8 thg 9, 2024

Bánh “ma eng”: Món bánh độc đáo của người dân Bình Gia

Bánh “ma eng” (theo tiếng dân tộc "ma eng" nghĩa là chó con) là một món bánh có từ lâu đời của người dân tộc Tày, Nùng huyện Bình Gia. Từ những nguyên liệu bình dị như bột gạo nếp, đường, người dân nơi đây đã khéo léo tạo ra một món bánh độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Để tìm hiểu về các công đoạn làm món bánh độc đáo này, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà Lương Thị Chuyên, thôn Văn Mịch, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, người đã gắn bó với nghề làm bánh nhiều năm nay. Trong lúc đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu, bà Chuyên chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Hồng Phong, huyện Bình Gia. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cách làm bánh “ma eng”. Đây là món bánh mà người dân tộc chúng tôi thường làm mỗi dịp lễ, ngày hội để ăn hoặc mời khách. Đến năm 2000, khi lấy chồng, gia đình tôi bắt đầu làm bánh này để bán vào các ngày chợ phiên tại xã Hồng Phong, Hưng Đạo, Hội Hoan, thị trấn Bình Gia. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được khoảng 1.000 chiếc bánh, với giá bán là 1.000 đồng/cái. 

Bà Lương Thị Chuyên, thôn Văn Mịch, xã Hồng Phong tạo hình bánh "ma eng"

Để món bánh “ma eng” được ngon, mềm dẻo đúng vị thì khâu quan trọng nhất chính là chọn nguyên liệu. Theo đó, gạo để làm bánh phải là gạo nếp vụ chiêm, người làm phải chọn hạt gạo dài, bóng, không bị gãy vụn. Gạo nếp được ngâm với nước trong khoảng 3 tiếng rồi mang đi nghiền thành bột rồi ép cho hết nước chỉ lấy phần tinh bột. Trong quá trình ngâm gạo, người làm còn cho thêm hạt đỗ tương để bánh khi làm được thơm ngon hơn.

Sau khi bột gạo nếp đã khô, người làm sẽ trộn bột với đường hoa mai (làm từ mía) và cho thêm nước vừa phải rồi nhào nặn để hai nguyên liệu hòa trộn vào với nhau. Tiếp theo, bột được cho lên bếp hấp trong khoảng 40 phút, quá trình hấp, người làm phải lưu ý cho bột chín vừa phải vì nếu bột chín quá sẽ bị nhão còn khô quá thì bị cứng. Bột sau khi hấp tiếp tục mang ra trộn với một phần bột khô rồi nhào nặn đến khi bột đạt đến độ dẻo, mềm. Sau đó, người làm bánh sẽ chia ra thành các phần nhỏ rồi tạo hình đầu, đuôi, chân giống con chó con. Sau khi đã tạo hình xong, bánh được cho lên chảo dầu nóng để chao, muốn bánh ngon, người làm phải chú ý đun lửa không quá to cũng không quá nhỏ, đến khi nào bánh nổi lên, chuyển sang màu cánh gián là chín.

Theo lời kể của những người dân huyện Bình Gia, bánh “ma eng” không biết có từ bao giờ, chỉ biết đây là món bánh đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, vất vả, người dân đã sáng tạo ra món bánh này để ăn vặt, mời khách vào những ngày lễ hội. Giờ đây, khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều người đã làm bánh này để bán, phục vụ nhu cầu của nhiều khách hàng. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 3 - 4 gia đình làm bánh này thường xuyên để bán. Không cần những nguyên liệu cầu kỳ, thế nhưng bánh “ma eng” thành phẩm hấp dẫn bởi màu vàng nâu và hình chú chó con rất đẹp mắt. Với hương vị ngọt thanh, dẻo mà không ngấy, bánh “ma eng” đã được nhiều người dân trong và ngoài huyện yêu thích, đặc biệt là trẻ nhỏ, do đó, món bánh này thường được các bà, các mẹ mua làm quà cho các con, các cháu.

Bánh "ma eng" thành phẩm

Chị Triệu Thị Thủy, xã Điềm He, huyện Văn Quan chia sẻ: Cuối năm 2023, tôi có dịp đến chợ phiên tại thị trấn Bình Gia và được ăn thử món bánh “ma eng”, tôi thấy món bánh này rất độc đáo, lạ mắt. Khi ăn bánh tôi thấy rất ngon và lạ miệng, bánh có độ ngọt vừa phải, không ngọt gắt rất dễ ăn. Với bánh này, cả người lớn và trẻ nhỏ ăn đều được nên khi về tôi đã mua để làm quà cho mọi người trong gia đình. Khi có dịp đi qua huyện Bình Gia vào ngày chợ phiên tôi đều ghé mua bánh để thưởng thức.

Bà Đỗ Thị Thanh Mùi, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Gia cho biết: Bánh “ma eng” là một trong những món bánh độc đáo có từ lâu đời của người dân tộc Tày, Nùng ở huyện Bình Gia. Ngày nay, do nhu cầu ngày càng cao của thị trường đã có một số hộ làm bánh này để bán vào các ngày chợ phiên trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời tạo sự đa dạng cho ẩm thực trên địa bàn huyện.

Từ những nguyên liệu dân dã, bình dị, bánh “ma eng” không chỉ là món bánh truyền thống của người dân trên địa bàn huyện Bình Gia mà còn là món quà bình dị gửi đến du khách gần xa mỗi khi có dịp đến với huyện.

HIỂU LAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét