1 thg 11, 2021

Kỳ bí những vồ, điện trên núi Cấm - Bài 3: Tín ngưỡng dân gian

Thiên Cấm Sơn vốn được xem là một trong những ngọn núi kỳ bí, ẩn chứa nhiều huyền thoại thu hút du khách. Nơi đây có những điện thờ linh thiêng được hình thành từ dòng chảy của lịch sử và tín ngưỡng tâm linh dân gian.

Tín ngưỡng dân gian

Từ lịch sử…

Nằm cách vồ Thiên Tuế không xa, men theo những lối mòn chạy lẫn khuất dưới bóng râm bạt ngàn của cây rừng, chúng tôi đến điện Gia Long, điểm thờ cúng được khá nhiều người dân lui tới. Dịp đầu năm, rất nhiều du khách đến viếng điện Gia Long với niềm tin sẽ được ban phước lành. Gọi là điện nhưng thực tế đó chỉ là một ngôi miếu nhỏ được cất trên tảng đá lớn, sơn màu đỏ, bên trong đặt chân dung Đức Thế tổ Nguyễn Ánh.
Vật phẩm cúng tế khá đơn giản, chỉ là miếng bánh, nhúm trà, vài ly rượu nhỏ và nén hương thơm nhưng tất cả đã nói lên sự thành kính của người dân. Bên cạnh những huyền bí về sự mầu nhiệm, núi Cấm còn trở nên nổi tiếng bởi sự gắn bó mang tính lịch sử với vị vua đầu triều Nguyễn. Trên bước đường lưu lạc, nhằm tránh khỏi sự vây hãm của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã đưa tùy tùng lên núi trú ngụ, từ đây xuất hiện giai thoại về tên gọi của ngọn núi hùng vĩ này. Do binh sĩ nhà Nguyễn sợ quân Tây Sơn phát hiện nên đã cấm người dân lên núi, từ đó nó được mang tên núi Cấm.

Người dân địa phương kể về chiếc ngai đá của vua Gia Long trên núi Cấm

Theo người dân trên núi, những đạo sĩ tu tiên ngày trước kể, những người lên núi lập nghiệp đã dựng lên hàng loạt huyền thoại về vua Gia Long: Có lần lên núi khát nước, Nguyễn Ánh đã cắm thanh gươm xuống đá liền phún lên dòng nước cho binh sĩ uống; rồi chiếc ngai đá mà nhà vua hay ngự... Những câu chuyện ấy đã nhuốm màu huyền thoại trên vùng Thất Sơn thuở trước.

“Tôi đến đây vì muốn biết điện vua ra sao, mình cũng muốn thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với tiền nhân. Với lại, nghe những câu chuyện ly kỳ cũng hay lắm!” - chị Trần Ngọc Mỹ, khách hành hương, bày tỏ.

Một nhân vật lịch sử như Nguyễn Ánh, người đã lập nên triều đại vàng son kéo dài 143 năm, được thần thánh hóa trong tín ngưỡng của Nhân dân là lẽ tự nhiên. Song, những huyền thoại về ông trên Thiên Cấm Sơn đến ngày nay vẫn còn hiện hữu qua những câu chuyện của người dân địa phương.

Đến huyền thoại

Nằm trên một vồ đá khá cheo leo, điện Cây Quế cũng là một địa chỉ hành hương được người dân thường tìm đến. Vì vị trí khá đặc biệt, có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của núi Cấm nên nhiều du khách tỏ ra thích thú khi đặt chân đến đây. Điện Cây Quế hiện lên trong lời kể của Nhân dân với những câu chuyện đẫm màu sắc tâm linh. Tương truyền rằng, xưa kia nơi đây có một cây quế đại thụ và một bắp trầm hương, mùi thơm ngào ngạt khắp núi rừng. Nhưng chỉ có những ai thật thà, thì mới có cơ duyên gặp được quế và trầm; những kẻ động lòng tham muốn độc chiếm thì phải trả giá. Để canh giữ 2 vật quý này, cặp rắn hổ mây khổng lồ đã đến trấn thủ tại đây khiến những ai nuôi mộng làm giàu từ cây quế và bắp trầm hương đều phải nhận lãnh sự trừng phạt.

Tảng đá lớn tại điện Cây Quế cũng được người dân cúng bái.

Tại vồ đá này, người ta dựng lên một ngôi điện thờ tam giáo, trong đó nằm ở vị trí cao nhất là điện thờ Ngọc Hoàng, rồi đến điện thờ Diêu Trì Kim Vương Mẫu và trăm họ. Để đến được điện Cây Quế, chúng tôi đã tháp tùng một đoàn khách hành hương ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Thanh Hoàng, ngụ huyện Hòn Đất (Kiên Giang), cho biết: “Mỗi lần hành hương đến đây lại thấy lòng nhẹ nhàng, gạt bỏ những điều không vui trong cuộc sống. Tháng Giêng năm nào, tôi cũng đi núi viếng chùa, điện cầu mong những điều tốt lành”.

Mặt trời đã khuất sau lưng ngọn Thiên Cấm Sơn, bóng núi in một mảng râm khá lớn xuống vùng đồng bằng. Cùng đoàn hành hương trở về, áo đẫm mồ hôi, chúng tôi hì hục bước ngược dốc. Trong cái lạnh dần đến của núi rừng về đêm, dòng người lặng lẽ bước đi trong làn sương mỏng như đang chìm trong những huyền thoại linh thiêng.

Bài, ảnh: THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét