, mặt hướng biển. Ngôi chùa mang tên vị Bồ Tát là một trong những địa chỉ hành hương nổi tiếng không nên bỏ qua của phật tử và du khách bốn phương.

Chùa Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát nhìn từ hướng biển.

Ngày Chủ nhật, tôi chạy xe theo đường Trần Phú để tìm đến chùa Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát (170, Trần Phú). Mới 9 giờ sáng nhưng hàng chục ô tô du lịch đã đậu trước cổng chùa. Dọc bờ kè phía biển trước cổng chùa, nhiều nhóm du khách đứng ngắm biển, chụp hình lưu niệm.
Sau khi gửi xe, tôi mới có dịp ngắm nhìn toàn cảnh ngôi chùa in hình vào vách núi. Xung quanh chùa là những cây xanh nhiều năm tuổi. Không gian yên bình, thoáng đãng, mát mẻ. Cổng tam quan chùa bề thế hướng ra Bãi Dâu. Gió biển thổi vào lồng lộng, mang theo vị mặn mòi. Ngay dưới chân bờ kè đường Trần Phú, tiếng sóng vỗ rì rào. Ngoài khơi, những con tàu xuôi ngược trên mặt biển xanh thẫm.

Ngôi chùa để lại ấn tượng đặc biệt với bất kỳ khách hành hương nào ngay khi vừa đến đây. Bước qua cổng chùa, bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát màu trắng cao 16m đứng uy nghi trên tòa sen. Tay Bồ Tát cầm bình Cam Lồ - bình nước phép để phổ độ chúng sinh. Khuôn mặt Phật hiền từ, nhân hậu nhìn ra hướng biển. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngoài ý nghĩa tôn giáo còn là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của ngôi chùa.

Theo lời kể của người quản lý chùa hiện nay, chùa Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát do Hòa thượng Thích Huệ Quần, người Đài Loan kiến lập năm 1969. 10 năm sau (1979), Hòa thượng Thích Huệ Quần di cư sang Hoa Kỳ, giao lại chùa cho cư sĩ Diệu Hoa quản lý. Nhờ sự đóng góp của phật tử, cư sĩ Diệu Hoa đã xây dựng lại chùa rộng rãi, khang trang như hiện nay. Sau này, cư sĩ Diệu Hoa đã thỉnh Sư cô Thích Nữ Huệ Liễu ở chùa Phước Hòa về trụ trì.

Lý giải về tên chùa Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát, nhà nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Nguyễn Hiền Đức giải thích rằng, Phổ Đà Sơn ở tỉnh Chiết Giang là một trong tứ đại danh sơn của Trung Quốc. Ngọn núi này cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Nơi đây là thánh địa của Phật giáo Trung Hoa.

Tương truyền, công chúa Diệu Thiên là con gái Sở Trang Vương thời Xuân Thu, đã từ bỏ cuộc sống cao sang quyền quý nơi cung đình để theo đuổi nghiệp thiền. Sở Trang Vương là tên bạo chúa, ngăn cản không được, nên đã giết hại con gái mình một cách tàn nhẫn. Khâm phục ý chí kiên định và lòng thành của công chúa Diệu Thiên, Diêm Vương đã hóa phép cho bà sống lại trên tòa sen trong hồ nước ở Phổ Đà Sơn. Tại đây, công chúa Diệu Thiên đã tu đắc đạo, trở thành Quan Thế Âm Bồ Tát, cứu khổ cứu nạn, phổ độ chúng sinh, kiến tạo Phổ Đà Sơn thành thánh địa của Phật giáo Trung Hoa.

Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 16m, uy nghi trên đài sen.

Trong đạo Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát được xem là vị Bồ Tát có thần lực nhất chỉ sau đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài là một vị Bồ Tát được thờ phụng trong tất cả các ngôi chùa cũng như đình, đền, am, miếu.

Chính điện chùa Quan Thế Âm là một tòa nhà rộng lớn, chiều ngang dài 25m, cao 13m và dài 23m. Kiến trúc đơn giản nhưng mỹ thuật với những bức tường và cột được chạm khắc phù điêu và tranh về các vị Phật, Bồ Tát nhiều màu sắc rất cầu kỳ. Sau lưng chùa là Núi Lớn, cây cối tươi tốt, khung cảnh yên bình và tĩnh lặng, tách biệt hoàn toàn cuộc sống náo nhiệt của một thành phố du lịch.

Chùa Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát nổi tiếng về sự linh thiêng, cũng như phong cảnh thiên nhiên thoáng đãng tươi đẹp. Do vậy, tuy không phải ngôi chùa cổ của người Việt, cũng không có kiến trúc đặc sắc nhưng đây vẫn là điểm đến được nhiều du khách tìm về khi đến Vũng Tàu.

TRẦN BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét