29 thg 11, 2021

Linh thiêng đền thờ Bà Triệu


Đền thờ Bà Triệu nằm trong quần thể di tích Bà Triệu nằm trên địa bàn của làng Phú Điền, xã Triệu Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Đây là công trình có giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.


Theo truyền thuyết, sau khi Bà Triệu mất, nhân dân làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã xây dựng đền thờ bà ở sườn núi Gai bằng tranh tre nứa lá để thờ phụng, tưởng nhớ công đức. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, đền được tu bổ, mở mang. Hiện nay, từ ngoài vào trong đền có các hạng mục: Cổng tứ trụ, hồ chữ nhật, bình phong, tiền đường (hai bên có nhà tả vu và hữu vu), trung đường và hậu cung. Trong ảnh là tấm bình phong lớn bằng đá nguyên khối, tạo tác theo hình cuốn thư. Sau bình phong là nghi môn trung, kiến trúc kiểu tứ trụ truyền thống.

Sử cũ chép, khi vua Lý Nam Đế (549-602) đi đánh giặc Lâm Ấp xâm chiếm bờ cõi ở phương Nam đã dừng chân ở đền thờ Bà Triệu khẩn cầu sự phù hộ của bà. Khi chiến thắng trở về, nhà vua đến đền thờ để tạ ơn. Nhà vua đã cấp tiền để mở mang ngôi đền này và tôn hiệu Bà Triệu là "Bật chính anh liệt hùng tài chinh nhất phu nhân". Sau này, Bà Triệu còn được các triều đại phong kiến Việt Nam thời Lê - Nguyễn phong sắc thần linh. Trong ảnh: Nghi môn nội có kiểu dáng như tam quan của chùa, gồm hai tầng mái, ba cửa ra vào, bốn cột cao ở cửa giữa và bốn cột thấp ở hai cửa bên, mái lợp ngói âm dương.

Ngày 28/7/2003, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo về việc lập quy hoạch và dự án đầu tư tôn tạo di tích Bà Triệu. Năm 2005, dự án được phê duyệt và tiến hành thi công. Đến năm 2008, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khu di tích đền Bà Triệu đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam vào năm 2014. Trong ảnh là hồ nước có kích thước chiều rộng 29,8m, dài 42,2m, xung quanh ba mặt được xây lan can thấp bằng đá; các trụ đá có hình thức kiến trúc hình trụ, tường gắn hoa chanh bằng gốm.

Sau nghi môn nội là Tiền đường của đền Bà Triệu. Đây là một trong ba điện thờ chính của khu di tích. Công trình có ba gian hai chái, mái thu hồi bít đốc, vì kèo kiểu “quá giang, trụ đinh, kèo suốt” đặt trên bốn hàng chân cột bằng đá núi Nhồi.

Phía sau tòa tiền đường là trung đường và hậu cung được xây dựng theo một kiến trúc ba gian, hai chái.

Trung đường có hai tầng mái cong, bốn vì kèo gỗ cấu trúc “giá chiêng chồng rường kẻ bẩy”, trang trí đề tài tứ linh, hình hoa lá, vân mây, rồng hóa.

Bậc tam cấp của trung đường có rồng chầu bằng đá xanh nguyên khối, kiểu dáng thời Lê.

Sau tòa trung đường là hậu cung, một kiến trúc ba gian, hai tầng mái cong, với bốn vì kèo kiểu “giá chiêng chồng rường, kẻ bẩy”, bốn hàng chân cột.

Từ bao đời nay, nhân dân làng Phú Điền đã tổ chức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tuân theo phong tục cổ truyền (ngày lễ, tết cổ truyền, ngày mất của bà Triệu). Trong đó, lễ hội chính được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 19 đến ngày 22 tháng hai âm lịch.

Vì kèo gỗ có cấu trúc giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy


Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức hai năm một lần, thường là năm chẵn. Những năm lẻ, người dân vẫn tổ chức lễ dâng hương tế lễ, không tổ chức rước kiệu.


Bộ chấp kích được trưng bày trong đền thờ



Tại đền thờ còn có những tài liệu, hiện vật giúp khách tham quan tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Phú Điền nói riêng, cộng đồng văn hóa làng xã nói chung.

Theo Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Bà Triệu còn được gọi là Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) tại miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc thôn Cẩm Trướng, xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá). Theo truyền thuyết, cha mẹ mất sớm, năm 20 tuổi, chưa lấy chồng, bà với anh là Triệu Quốc Đạt chiêu nạp trai tráng trong vùng, luyện tập võ nghệ nổi dậy khởi nghĩa chống quân Ngô.

Khởi nghĩa bắt đầu vào năm 246 - 247, tại vùng núi Nưa (thuộc Kẻ Nưa – Cổ Định, huyện Nông Cống, nay là huyện Triệu Sơn). Triệu Thị Trinh cùng anh trai đã thảo hịch kể tội ác giặc Ngô đối với nhân dân ta và kêu gọi mọi người đứng lên đánh giặc cứu nước. Ngay khi lời hịch truyền đi và cờ khởi nghĩa giương lên đã được đông đảo nhân dân trong vùng hưởng ứng. Khi Triệu Quốc Đạt mất, bà được nghĩa quân tôn làm chủ soái, xưng là Nhuỵ Kiều tướng quân (nữ tướng yêu kiều như nhụy hoa), giặc Ngô thì gọi bà là Lệ Hải Bà Vương).

Sau một thời gian gấp rút xây dựng lực lượng, tích trữ lương ăn, nghĩa quân Bà Triệu đã đủ mạnh để tấn công thành Tư Phố, đó là căn cứ quân sự lớn nhất, là đầu não của bộ máy cai trị quan quân nhà Đông Ngô trên đất Cửu Chân. Cuộc tấn công thành Tư Phố giành được thắng lợi trọn vẹn. Bà Triệu cùng đại quân của mình vượt sông Mã xuống Bồ Điền (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay). Trước tinh thần và khí phách anh hùng của người con gái mới tròn hai mươi tuổi, đông đảo nhân dân Cửu Chân đã khâm phục và gia nhập nghĩa quân của Bà. Nhờ vậy, các thành ấp của giặc Ngô ở Cửu Chân lần lượt bị hạ.

Triệu Thị Trinh cùng quân sỹ củng cố lực lượng ra sức chống Ngô song cũng chỉ kéo dài được nửa năm do lực lượng non trẻ, binh ít, thế cô. Trong một trận huyết chiến với quân Ngô tại khu căn cứ Bồ Điền, Bà Triệu đã anh dũng ngã xuống trong sự tiếc thương, kính phục từ nhân dân. Đó là ngày 22 tháng 2 năm 248. Ngày mất của Bà Triệu từ bao đời nay đã trở thành ngày lễ hội tại đền thờ bà.

Long Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét