26 thg 9, 2024

Giày thêu tiền triệu của dân tộc Xạ Phang ở Điện Biên

Từ nguyên liệu đơn sơ, đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Xạ Phang đã tạo nên những đôi giày thêu độc đáo giá hàng triệu đồng.

Những đôi giày thêu thành phẩm có giá khoảng 2 triệu đồng - sản phẩm của phụ nữ dân tộc Xạ Phang. Ảnh: Quang Đạt

Trong văn hóa của dân tộc Xạ Phang ở Điện Biên, đôi giày không chỉ là vật dụng để đi, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa, là biểu tượng của sự khéo léo và tinh tế của người phụ nữ.

Chị Ngải Lừ Seo - người dân xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa, cho biết: “Đôi giày truyền thống của người Xạ Phang từ xưa đã được xem như một biểu tượng của sự khéo léo, chăm chỉ và kiên trì của người phụ nữ. Các bé gái từ nhỏ đã được các bà, các mẹ, các chị hướng dẫn việc may vá, thêu thùa, làm các đồ dùng sinh hoạt và trang phục cá nhân”.

Nghề thêu giày truyền thống của người Xạ Phang là minh chứng sinh động cho sự khéo léo, tỉ mỉ và tình yêu lao động của người dân vùng cao nguyên đá.

Quá trình làm ra một đôi giày (tiếng Xạ Phang là liển hài) truyền thống vô cùng công phu, tỉ mỉ và đòi hỏi sự kiên nhẫn cao. Từ việc chuẩn bị nguyên liệu như mo tre, vải, chỉ (chỉ thiêu, chỉ lanh, chỉ khâu), loại củ để làm keo dán cho đến các công đoạn cắt, khâu, thêu. Đặc biệt, việc thêu hoa văn trên giày là một nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế và sáng tạo.

Nguyên liệu chính để làm đế giày là mo tre già được chọn lọc kỹ càng, phơi khô, ép phẳng và cắt theo hình dáng bàn chân. Để tăng độ bền và chắc chắn, các lớp mo tre được ghép lại với nhau, mỗi lớp được bọc một lớp vải dày.

Lớp truyền dạy nghề làm giày thêu của người Xạ Phang có 21 học viên tại xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Một trong những bí quyết tạo nên sự đặc biệt của giày thổ cẩm chính là loại keo dính được làm từ củ "mù dỉ". Củ được phơi khô, nghiền thành bột mịn và nấu thành keo. Loại keo này có khả năng kết dính rất tốt, giúp các lớp vải liên kết chặt chẽ với nhau mà không làm cứng giày.

Điểm nhấn của giày chính là những họa tiết thổ cẩm được thêu tay tỉ mỉ. Mỗi họa tiết đều mang một ý nghĩa riêng, thể hiện quan niệm sống và ước vọng của người dân. Các họa tiết thường được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống hàng ngày và các câu chuyện trong truyền thuyết.

Quá trình làm ra đôi giày thêu truyền thống đòi hỏi sự tinh tế, kiên nhẫn và sáng tạo.

Một đôi giày thổ cẩm hiện có giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Để hoàn thiện một đôi giày, người phụ nữ Xạ Phang phải mất khoảng 10 - 15 ngày làm việc liên tục hoặc có thể lâu hơn. Giày của dân tộc Xạ Phang cũng được thành nhiều loại, như giày nam, giày nữ, giày cho người cao tuổi và giày dành riêng cho chú rể, cô dâu trong ngày cưới.

“Ðiểm khác nhau giữa giày nam và giày nữ là giày nữ kín mũi, còn giày nam hở một phần phía trước và thân giày. Còn giày cho nam và nữ, từ trung tuổi trở xuống đều là các đôi giày nhiều màu sắc, nhiều họa tiết”, chị Seo nói.

Một đôi giày hoàn chỉnh có giá bán từ 1,5 - 2 triệu đồng/đôi.

Theo bà Giàng Thị Giàng - Phó Chủ tịch UBND xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa, để duy trì và phát triển nghề thêu giày truyền thống hiện nay, yếu tố kinh tế đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không có đầu ra ổn định, việc duy trì bản sắc sẽ trở nên khó khăn.

“Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Tủa Chùa đã có những giải pháp hỗ trợ, hiện nay, huyện cũng đang triển khai lớp truyền dạy nghề làm giày thêu cho 21 học viên tại xã Lao Xả Phình, nhằm nâng cao kỹ năng và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”, Bà Giàng nói.

Với những giá trị tiêu biểu, vào tháng 3.2021, nghề làm giày thêu của dân tộc Xạ Phang đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

QUANG ĐẠT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét