Đoàn Thanh niên xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ ra quân chăm sóc Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9
Tuổi trẻ hôm nay
Ngày 19/8 vừa qua, dù phải học tập huấn cả buổi sáng nhưng sau giờ học, anh Phạm Thống Minh (Bí thư Chi đoàn Dân quân cơ động xã Bình Hòa Nam) cũng tranh thủ cùng các đoàn viên khác trong xã thực hiện công trình Đường cờ Tổ quốc trên tuyến đường dẫn vào Bia ghi danh liệt sĩ của xã.
Anh Thống Minh chia sẻ: “Từ khi bắt đầu tham gia phong trào Đoàn, tôi có nhiều cơ hội tìm hiểu về lịch sử quê hương, đặc biệt là của xã nhà và cảm thấy rất tự hào về thế hệ người đi trước, muốn noi gương, đóng góp sức mình xây dựng quê hương”.
Công trình Đường cờ Tổ quốc do Đoàn xã Bình Hòa Nam thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Sau khi mua trụ cờ, đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Dân quân cơ động xã phối hợp các đoàn viên khác cắm trụ cờ vào ngày 19/8 nhằm chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công.
Chỉ sau khoảng 2 giờ, 1,5 km đường vào Bia ghi danh liệt sĩ được lắp cột cờ. Hàng cờ đỏ sao vàng bay phấp phới làm rực rỡ một góc quê ở vùng đất anh hùng.
Đoàn viên, thanh niên xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ thực hiện công trình Đường cờ Tổ quốc vào ngày 19/8/2024
Bí thư Đoàn xã Bình Hòa Nam - Lý Ngọc Trầm cho biết, sau đường vào Bia ghi danh liệt sĩ, Đoàn xã tiếp tục triển khai công trình Đường cờ Tổ quốc trên tuyến đường vào trung tâm xã và đường vào Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9.
Anh Trầm nói: “Những tuyến đường Đoàn xã chọn thực hiện đường cờ đều có ý nghĩa nhất định với người dân địa phương. Đặc biệt, đường vào Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9 vốn được xem là một niềm tự hào của xã nói chung và tuổi trẻ Bình Hòa Nam nói riêng.
Bình Hòa Nam ngày ấy - bây giờ
Như để chứng minh cho điều mình nói, anh Trầm đưa chúng tôi đến Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9 trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng của xã.
Anh Trầm cho biết: “Công trình ghi nhớ của di tích được đặt gần UBND xã nhưng đường vào khu di tích thì thuộc ấp 3. Khu vực đó mới là địa điểm chính xác mà Khu 7, Khu 8, Khu 9 được thành lập. Cũng chính vì vậy mà tuyến đường được người dân quen gọi là đường vào khu di tích. Hiện nay, tuyến đường đó được bêtông hóa, mặt đường 5m, có đèn thắp sáng và trồng hoa 2 bên. Nếu có thêm đường cờ, tuyến đường sẽ rất đẹp”.
Là "thuyết minh viên" tại điểm cho các khu di tích ở địa phương, anh Trầm cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin chi tiết về Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, niềm vui độc lập còn chưa kịp trọn thì người dân Nam Bộ phải đương đầu với âm mưu tái xâm lược nước ta của thực dân Pháp. Ngày 23/9, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, đến ngày 24/10, chúng đánh chiếm tỉnh lỵ Tân An và nhiều địa phương trong khu vực. Thực hiện nghị quyết của Đảng, ngày 10/12/1945, tại nhà ông Nguyễn Văn Kiêu, thuộc làng Bình Hòa, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An (nay là ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ), Xứ ủy lâm thời Nam Bộ tổ chức Hội nghị cán bộ mở rộng. Dự hội nghị có các đồng chí đại diện Trung ương Đảng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt cùng các xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ.
Diện mạo nông thôn xã Bình Hòa Nam ngày càng khởi sắc
Tại Hội nghị Xứ Ủy thống nhất chia Nam Bộ thành 3 khu quân sự - hành chính là Khu 7, Khu 8, Khu 9; đồng thời chỉ định Khu Bộ trưởng và Chủ nhiệm Chính trị từng khu, đề ra các biện pháp củng cố lực lượng vũ trang xây dựng các chi đội vệ quốc đoàn,...
Theo đó, Khu 7 gồm TP.Sài Gòn, các tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh (nay là TP.HCM và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An). Bộ Tư lệnh khu gồm: Nguyễn Bình (Tư lệnh), Trần Xuân Độ (Chính ủy), Dương Văn Dương (Phó Tư lệnh).
Việc thành lập Khu 7, Khu 8, Khu 9 trở thành bước ngoặt lịch sử, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh, chỉ đạo về quân sự hành chính, góp phần vào thắng lợi của cách mạng trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Làng Bình Hòa ngày ấy được lựa chọn là địa điểm tổ chức cuộc họp Xứ ủy lâm thời Nam Bộ vì có địa thế thuận lợi và dân một lòng theo Đảng. Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, các cơ quan Đảng lực lượng vũ trang cấp trên đã về trú đóng tại Bình Hòa.
Dọc theo hai bờ kinh, rạch, các cơ quan như Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Tổng hành dinh Khu 7, quân y, một số đơn vị bộ đội,... đóng rải rác, phần lớn là tại nhà dân. Đến khoảng năm 1947, khi giặc Pháp cho máy bay ném bom khu vực này thì các cơ quan và đơn vị bộ đội mới rút về Đồng Tháp Mười.
Bình Hòa Nam từng là vùng đất anh hùng trong kháng chiến. Ngày nay, nối tiếp truyền thống cha anh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Hòa Nam tiếp tục đoàn kết, chung tay xây dựng địa phương.
Hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2020, hiện nay, xã trên hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Diện mạo nông thôn, đời sống người dân được nâng lên rõ nét. Các công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang.
Nước sạch về đến tận nhà dân
Những con đường xưa bùn lầy, lau sậy giờ được thay bằng đường bêtông rộng rãi, được thắp sáng ban đêm, trồng hoa 2 bên đường. Niềm vui no ấm, đủ đầy hiện hữu trên những cánh đồng chanh xanh mướt, những mái nhà kiên cố dọc theo đường giao thông nông thôn được bêtông hóa.
Chia sẻ về những đổi thay của quê mình, ông Đào Văn Bay (ấp 3, xã Bình Hòa Nam) vui vẻ nói: “Mấy mươi năm năm nay, Bình Hòa Nam thay đổi nhiều lắm, đường giao thông được mở rộng tới từng nhà. Kênh, mương thủy lợi được khai thông, nạo vét cùng với hệ thống đê bao giúp việc trồng trọt của người dân thuận lợi hơn. Điện và nước sạch về tới từng nhà, người dân không còn phải lo gì nữa”.
Vùng quê anh dũng năm nào trong kháng chiến giờ vẫn đang đoàn kết để cùng nhau phát triển mỗi ngày!
Quế Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét