24 thg 9, 2024

Kỳ bí chuyện lập Miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong ở Khánh Hòa

Miếu thờ Thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa hiện nay là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Miếu thờ Thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa được khởi dựng năm 1886. Ảnh: Hữu Long

Miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong nằm tại ngã ba Thành, thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh. Di tích này được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991.

Di tích Miếu Trịnh Phong được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991. Ảnh: Hữu Long

Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, Miếu được khởi dựng năm 1886, gắn liền với câu chuyện lưu truyền trong dân gian.

Chuyện kể rằng, khi Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong thất trận, bị kẻ thù sát hại, chém đầu ở Ninh Hòa và sau đó chúng đem về giao cho Tuần vũ Khánh Hòa ở Thành Diên Khánh bêu đầu bên cầu Sông Cạn (nay là Cầu Trần Quý Cáp) để răn đe dân chúng.

Hệ mái lợp ngói âm dương, đỉnh mái đắp hình “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ảnh: Hữu Long

Khi ấy, có một người phụ nữ tên là Trịnh Thị Xuyến, đã bí mật đem thủ cấp của ông về quê ở thôn Phú Vinh chôn cất. Trên đường đi, bà Xuyến bị theo dõi, do sợ kẻ thù phát hiện, bà vội vàng treo cái túi vải đựng thủ cấp của Trịnh Phong lên bụi duối bên cạnh cây Dầu Đôi.

Hôm sau, người dân phát hiện nhưng không biết người xấu số là ai, bèn đem chôn cất tử tế và lập am để thờ.

Bẵng đi thời gian khá lâu, có một người đàn ông đang cày ruộng thì “lên đồng”, chạy một mạch đến gốc cây Dầu Đôi rồi tự xưng mình là Trịnh Phong bị kẻ thù sát hại, bêu đầu, được bà con chôn cất, lập am thờ cúng, nay xin có lòng cảm tạ.

Qua câu chuyện truyền kỳ ở trên, nhân dân quanh vùng tin rằng thủ cấp trong túi vải treo trên cây duối năm xưa, chính là đầu của Trịnh Phong.

Ông Nguyễn Đức - phó Ban quản lý di tích Miếu Trịnh Phong, trực tiếp trông coi, bảo quản và nhang khói cho di tích, cho biết hàng tuần có rất đông người dân, du khách đến miếu thờ thắp nhang tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong. Ảnh: Hữu Long

Từ đó, am nhỏ được nhân dân kín đáo gọi là Miếu Trịnh Phong. Bên cạnh di tích có cây Dầu Đôi đã vài trăm tuổi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương, vì vậy nhân dân thường lấy tên cây đặt cho di tích miếu Cây Dầu Đôi. Đó là tên gọi dân gian của miếu Trịnh Phong.

Trải qua thời gian, miếu đã qua nhiều lần được tu bổ, tôn tạo. Ban đầu đây chỉ là am thờ nhỏ, được làm bằng tranh tre nứa lá. Đợt tu bổ miếu lớn nhất vào năm 2003, nhân dịp kỉ niệm Khánh Hòa 350 năm thành lập tỉnh Khánh Hòa.

Hàng trăm năm qua, cây Dầu đôi cổ thụ đã che chở cho Miếu Trịnh Phong. Theo ghi chép, Chúa Nguyễn Phúc Tần cho cai cơ Hùng Ngọc Hầu khai hoang rừng, mở mang bờ cõi năm 1653 đã thấy cây Dầu đôi to lớn vượt trội giữa rừng già, cai cơ hạ lệnh không chặt phá để tạo bóng mát. Ảnh: Hữu Long

Miếu Trịnh Phong đã được đầu tư kinh phí tu bổ các hạng mục công trình xây tường bao quanh di tích, nghi môn, bái đường, chánh điện, nhà Đông. Năm 2013, tu bổ phần mái, thay một số cột gỗ tại bái đường.

Miếu được xây theo lối kiến trúc một gian hai chái, ba cửa ra vào được thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản, kết cấu khung gỗ mang nét đặc trưng di tích truyền thống ở Khánh Hòa. Chánh điện treo một bức hoành phi bằng gỗ khắc chữ Hán Nôm “Vạn An Miếu”.

Hệ cửa thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản. Chính giữa bái đường đặt một ban thờ gỗ đơn giản nhưng thể hiện sự cổ kính, trang nghiêm. Trải qua thời gian, miếu đã qua nhiều lần được tu bổ, tôn tạo.


Miếu Trịnh Phong được vua Thành Thái thứ 13 (1901) ban tặng sắc phong cho “Đại Đức Khôi Tinh”, sau đó vào đời vua Khải Định thứ 9 (1924) tiếp tục phong tặng sắc phong với mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Thuần Chính”, ghi nhớ người anh hùng vì nước quên thân. Ảnh: Hữu Long

Hữu Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét