9 thg 9, 2024

Độc đáo hương vị xôi lá sau sau

Với cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn, Tết Thanh Minh (diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 23/2 đến ngày 10/3 âm lịch) là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm. Đây là dịp để mọi người trong gia đình cùng tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Trong mỗi mâm cơm cúng gia tiên, không khó để bắt gặp hình ảnh những đĩa xôi lá sau sau thơm dẻo, đậm chất quê.

Sau sau là loại cây thân gỗ, mọc lá tự nhiên vào khoảng cuối tháng 2 và đầu tháng 3 âm lịch, có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... Tại Lạng Sơn, cây sau sau có ở hầu hết các huyện nhưng tập trung nhiều tại các huyện: Văn Quan, Cao Lộc, Bình Gia... Hằng năm, cứ vào dịp tết Thanh Minh, bên cạnh món xôi lá cẩm, xôi ngũ sắc, người dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng còn thường làm món xôi lá sau sau để cúng gia tiên. Xôi có màu đen bắt mắt, khi ăn có vị thơm đặc trưng riêng.

Để tìm hiểu về công đoạn chế biến món xôi độc đáo này, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà La Thị Tuyết, thôn Bản Noóc, xã An Sơn, huyện Văn Quan. Trong lúc đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu, bà Tuyết chia sẻ: Hằng năm vào dịp này, gia đình tôi thường làm xôi lá sau sau, một loại xôi có từ lâu đời của người dân tộc Tày, Nùng. Nguyên liệu để làm xôi rất dân dã, mộc mạc, chỉ cần gạo nếp và lá sau sau… nhưng để làm được ra mẻ xôi thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo của người làm. Sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong quá trình chế biến nên món xôi được bày biện cạnh mâm cỗ cúng của mỗi gia đình còn thể hiện cho tấm lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên.

Bà La Thị Tuyết, thôn Bản Noóc, xã An Sơn, huyện Văn Quan thực hiện công đoạn ngâm gạo để chế biến xôi lá sau sau

Để món xôi lá sau sau thơm ngon, dẻo ngọt đúng vị thì khâu quan trọng nhất chính là chọn nguyên liệu. Gạo để làm xôi phải là loại gạo nếp cái hoa vàng, hạt to, tròn, bóng mẩy. Lá sau sau sau phải chọn những lá to bánh tẻ, có vị thơm nhẹ, khi hái về cần được rửa sạch, băm nhỏ và mang đi ngâm nước từ 4 đến 5 ngày cho ra nhựa. Để lấy được màu nước đặc trưng, người làm lọc nhiều lần để loại bỏ cặn lá và đun trên bếp, trong quá trình đun nước, người làm không được để lửa to quá mà phải đảo liên tục đến khi nước chuyển sang màu đen. Sau đó, người làm ngâm gạo với nước cốt lá sau sau từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ, để xôi có màu đen sẽ đun lại nước lá sau sau rồi ngâm đi ngâm lại 3 - 4 lần đến khi gạo chuyển sang màu xanh đen thẫm.

Sau khi đã hoàn thành tất cả các công đoạn, người làm xôi sẽ cho gạo vào chõ và mang lên bếp đồ trong khoảng 30 phút. Trước khi đồ, họ phải dùng đũa tạo thành các lỗ nhỏ trên bề mặt gạo để hơi nước lan tỏa đều giúp cho hạt nếp chín kỹ hơn. 

Xôi lá sau sau thành phẩm có màu đen đẹp mắt

Xôi lá sau sau sau khi chín giữ nguyên được màu đen tuyền với hương vị dẻo thơm của gạo nếp, vị thanh mát, đậm đà của lá sau sau. Khi ăn, người thưởng thức có thể cảm nhận rõ từng hương vị của các loại nguyên liệu được hòa quyện lại với nhau. Càng nhai kỹ, càng cảm nhận rõ vị ngon hòa quyện từ món xôi và cảm nhận được sự ấm cúng của gia đình và hương vị truyền thống của dân tộc.

Không chỉ người dân huyện Văn Quan, vào dịp này, nhiều gia đình trong tỉnh cũng tất bật chuẩn bị các nguyên liệu để làm xôi lá sau sau. Bà Lâm Thị Nhung, thôn Pác Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia cho biết: Từ khi còn nhỏ, tôi đã được bà và mẹ dạy cách làm xôi lá sau sau. Cứ vào mỗi dịp Tết Thanh Minh, dù ai trong gia đình tôi đi làm ăn xa đều trở về nhà, quây quần bên nhau làm món xôi này để cúng gia tiên và thưởng thức. Cách làm xôi truyền thống này đến nay vẫn được người dân tộc Nùng chúng tôi truyền từ đời này qua đời khác, qua đó góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Chính cái phong vị mộc mạc, thân thuộc, đậm hồn quê ấy đã tô điểm thêm cho nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng và khiến những người con Xứ Lạng xa quê luôn nhớ và tìm về thưởng thức. Chị Nông Thị Thúy Hiển, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội chia sẻ: Đi làm ăn xa quê đã lâu, cứ mỗi dịp về quê ăn Tết Thanh Minh, tôi lại được bà ngoại làm xôi lá sau sau cho ăn, đây là món ăn gắn liền với tuổi thơ của tôi. Mùi thơm đặc trưng của lá sau sau hòa quyện cùng xôi nếp cái hoa vàng khiến tôi luôn nhớ mãi hương vị đặc biệt này. Có lẽ cũng vì thế mà chúng tôi ví vị ngọt thanh, dịu mát của xôi lá sau sau là hương vị quê nhà.

Dân dã, bình dị là vậy nhưng món xôi lá sau sau lại chứa đựng nhiều công sức và tình cảm của người làm gửi trao. Vị ngọt của hạt nếp dẻo hòa lẫn với mùi thơm của lá rừng, khi kết hợp lại tạo nên vị ngon lạ miệng, hấp dẫn khiến người thưởng thức nhớ mãi không quên. Với hương vị đặc sắc, độc đáo, tin rằng món xôi lá sau sau sẽ góp phần làm nên sự đa dạng của ẩm thực Xứ Lạng.

MAI LINH - KIM HUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét