Giữ 2 kỷ lục Việt Nam
Đại đức Thích Minh Hậu, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bù Gia Mập, trụ trì chùa Đức Hạnh cho biết: Chùa thành lập năm 1992 do các phật tử địa phương xây dựng. Lúc đầu, chùa được làm đơn giản, thô sơ, mộc mạc bằng ván, mái lợp tôn và không có người trông coi. Năm 2001, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cử tôi về làm trụ trì. Ngôi chùa đang bị xuống cấp. Chùa đã vận động các phật tử đóng góp tu sửa, nâng cấp. Từ kinh phí đóng góp 6 tỷ đồng, năm 2008, tôi xin phép trùng tu toàn bộ hạng mục công trình, do những nghệ nhân đến từ tỉnh Tây Ninh thực hiện. Nét sáng tạo, độc đáo của ngôi chùa là sử dụng vật liệu tự nhiên, khai thác tại chỗ ở địa phương, trong đó chất liệu chính là đá.
Tham quan ngôi chùa, ấn tượng đầu tiên đối với du khách là cổng tam quan (3 cổng). Cổng chùa không xây bằng gạch hay bê tông sắt thép mà được ghép bằng những thanh đá khối khổng lồ; trong đó, cổng chính là các thanh đá khối cao trung bình 5m, rộng 0,6-0,8m, nặng 4-7 tấn; còn 2 cổng phụ, các thanh đá có kích thước, trọng lượng nhỏ hơn một chút, bằng khoảng 2/3 cổng chính. Để các tảng đá đứng vững, đảm bảo độ an toàn cao, các thợ đã chôn sâu dưới lòng đất 1,5-2m, dưới chân được cố định bằng bê tông và đá hộc chắc chắn. Khi cổng tam quan bằng đá hình thành, trụ trì chùa cho khắc tên chùa, tên tôn giáo và những câu đối, lời khuyên của Phật vào 2 mặt cổng. Chữ viết không dùng chữ Nho, chữ Hán mà hoàn toàn thuần Việt. Chùa cũng không đan xen các nền văn hóa khác vào như Nho, Lão mà thuần về Phật giáo.
Cổng tam quan chùa Đức Hạnh có lối kiến trúc độc đáo giữ kỷ lục Việt Nam
Chánh điện chùa không lớn nhưng bài trí rất tôn nghiêm với những hoa văn chạm trổ tinh tế và độc đáo trên tường. Hai bên trái, phải cửa chính là 2 tượng hộ pháp. Chính giữa tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 2,2m, rộng 1,4m, nặng 400kg. Khi chiêm bái, nếu để ý phật tử sẽ nhận ra toàn bộ tượng thờ và các vật dụng hàng chục món khác nhau như bệ thờ, lư hương, bàn thờ, mõ, chân đèn... được tạo tác từ gỗ mít rừng. Đặc biệt, có cặp chân đèn cao 1m được làm bằng gỗ mít chạm khắc rất công phu, tinh xảo mang giá trị nghệ thuật cao. Theo đại đức Thích Minh Hậu, những tuyệt tác này đều tận dụng từ các gốc cây đã qua khai thác.
Với lối kiến trúc và chất liệu của ngôi chùa toát lên bản sắc văn hóa của quê hương Bình Phước nói riêng và dân tộc Việt nói chung. Năm 2011, chùa Đức Hạnh được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục: Ngôi chùa có cổng tam quan xây dựng nhiều thanh đá nguyên khối nặng nhất. Năm 2012, chùa tiếp tục được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: Ngôi chùa có tượng thờ, bệ thờ, đồ thờ cúng tạo tác từ nhiều gốc cây và gỗ nguyên khối nhất.
Thực hiện tốt an sinh xã hội
Vào dịp lễ, tết, đầu năm học mới, chùa đều phối hợp chính quyền cơ sở, MTTQVN và các đoàn thể tổ chức hoạt động an sinh xã hội, với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Lễ Vu lan báo hiếu năm 2019, chùa tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ” trao 51 suất học bổng, 50 chiếc xe đạp, 100 suất quà tặng trẻ em nghèo, khó khăn trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, giúp các em có thêm điều kiện đến trường. Đồng thời trao 200 phần quà tặng hộ nghèo trên địa bàn, mỗi phần trị giá 300 ngàn đồng. Tổng kinh phí hoạt động từ thiện dịp Vu lan báo hiếu năm 2019 trên 200 triệu đồng.
“Những năm qua, chùa Đức Hạnh luôn phối hợp với chính quyền, MTTQ và đoàn thể xã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi; quan tâm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, gia đình khó khăn, bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi... Đặc biệt, đại đức Thích Minh Hậu, trụ trì chùa là người sống tốt đời đẹp đạo, thượng tôn pháp luật, tuyên truyền các phật tử cũng như người dân bài trừ mê tín dị đoan, xóa bỏ các hủ tục tốn kém chi phí”.
Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh Nguyễn Minh Hóa
Là Trưởng ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam huyện và trụ trì chùa, đại đức Thích Minh Hậu luôn có mối quan hệ 2 chiều, tạo khối đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ của Ban trị sự, trụ trì, tăng, ni các chùa cũng như các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng, 8 xã trên địa bàn huyện. Đặc biệt, ở chùa nghiêm cấm tình trạng mê tín dị đoan, bói toán. Trong các lễ tang, giỗ chạp, đại đức Thích Minh Hậu đều vận động người dân không đốt hay rải vàng mã, vì đây là tập tục vừa tốn kém kinh phí vừa gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan và gây nguy cơ hỏa hoạn. Thay vào đó, dịp Vu lan báo hiếu hằng năm, chùa vận động người dân thắp nến tri ân và cầu siêu tại các nghĩa trang nhân dân nhằm hướng về cội nguồn, tổ tiên. Với những hoạt động thiện nguyện, đại đức Thích Minh Hậu và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bù Gia Mập 2 năm 2017, 2018 đều được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học” năm 2018 và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đại đức Thích Minh Hậu cho biết thêm: Với lối kiến trúc độc đáo, chùa Đức Hạnh trong top 5 ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh Bình Phước, trung bình mỗi năm đón 20 đoàn khách đến tham quan, kết nối làm từ thiện, qua đó kích cầu du lịch. Tuy nhiên, diện tích chùa hiện chỉ có 2.100 m², khó khăn khi tổ chức các lễ hội, sự kiện, vì mỗi đợt có từ 1.000-2.000 khách dự. Hiện nay, Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ đang có 4.000 m² đất bỏ trống bên hông, nếu chưa sử dụng đến, chùa mong muốn được mượn làm bãi để xe và tạo không gian, cảnh quan thoáng mát, sạch, đẹp, tránh ô nhiễm môi trường và cam kết không xây dựng bất cứ công trình nào trên đó. Việc này chùa cũng đã có văn bản kiến nghị nhưng chưa được công ty phúc đáp.
Vũ Thuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét