1 thg 11, 2021

Kỳ bí những vồ, điện trên núi Cấm - Bài 2: Trứ danh vồ Thiên Tuế

Ngày trước, các bậc tiền nhân đến vồ Thiên Tuế khai sơn phá thạch và tìm am cốc để tu tiên. Sở dĩ có tên gọi vồ Thiên Tuế vì nơi đây hiện hữu nhiều cây thiên tuế cổ thụ, một địa danh nổi tiếng bậc nhất núi Cấm.

Vồ Thiên Tuế vắng bóng… cây thiên tuế

Từ con đường chính ở lưng chừng núi Cấm, rẽ phải là đến vồ Thiên Tuế. Dưới một tảng đá to, người dân thờ sơn thần lúc nào cũng nghi ngút khói nhang để khách hành hương đến viếng. Nhiều giai thoại cho rằng, xưa kia ở vồ Thiên Tuế có bãi đất trống nên Đức Phật Thầy Tây An đã chọn làm nơi tu hành thành đạo. Theo đó, vồ Thiên Tuế có 3 điểm còn lưu dấu bậc cao nhân, gồm: Nơi thiền của Đức Phật Thầy Tây An, nơi phát nguyện của vua Hàm Nghi và giếng nước của vua Gia Long…

Cây thiên tuế bị bứng gốc.

Nếu như vài năm trước, ở vồ Thiên Tuế người ta còn thấy cây thiên tuế nhiều vô kể thì nay chỉ còn vài cây do bị triệt hạ quá mức. Trong tương lai, những cây thiên tuế cổ thụ tại địa danh này sẽ mai một và đi vào huyền thoại. Rảo một vòng tại vồ Thiên Tuế tìm mỏi mắt mới thấy được vài ba cây thiên tuế còn sót lại. Thỉnh thoảng mới gặp những gốc thiên tuế cổ nằm trơ trọi giữa các hòn đá to (có lẽ do người ta sưu tầm làm kiểng, thấy không ưng ý nên bỏ lại). Người dân cho biết, khoảng chục năm trước, vồ Thiên Tuế hiện hữu hàng vạn cây thiên tuế rừng. Có cây cao hơn 2m, tán sum suê, thân uốn lượn như hình rồng, trông rất đẹp. Nhưng sau đó, phong trào chơi kiểng thiên tuế trở nên thịnh hành, người ta kéo nhau lên rừng lùng sục, đào bới làm cho quần thể thiên tuế bị tàn phá nhanh chóng.

Lão hai Kiên (75 tuổi), lên núi Cấm sống cách đây hơn 30 năm, nói rằng, hồi đó quanh khu vực này mọc toàn thiên tuế và tre rừng. Ở vùng núi cao, cây thiên tuế có sức sống mãnh liệt. Nhiều cây bị triệt hạ bỏ lăn lóc theo tảng đá, mùa khô thiếu nước vậy mà vẫn sống. “Cũng thật lạ, trên núi Cấm duy chỉ có vồ này là mọc nhiều thiên tuế, nhưng hiện tại, khu vực này chỉ còn sót lại hơn chục cây thiên tuế rừng cổ thụ. Mấy năm trước, một số hộ dân đã sưu tầm được khoảng 5- 6 cây thiên tuế trên 100 năm tuổi, với hình dáng rất đẹp. Tương lai, loại cây này sẽ biến mất theo thời gian. Rồi đây, địa danh vồ Thiên Tuế sẽ đi vào tiềm thức” - hai Kiên nói.

Quy tụ nhiều giai thoại:

Hang Ông Hổ.

Dưới vồ Thiên Tuế khoảng 100m có một cái hang sâu. Không biết cái hang có từ bao giờ, người ta đặt tên là hang Ông Hổ và gắn với nó nhiều câu chuyện huyền bí. Ngồi bên vồ Thiên Tuế, lão hai Kiên cười khà: “Lên đây sống mấy chục năm trời, nghe người xưa kể nhiều câu chuyện về hổ ở vồ Thiên Tuế và núi Bà Đội Om. Có người cho rằng, ngày trước tại vồ Thiên Tuế “mấy ổng” (thú dữ) nhiều lắm. Những đêm trăng rằm, hổ ở khắp chốn núi rừng quy tụ về đây. Cái hang còn tồn tại ngày nay là hang Bạch Hổ. Con hổ này là hổ tu chứ không phải hổ dữ. Hồi trước, “mấy ổng” đấu với nhau sáng đêm để phân tranh lãnh địa. Bạch hổ có chơn tu nên đánh bại hắc hổ ở núi Bà Đội Om chạy sâu vào rừng. Nghe những câu chuyện này, dân gian truyền tụng và họ đặt tượng bạch hổ và hắc hổ thờ trước hang cho đến bây giờ để ghi nhớ những tích xưa”.

Hầu hết, các đoàn khách đặt chân đến núi Cấm đều ghé qua vồ Thiên Tuế, rồi đi bộ xuống hang Ông Hổ. Ông ba Hải (78 tuổi, quê ở Đồng Tháp) cùng bà con trong xóm viếng núi và ghé qua hang Ông Hổ từ rất sớm. Vuốt mình bạch hổ thờ trước hang, ba Hải cười móm mém: “Nghe địa danh này đã lâu, hôm nay mới đến tận mắt nhìn “mấy ổng”. Thấy chiếc hang bóng nhoáng, chắc ngày trước ông Hổ sống ở đây. Cái hang này, miệng to bằng thúng giê, tôi chui qua lọt tót, phía bên trong, sâu khoảng 7m. Người ta kể, đây là chiếc hang lý tưởng nhất nên “mấy ổng” đánh nhau để giành chỗ ở. Có giai thoại khác kể rằng, đây là chiếc hang được một tu sĩ tạo nên để ở ẩn”.

Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu, tại vồ Thiên Tuế, ngày trước cụ Cử Đa dùng làm sân dạy võ nghệ cho các đồ đệ chống Pháp. Người ta còn đồn rằng, cụ Cử Đa đã tu đắc đạo nên thu phục được hổ mun tại núi Bà Đội. Sau đó, từ vồ Thiên Tuế cụ ngược lên núi Tà Lơn tu tiên và mất ở đó.

Hiện nay, ấp Thiên Tuế (xã An Hảo, Tịnh Biên) là nơi tập trung đông dân cư, với nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: Chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm, điện Ông Hổ, vồ Ông Bướm, vồ Ông Voi - địa chỉ hấp dẫn đối với khách hành hương trong và ngoài tỉnh. Không dừng lại ở đó, địa phương lấy vồ Thiên Tuế làm địa danh đặt tên ấp Thiên Tuế trên đỉnh núi Cấm khá độc đáo.

Bài, ảnh: LƯU MỸ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét