1 thg 11, 2021

Kỳ bí những vồ, điện trên núi Cấm - Bài 1: Vồ Đầu lưu dấu cao nhân

Từ lâu, núi Cấm (Tịnh Biên) được xem là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách xa gần. Khi đặt chân đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào vẻ đẹp hoang sơ và nghe kể về những câu chuyện kỳ bí của các bậc tiền nhân.

Vồ Đầu lưu dấu cao nhân

Sáng sớm, sương giăng bảng lảng trên đỉnh Thiên Cấm sơn, nhiều đoàn khách nối đuôi nhau vượt dốc. Lên đến vồ Đầu, người nào cũng lấm tấm giọt mồ hôi. Chốc chốc, cái se lạnh dễ chịu của núi rừng ùa về xua đi phần nào mệt nhọc.

Như được tái sinh:

Ở độ cao khoảng 600m, hướng Tây Bắc, cách tượng Phật Di Lặc khoảng 3km, vồ Đầu nằm trong 5 non gồm: Vồ Bò Hong, vồ Bà, vồ Ông Bướm và vồ Thiên Tuế. Nếu đi bộ khu vực tượng Phật Di Lặc đến vồ Đầu mất khoảng 1 giờ đồng hồ, còn đi bằng xe gắn máy chỉ mất khoảng 25 phút. Theo dân gian truyền miệng, vồ Đầu được xem là vồ đầu tiên của núi Cấm. Ở vồ Đầu có 2 điểm du lịch tâm linh huyền bí là điện 13, thờ Hoa Sơn Thánh Mẫu và cửu huyền trăm họ. Khách hành hương quan niệm rằng, đến núi Cấm phải chinh phục cho được điện 13 bằng cách đi qua các khe núi, rồi chui vào sâu trong mê cung đá để trải lòng. Có người chui ra khỏi hang và thốt lên, điện 13 y như hang “mẹ sanh mẹ đẻ”. Họ còn quan niệm, nếu chui qua điện 13 thì giống như được sanh ra một lần nữa trong cõi trời đất này. Điện 13 âm u tĩnh mịt chui qua rất khó khăn, do đó phải thắp sáng bằng nến thì mới thấy đường đi. Khi đến những nơi sâu và hẹp phải hít sâu lồng ngực mới lách qua được các “ải” của núi đá. Bên trong hang điện 13 sâu và dài khoảng 50m, khiến nhiều người phải “ngộp” khi lần đầu tiên chui qua.

Vồ Đầu.

Điện 13 còn được ví như “cửa trời”. Phía ngoài còn có những tảng đá to y như có bàn tay của đấng siêu nhiên dựng lên cao vút. Khi khám phá điện 13 xong, du khách tiếp tục cuộc hành trình leo lên vồ Đầu cách đó hơn 100m. Ngày xưa, vồ Đầu rất khó đi. Những người đi rừng kể rằng, muốn tới vồ Đầu mất cả ngày, phải dùng rựa, gậy vạch đường mà đi. Hồi đó, ở đây rất thâm u nên thú rừng trú ngụ nhiều, thậm chí còn có cả cọp và rắn to...

Du lịch tâm linh hấp dẫn:

Ngày nay, dọc theo con đường đến vồ Đầu có nhiều hàng quán, nhà trọ mọc lên để phục vụ khách hành hương. Nhiều đoàn khách ngoài tỉnh đến khám phá núi Cấm mất khoảng 5 - 6 ngày. Khi lên vồ Đầu, họ còn mang cả gạo và thức ăn để nấu cơm. Để tiện cho khách hành hương, các chủ quán ở đây đảm trách công việc bếp núc. Đây là cách để níu chân du khách đến núi Cấm ngày càng nhiều. Chị Nga, bán bún chay dưới chân vồ Đầu, cho biết, không biết có từ khi nào mà trên đỉnh vồ Đầu đã được các bậc tiền nhân xây dựng một ngôi miếu thờ Thánh Mẫu và thờ cửu huyền trăm họ. Nhiều đoàn du khách đến đây, họ khấn vái trời đất, thánh thần cầu mong gặp nhiều điều tốt lành.

Đông đảo khách đến cúng viếng.

Còn cô tư Hương ở Cần Thơ, dẫn đoàn khách hành hương đến đây cúng viếng, hồ hởi: “Đi núi non trước ngắm cảnh, sau cúng viếng các chùa chiền, hang động trên núi. Sáng giờ, chúng tôi leo lên được một số điểm trên núi Cấm”. Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là cô tư Hương cũng dẫn trên dưới 20 đoàn khách, mỗi đoàn từ 50- 100 người leo núi Cấm. Đi du lịch hành hương dài ngày trên núi sẽ giúp mọi người khám phá tất cả các điện, vồ ở đây. “Bây giờ đường lên vồ Đầu tương đối thuận lợi, nếu trong đoàn có người già hoặc trẻ em thì chúng tôi nhờ xe ôm chở lên. Nhìn chung đồ ăn, thức uống ở đây giá cũng bình dân và cung cách phục vụ chu đáo nên làm hài lòng mọi người” - cô tư Hương bày tỏ.

Bài, ảnh: LƯU MỸ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét