6 thg 11, 2021

Nụ cười 'Xuân Di Lặc' qua từng tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Thụy Lam

Hàng chục, hàng trăm tượng Phật, tượng Bồ tát, các vị La hán, Hộ pháp… đã được đôi bàn tay tài hoa của Điêu khắc gia Thụy Lam tạo nắn nên, hiện đang được tôn trí tại các chùa ở cả ba miền đất nước Việt Nam và nước ngoài. Trong đó có nhiều Tượng đạt Kỷ lục Việt Nam, Kỷ lục châu Á về chiều cao, trọng lượng và thần thái của Tượng khiến người đời chiêm ngưỡng vô cùng ngưỡng mộ.

TÂM HƯỚNG PHẬT… NHIỆM MÀU TỪ ĐÔI BÀN TAY.


“Khi làm tượng, tôi đã cắt đứt hết mọi chướng duyên, chướng nghiệp, chỉ tập trung vào công việc. Tất cả mọi thứ phải để nó trôi đi nhẹ nhàng như gió thoảng. Tâm mình phải tịnh, không một mảy may vọng động. Bởi vì, vọng tâm thì mọi việc đều dễ dàng tan vỡ như bong bóng! Mình làm tượng Phật, tượng Bồ tát mà lòng không thanh thản, nhiều tạp niệm thì sẽ mất niềm tin trong từng nét vẽ... Tự mình làm mình không xứng đáng với sự thanh khiết, cao siêu của Chư Phật… Làm tượng Phật cũng như tu thiền… Và, người xây chùa thì có Pháp môn xây chùa,còn người làm tượng thì cũng phải có Pháp môn tạo tượng!”. Câu nói này tỏ rõ tâm sự bất biến của Điêu khắc gia Thụy Lam khi bắt tay vào việc tạc tượng!

Điêu khắc gia Thụy Lam, tên thật là Phạm Dân Chủ. Ông sinh năm 1945, trong một gia đình Nho giáo trung lưu tại tỉnh An Giang.

Từ thuở thiếu thời, bố mẹ ông chọn cho ông học chương trình Pháp tại Trường dòng La San. Tại đây, ngoài việc học văn hóa, ông còn được các Thầy hướng dẫn về hội họa phương Tây trong môn học: âm nhạc, hội họa, thể dục… Cho nên, khi bước chân ra đời, ông đã phần nào nắm được những quy tắc về hội họa, tạo hình mỹ thuật.

Năm 1970, khi trở về trở về Việt Nam (trước đó ông ở Campuchia), ông theo các thầy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định và nhiều danh họa khác, đi nhiều nơi để trang trí cho các sân khấu, phòng trà, khách sạn… lớn tại Sài Gòn. Thời gian này (trước năm 1975), ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các vị thầy đi trước

Duyên kỳ ngộ giữa Thụy Lam với nhà thơ Trụ Vũ là vào khoảng năm 1976 -1977, hai người đã có dịp quen biết nhau, và chính nhà thơ Trụ Vũ đã giới thiệu ông đến với Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2, TP.HCM) để trang trí cảnh chùa như: vẽ bằng chất liệu sơn mái đao nhà chùa, họa cây Bồ đề, trình bày các hoa văn, họa tiết tường chùa và tạc một vài tượng Phật (nhỏ) để tôn trí nhiều nơi trong chùa… Từ đó, cuộc đời ông đã sang trang. Tại Pháp viện Minh Đăng Quang, thấy cuộc sống ở đây thật thanh đạm, nhẹ nhàng, không bon chen, lừa lọc với đời nên ông thường ở lại hằng tuần. Vừa làm việc chuyên môn của mình, vừa nghiên cứu kinh sách Phật, đồng thời có dịp đàm đạo với các Sư trong chùa về triết học, triết lý, Phật giáo và triết lý nhân sinh.

Cho nên, tâm người nghệ sĩ Thụy Lam nhờ vậy đã dần tỏa sáng, để sau này khi trở thành điêu khắc gia thực thụ, bắt tay vào công việc tạc tượng Phật thì ông đã thực sự tịnh tâm, ăn chay, tập trung ý niệm trong từng nét vẽ, mũi đục…

NHỮNG PHO TƯỢNG CÓ TÂM, CÓ HỒN LÀM NÊN TÊN TUỔI NGƯỜI NGHỆ SĨ

Nhắc đến điêu khắc gia Thụy Lam, người ta nghĩ ngay đến những pho tượng Phật mang tầm kỷ lục, nổi tiếng nhất là pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại chùa Linh Ứng - Đà Nẵng (cao 67m), tượng Phật Di Lặc tại chùa Phật Lớn (Núi Cấm - An Giang cao 33,6m), tượng Phật Thích Ca Tọa thiền tại Thiền viện Vạn Hạnh - Đà Lạt (cao 24m), tượng Phật A Di Đà tại chùa Vĩnh Tràng - Tiền Giang (cao 23m), tượng Phật Tổ A Di Đà, chùa Tòng Lâm Lô Sơn - Nha Trang, Khánh Hòa (cao 37m)… cùng hàng chục, hàng trăm tượng Phật, Bồ tát, Hộ Phật, Hộ pháp (lớn, nhỏ)… đã hoàn thành và đang thực hiện khác tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Phước, Vĩnh Long, Bến Tre, Phú Quốc (Kiên Giang), Bạc Liêu, Phú Thọ…

Điêu khắc gia Thụy Lam dưới chân tượng Phật Di Lặc tại chùa Phật Lớn (Núi Cấm - An Giang)

Ngoài ra, ông cũng là tác giả của Bức tượng (đồng) Bồ tát Thích Quảng Đức trong Ngôi tháp Lửa Từ Bi và Tôn tượng Đức Phật Thích Ca (đồng) trong chánh điện Tổ đình Quán Thế Âm - Phú Nhuận (TP.HCM) và là đồng tác giả của pho tượng Gà Chín cựa tại làng K’long - thôn Darahoa (Đức Trọng, Lâm Đồng).

Điêu khắc gia Thụy Lam trở nên nổi tiếng từ đó, nhiều bài báo trong nước như: Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Giác Ngộ, Đạo Phật Ngày nay, Thế Giới Mới, Văn hóa Phật giáo… đã có bài viết về ông với lời lẽ ca ngợi hết mình.

Khi so sánh kích thước giữa các pho tượng và người làm nên nó, có người ví von rằng: “Tượng thì ‘to thật là to’, nhưng người tạc thì 'gầy thật là gầy' ”. Cũng đúng như vậy vì nhìn ông, tuy dáng ngoài trông gầy yếu nhưng ánh mắt vẫn còn tinh anh và nụ cười, giọng nói vẫn ôn tồn, thu hút…

Điêu Khắc gia Thụy Lam – người tạc nụ cười cho pho tượng Đức Phật A Di Đà cao 37m tại Chùa Tòng Lâm Lô Sơn - Khánh Hòa

Quay lại việc tìm hiểu những tác phẩm của điêu khắc gia Thụy Lam thì nhìn chung, phần lớn các tượng Phật do Thụy Lam tạc đều có “Nụ cười mỉm từ bi, bác ái” của chư Phật khi nhìn xuống trần gian – nơi chúng sinh đang còn đắm chìm trong bể luân hồi. Còn…, có hay không những câu chuyện bí ẩn về tâm linh trong từng tác phẩm thì có lẽ, chỉ có tác giả mới giải thích được?.

Năm 2020, điêu khắc gia Thụy Lam đã bước qua tuổi 75 nhưng máu “giang hồ rày đây mai đó” vẫn còn chảy trong ông:"Tôi không muốn ở yên một nơi, ngồi lặng câm một chỗ mà vẫn còn muốn đi…đi thật nhiều và thật xa để tìm nguồn sáng tạo. Sắp tới, tôi sẽ ra Phú Thọ làm cố vấn việc tạc pho tượng Phật Thích Ca Chuyển Pháp luân (gồm 3 tượng ngồi đâu lưng nhau), mỗi tượng cao 25m. Lẽ ra công trình này đã hoàn thành xong, nhưng vì tình hình dịch bệnh Covid 19 trước đây và hiện nay nên đành phải chờ hết dịch mới bắt tay vào việc.” Và ông tiếp lời như vậy.

GIAN TRUÂN THỜI TRẺ TUỔI

Là người được gia đình đưa sang đất nước Campuchia sinh sống từ nhỏ với nhiều cam go, khó khăn ở xứ người… Đến năm 1970, khi những biến động về chính trị, xã hội xảy ra trên đất nước Chùa Tháp, ông mới trở về Việt Nam… Và rồi, sau năm 1975, hầu như tất cả những ngành nghề về mỹ thuật như hội họa, điêu khắc… đều chựng lại, anh em văn nghệ sĩ phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống, trong đó có Thụy Lam và nhà thơ Trụ Vũ cùng hành nghề “buôn ve chai, đồng nát” nhiều năm liền. Và cũng nhờ sự quen biết ấy, ông mới có dịp đến Pháp viện Minh Đăng Quang để làm việc như đã nói ở phần trên.


Còn việc để trở thành điêu khắc gia thực thụ thì, sau khi rời Pháp viện Minh Đăng Quang về nhà, Thụy Lam tìm đến Cơ sở làm tượng của ông Bảy Chánh, một điêu khắc gia tạc tượng Phật nổi tiếng tại vùng Phú Lâm để xin thọ giáo, học nghề. Thấy Thụy Lam có năng khiếu, hiền lành, chăm chỉ, là người có tâm Phật , nên ông Bảy Chánh nhiệt tình chỉ dạy từng li, từng tí một... Để rồi ngày hôm nay, sau hơn 40 năm tận tụy với nghề, Thụy Lam đã để lại cho đời nhiều tác phẩm điêu khắc hình tượng các vị chư Phật, Bồ tát, La hán, Hộ pháp… tuyệt vời, đạt kỷ lục mà khó có nghệ nhân nào sánh bằng.

Khi được hỏi: “Ông làm nhiều tượng Phật, Bồ tát đạt Kỷ lục Việt Nam và châu Á như vậy nhưng bản thân ông có phải là Kỷ lục gia Việt Nam không? Thụy Lam nở nụ cười đôn hậu và nói: “Việc của tôi là tôi làm thôi chứ tôi không nghĩ ngợi gì xa xôi. Những tác phẩm của tôi đạt Kỷ lục, và sở hữu những Kỷ lục ấy là các Chùa là niềm hạnh phúc, sung sướng cho tôi rồi, còn bản thân mình thì…? Có lẽ một ngày rất gần đây tôi cũng đăng ký sở hữu một kỷ lục nào đó để trở thành Kỷ lục gia Việt Nam như mong mỏi của anh em bạn bè…”

Có gì lạ trong quá trình tạc tượng Phật của ông không Điêu khắc gia? Tôi hỏi.

- Có chứ! Các chùa thường dành cho tôi một “cái thất” nhỏ để làm việc, “thất” này khi mọi người đến thăm thường gọi đùa là "tuyệt tình cốc" vì ở đó thực sự yên ắng, tĩnh lặng, “một con kiến chạy qua cũng nghe tiếng động (cười…). Nơi này, trước khi phác thảo về tượng Phật hay tượng Bồ tát, tôi thường ngồi tịnh tâm hằng giờ để chiêm nghiệm, ấp ủ hình ảnh các Ngài trong lòng rất lâu. Việc "nhập thất" ấy diễn ra trong vài ngày, vài tuần, có khi cả tháng... Thụy Lam vui vẻ cho biết.


Pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại chùa Linh Ứng - Đà Nẵng

Ông quan niệm thế nào về những nghệ nhân chuyên làm tượng Phật?

Không chút đắn đo, Thụy Lam bày tỏ: “Làm tượng Phật thì phải ra Phật. Tượng Phật, dù ở tư thế nào đi nữa cũng phải có đủ 3 yếu tố: Bi - Trí - Dũng. Cho nên, người tạc phải thường xuyên quán tưởng về Ngài. Sự quán tưởng, suy niệm ấy phải trải dài từ ngày này sang ngày khác. Phải nắm bắt, ghi nhớ từng chi tiết một trên gương mặt Phật, cho đến khi hình ảnh chư Phật, chư vị Bồ tát hiện rõ ràng mồn một ra trước mắt mình, khi ấy Tượng người tạc mới thực sự mang hồn của Phật”

Còn riêng ông thì sao?

Trầm ngâm giây lát, điêu khắc gia Thụy Lam cho biết: “Thực ra tôi cũng là người chưa tu hành đạt đạo gì đâu, tôi cũng chỉ là một Phật tử bình thường như hàng trăm, hàng ngàn Phật tử khác thôi. Nhưng khi làm tượng, tôi phải giữ “thân trong sạch, tâm thanh tịnh”. Hai điều đó là cốt lõi của việc tạc tượng Phật. Còn khi đứng trước một tượng Phật với kích thước to lớn, vượt xa tầm mắt mình thì mình không thể tuân theo tiêu chuẩn sách vở, mà phải làm bằng kinh nghiệm và trực giác. Ví dụ: “ Cái răng của Phật Di Lặc ở Núi Cấm (An Giang) đã có kích thước: 4 tấc (trong khi thân mình tôi chỉ hơn 2 tấc); và Nụ cười của Ngài Bồ tát Quan Âm (Đà Nẵng) rộng đến 1,4m, mỗi con mắt rộng 1,2m! Mình phải nhìn quán xuyến theo không gian đa chiều chứ không chỉ có 3 chiều.”

Việc truyền thụ tay nghề của mình cho hậu thế, có hay không việc giữ lại “tuyệt chiêu”! Ông nghĩ sao?

- Ồ không, tôi không nghĩ vậy! Truyền thụ tay nghề cho đội ngũ kế thừa thì tôi chưa bao giờ có ý định giấu nghề. Tôi đã trao hết tất cả những gì mình có được trong điêu khắc, tạc tượng cho học trò mình. Nhưng, như Đức Phật từng dạy rằng: “Có những cái không cho được và cũng không nhận được”. Nếu người làm tượng Phật mà chỉ căn cứ vào kinh điển để diễn tả về: 32 Tướng tốt và 80 Vẻ đẹp của Phật để làm tượng thì theo tôi, có lẽ… chưa ổn? Chúng ta phải biết quán tưởng và tự thể nhập vào Đức Phật của chính mình. Phải có một hình tượng Phật gần gũi với dân tộc Việt Nam, từ màu da, nụ cười cho đến đôi mắt… Cho nên, người làm tượng Phật vừa phải dựa vào cả hai yếu tố: kinh điển và sự quán tưởng. Tác phẩm của con người thì phải có tính sáng tạo, phải sống và phải mới. Cái đó cũng giống như sự thực chứng trong việc tu tập vậy, không thể cho và nhận được!

Xin mượn câu chuyện về Phật mà điêu khắc gia Thụy Lam bày tỏ dưới đây để kết thúc bài viết này:

“Tinh hoa hội họa nằm ở trong kinh Phật. Tôi còn nhớ một câu chuyện về Phật: - Có lần Đức Phật hỏi một vị Tỳ kheo rằng: Thế nào là một bức tranh tuyệt tác? Vị Tỳ kheo trả lời: “Một bức tranh tuyệt tác là một bức tranh được vẽ bằng tâm thức.” - Đức Phật nhìn vị Tỳ kheo bằng ánh mắt từ bi rồi nói thêm: Nhưng cái tâm còn tuyệt tác hơn bức tranh đó nữa!”

(chuyện được Thụy Lam trích trong sách “Thiền và Phân tâm học” của 3 tác giả nổi tiếng: Erich From, Richard Martino và Daisetz Teitaro Susiki).

Trương Như Bá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét